1. Tầm quan trọng của chế độ ăn uống đối với dậy thì sớm ở nữ giới
Dậy thì sớm là một vấn đề sức khỏe đáng quan tâm ở trẻ gái. Ngoài các yếu tố di truyền và môi trường, chế độ ăn uống cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hòa quá trình này.
Theo BSCKI. Hoàng Hường, chuyên Sản phụ khoa, giai đoạn dậy thì thường bắt đầu ở độ tuổi từ 8-13 đối với trẻ em gái và 9-14 tuổi đối với trẻ em trai. Dậy thì được coi là sớm nếu nó xảy ra trước thời điểm dự kiến và phổ biến ở trẻ gái hơn so với bé trai.
Dậy thì sớm hay muộn đều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, đặc biệt là tâm sinh lý của trẻ. Những trẻ gái trưởng thành sớm có tỷ lệ rối loạn tâm lý và rối loạn ăn uống cao hơn. Vì vậy, khi phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường so với lứa tuổi, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám và thiệp sớm.
Trên thực tế, trẻ dậy thì sớm ngày càng có xu hướng gia tăng do tình trạng béo phì hoặc chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Nghiên cứu cho thấy, chế độ dinh dưỡng không cân đối, lượng chất béo dư thừa trong cơ thể làm thay đổi mức độ hormone thúc đẩy thời gian dậy thì. Tiêu thụ lượng protein động vật và thịt cao có thể thúc đẩy tăng trưởng đẩy nhanh quá trình dậy thì.
Việc tiếp xúc với các hóa chất gây rối loạn nội tiết như các hóa chất tổng hợp được tìm thấy trong nhựa, thuốc trừ sâu, nhiên liệu và các hóa chất công nghiệp khác có tác dụng ức chế hoặc thay đổi hoạt động của các hormone tự nhiên. Chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh cũng có thể gây rối loạn sự phát triển thể chất bình thường.
Do đó, để phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ của dậy thì sớm, cha mẹ cần lưu ý chế độ dinh dưỡng của trẻ cần đủ chất, cân đối các nhóm thực phẩm. Hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh có chứa phụ gia, chất béo xấu, chất tạo màu như: đồ hộp, đồ ngọt, béo, thức ăn nhiều dầu mỡ…
2. Những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể trẻ gái dậy thì sớm
Dậy thì là giai đoạn trẻ em gái phát triển nhanh chóng, cần nhiều năng lượng và dưỡng chất. Một chế độ ăn cân bằng sẽ cung cấp đủ các chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Tăng cường thực phẩm giàu đạm, sắt, canxi, vitamin và khoáng chất… trong chế độ ăn uống để trẻ phát triển thể chất và chiều cao tốt nhất.
Chất đạm
Chất đạm (protein) là dưỡng chất quan trọng giúp xây dựng, tái tạo tất cả các mô của cơ thể và sự phát triển của cơ bắp.
Trẻ trong giai đoạn dậy thì phát triển cơ bắp nên cần tăng cường lượng protein trong chế độ ăn uống. Nguồn thực phẩm cung cấp protein tốt nhất bao gồm: Thịt, cá, trứng, sữa, đậu, các loại hạt…
Canxi
Trẻ dậy thì cần được cung cấp đủ canxi để xương chắc khỏe và độ đậm xương đạt mức tối đa giúp trẻ phát triển tốt về chiều cao và ngăn ngừa bệnh loãng xương sau này.
Mỗi ngày trẻ cần 1.000- 1.200 mg canxi từ các nguồn thực phẩm: sữa và các chế phẩm từ sữa, tôm, cua, cá, rau lá xanh…
Vitamin D
Vitamin D có vai trò giúp cơ thể hấp thu canxi, hỗ trợ phát triển xương. Nguồn cung cấp vitamin D từ ánh nắng mặt trời, các loại cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá cơm…), trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa bổ sung vitamin D.
Sắt
Thiếu máu do thiếu sắt sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất và tinh thần của trẻ sau này. Đặc biệt, đối với trẻ gái khi bước vào tuổi dậy thì cần lượng sắt nhiều hơn trẻ trai do mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt. Do vậy trẻ cần được bổ sung các thực phẩm giàu sắt trong bữa ăn hàng ngày như: thịt, gan, tim, bầu dục, lòng đỏ trứng, đậu đỗ…
Trong bữa ăn nên tăng cường thực phẩm giàu vitamin C như rau xanh và trái cây tươi để giúp trẻ hấp thu sắt tốt hơn.
Kẽm
Kẽm cần thiết quá trình phát triển nhanh của tế bào, kích hoạt tăng trưởng chiều cao, cân nặng và phát triển xương ở trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên. Bổ sung kẽm đầy đủ sẽ giúp tăng cảm giác ngon miệng, giúp trẻ cải thiện thể chất.
Nguồn thực phẩm giàu kẽm rất phong phú bao gồm: thịt đỏ, thịt lợn nạc, thịt gia cầm, lòng đỏ trứng, sò, hàu, cua, tôm, cá, giá đỗ, đậu Hà Lan, đậu nành, cà rốt, lạc, ổi, chuối…
Chất béo lành mạnh
Chất béo có vai trò quan trọng khi là nguồn cung cấp năng lượng cao đáp ứng cho sự phát triển nhanh của cơ thể trẻ.
Bữa ăn của trẻ nên kết hợp cả chất béo động vật và chất béo thực vật. Tuy nhiên cần lưu ý ưu tiên nguồn chất béo lành mạnh giàu omega-3 từ cá béo, dầu ô liu, quả bơ, quả óc chó, các loại hạt… Hạn chế cho trẻ ăn các loại chất béo xấu có trong các thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thực phẩm chiên đi chiên lại nhiều lần…
3. Thực phẩm nên tránh khi trẻ bị dậy thì sớm
Thức ăn nhanh
Hầu hết thức ăn nhanh, bao gồm cả đồ uống và đồ ăn vặt như: bánh mì kẹp thịt, bánh ngọt, gà rán, khoai tây chiên, trà sữa, nước có gas… đều chứa nhiều carbohydrate, rất ít hoặc không có chất xơ. Nếu thường xuyên ăn những loại đồ ăn này sẽ khiến trẻ nhanh chóng tăng cân và béo phì.
Đường và chất béo dư thừa trong cơ thể có thể làm thay đổi mức độ hormone thúc đẩy thời gian dậy thì sớm hơn và làm tăng thêm những nguy cơ trong tương lai đối với trẻ đã dậy thì sớm.
Thịt chế biến sẵn
Mặc dù thịt có thể là một nguồn cung cấp protein, sắt và các chất dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ trong giai đoạn tăng trưởng nhưng tiêu thụ quá nhiều thịt cũng thúc đẩy tăng trưởng và đẩy nhanh quá trình dậy thì, nhất là các loại thịt chế biến sẵn như: xúc xích, lạp xưởng, thịt nguội, thịt xông khói, thịt đóng hộp….
Ngoài ra, khi sử dụng thường xuyên loại thịt này có nghĩa là đưa vào cơ thể lượng muối và chất bảo quản nhiều gây hại cho tim, thận, làm tăng huyết áp động mạch và nhiều nguy cơ sức khỏe khác.
Thực phẩm sử dụng thuốc kích thích và hóa chất
Những loại thực phẩm trái mùa như rau, củ, quả thường sử dụng nhiều loại hóa chất, trong đó có chất kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu, chất bảo quản… Những hóa chất này có thể ức chế hoặc thay đổi hoạt động của các hormone tự nhiên. Nếu trẻ ăn nhiều loại thực phẩm này cũng có thể bị ảnh hưởng, có nguy cơ bị dậy thì sớm.
Xem thêm: