6 câu hỏi thường gặp liên quan đến gãy xương mác

Gãy xương mác là một chấn thương ở vùng cẳng chân không quá nghiêm trọng. Xương mác là xương nhỏ nên rất dễ gãy. Việc gãy xương mác cẳng chân sẽ khiến người bệnh gặp khó khăn trong đi lại, vận động.

1. Y học cổ truyền có chữa được gãy xương mác?

Gãy xương mác là chấn thương nghiêm trọng, đòi hỏi sự chú ý và điều trị kịp thời. Theo Y học cổ truyền, khi bị gãy xương, sang chấn làm cho thương khí tắc, khí trệ, thương huyết tắc huyết ngưng, huyết ngưng thì cản trở khí hành, vì vậy huyết ứ mà gây ra bệnh.

Ngoài nguyên tắc cố định xương gãy theo phác đồ của y học hiện đại, việc kết hợp điều trị gãy xương theo y học cổ truyền là dùng thuốc xoa hoặc đắp ngoài có tác dụng tại chỗ và thuốc uống trong có tác dụng toàn thân. Tuy nhiên, nên thận trọng với những bài thuốc không rõ nguồn gốc hoặc những thầy lang tay nghề kém. Nên đến khám tại bệnh viện y học cổ truyền hoặc cơ sở y tế có chuyên khoa y học cổ truyền

Theo BS Cao Xuân Kim – chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình, người dân khi gặp các chấn thương liên quan đến gãy xương, hãy đến ngay bệnh viện để được các bác sĩ tư vấn điều trị. Tuyệt đối không nên tự điều trị tại nhà bằng bất cứ phương pháp dân gian nào để tránh những biến chứng có thể xảy ra như nhiễm trùng, cong vẹo, lệch trục chi, ảnh hưởng vận động… nguy cơ phải cắt bỏ chi cao nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời.

6 câu hỏi thường gặp liên quan đến gãy xương mác- Ảnh 1.

Gãy xương mác cần được điều trị càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng không tốt.

2. Gãy xương mác có nguy hiểm hay không?

Theo các chuyên gia cơ xương khớp, xương mác chỉ chiếm 17% trọng lượng cơ thể. Xương mác là xương nhỏ, chạy dọc ống đồng chân với 1 đầu nối với xương chày, đầu dưới gắn với mắt cá nhân. Thân xương hình trụ, có 3 mặt, 3 bờ. Xương mác thường nhỏ, mảnh nên rất dễ bị gãy.

Gãy xương mác xảy ra khi có áp lực lớn tác động vào xương nhiều hơn sức tải của nó. Thông thường gãy xương mác không nguy hiểm tới tính mạng nhưng lại ảnh hưởng tới khả năng vận động, sinh hoạt, gây phiền toái cho người bệnh.

  • Gây đau đớn, bầm tím, nhức buốt ở vị trí gãy;
  • Đau nặng hơn khi có áp lực tác động lên chân;
  • Không thể đi lại, vận động;
  • Dị dạng ở phần dưới chân.

Gãy xương mác cần được điều trị càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng không tốt ảnh hưởng tới sức khỏe ví dụ như nhiễm trùng tại vị trí gãy, xương gãy nhô ra ngoài…

3. Gãy xương sau bao lâu thì khỏi?

Việc điều trị gãy xương mác cần phụ thuộc vào mức độ gãy. Gãy xương mác mức độ nhẹ (gãy xương mác kín, xương còn bên trong da) không cần can thiệp phẫu thuật tức là chỉ cố định xương bằng nẹp hoặc bó bột thì quá trình lành xương từ 1-2 tháng trở lên. Trong trường hợp gãy xương nặng (xương đâm ra bên ngoài rách da hoặc có thể nhìn rõ xương gãy) hay gãy xương phức tạp, bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật để cố định lại xương gãy bên trong với tấm kim loại và ốc vít. Trường hợp xương bị gãy vụn, không thể cố định lại được thì bác sĩ có thể chỉ định ghép xương (trường hợp này không nhiều).

Thời gian phục hồi sau điều trị gãy xương mác nhanh hay chậm cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ chấn thương, phương pháp điều trị, biện pháp chăm sóc sau phẫu thuật… Thông thường, sau khoảng 5 – 6 tuần là đoạn xương mác sẽ được phục hồi. Khả năng phục hồi sau gãy xương mác khá nhanh chóng nhưng có thể sẽ không được thẳng như ban đầu mà có hình cong. Để xương trở về cấu trúc ban đầu cần mất nhiều thời gian hơn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tuổi tác, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, vận động sau gãy.

4. Chăm sóc bệnh nhân tại nhà trong khi phục hồi gãy xương mác

Gãy xương mác gây ảnh hưởng tới khả năng vận động và sinh hoạt của người bệnh. Do đó, để quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng sau điều trị giúp cải thiện chức năng hoạt động của xương mác sau gãy, cần tuân thủ hướng dẫn chăm sóc người bệnh như sau:

Hoạt động khớp

Sau khi bó bột hoặc phẫu thuật, tình trạng gãy xương đang hồi phục dần, người bệnh cần hoạt động khớp để tránh cứng khớp. Cách hoạt động khớp giai đoạn đầu thường là co duỗi chân. Nên thực hiện động tác co duỗi chậm rãi trong khoảng 30 giây. Mỗi lần thực hiện liên tục trong khoảng 10 phút, mỗi ngày 5 lần.

6 câu hỏi thường gặp liên quan đến gãy xương mác- Ảnh 2.

Người bệnh cần luyện tập co duỗi chân sau gãy xương để nhanh hồi phục.

Tập đi sau gãy xương mác

Khi co duỗi chân thuần thục, bệnh nhân có thể thực hiện động tác di chuyển chân. Khi xương chưa liền, người bệnh cũng nên đi lại vận động bằng nạng, tránh đặt trọng lượng lên chân bị gãy trong thời gian từ 6-8 tuần. Khi xương liền vững, tì không đau ở vị trí gãy xương thì bỏ nạng và tập đi như bình thường.

Vận động thường ngày

Người bệnh cũng nên thực hiện những động tác như đi lên cầu thang, bước xuống bậc thềm hoặc đứng lên ngồi xuống thường xuyên khi chân không đau nhức nữa. Những động tác này sẽ giúp quá trình phục hồi xương mác nhanh chóng hơn.

Xoa bóp và chườm nóng vùng gãy

Người bệnh nên xoa nắn xung quanh và tại vị trí xương mác bị gãy. Nên xoa bóp bằng tay không, chú ý không sử dụng dầu nóng, thuốc để xoa bóp để tránh nguy cơ xơ cứng khớp hoặc vôi hóa khớp. Người bệnh gãy xương mác cũng có thể chườm nóng để giảm đau. Tuy nhiên không nên chườm lên vị trí có đinh, nẹp hoặc vòng thép kim loại khi bó bột vì có thể khiến chúng nóng lên, gây bỏng.

Duy trì chế độ ăn uống khoa học

Người bệnh gãy xương mác cần bổ sung thực phẩm giàu protein, vitamin D và canxi để hỗ trợ tái tạo xương, phục hồi nhanh chóng tình trạng bệnh.

Bên cạnh đó, người bệnh cần theo dõi sức khỏe tại nhà và sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Chú ý ăn uống và nghỉ ngơi đúng cách sẽ giúp hồi phục sớm sức khỏe, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và tái khám kiểm tra theo đúng lịch hẹn.

5. Biến chứng có thể xảy ra khi gãy xương mác không được điều trị kịp thời

Nếu không chẩn đoán và điều trị gãy xương mác kịp thời, người bệnh có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Tổn thương khớp mắt cá: Xương mác hỗ trợ chức năng của khớp mắt cá, do đó, khi xương này bị gãy mà không được điều trị đúng cách, khớp mắt cá có thể bị tổn thương, dẫn đến các vấn đề về vận động.

Nhiễm trùng: Trong trường hợp gãy xương hở mà không được điều trị đúng cách, vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua vết thương gây nhiễm trùng.

Biến chứng mạch máu và thần kinh: Xương bị gãy có thể chèn ép vào các mạch máu và dây thần kinh, dẫn đến tình trạng thiếu máu cục bộ hoặc tổn thương thần kinh.

6. Chi phí điều trị gãy xương mác

Chi phí điều trị gãy xương mác có thể dao động khá lớn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Gãy xương đơn giản, phức tạp hay có di lệch đều ảnh hưởng đến phác đồ điều trị và chi phí. Điều trị bảo tồn bằng dùng nẹp, bó bột, thường ít tốn kém hơn. Phương pháp phẫu thuật gồm cố định bằng vít, nẹp, hoặc thay khớp, chi phí sẽ cao hơn do cần dụng cụ y tế, kỹ thuật phẫu thuật và chăm sóc trong thời gian hồi phục.

Để biết chính xác chi phí điều trị, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể về tình trạng bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Xem thêm:

Chế độ ăn cho người bị gãy xương mácChế độ ăn cho người bị gãy xương mác

SKĐS – Gãy xương mác là một chấn thương phổ biến ở vùng chân, thường xảy ra do va chạm mạnh hoặc tai nạn. Tập trung vào chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng cung cấp các khoáng chất và vitamin thiết yếu để xương khỏe mạnh, đảm bảo dinh dưỡng tối ưu cho quá trình phục hồi gãy xương.

Các phương pháp điều trị gãy xương mácCác phương pháp điều trị gãy xương mác

SKĐS – Chấn thương gãy xương mác thường gặp trong các tai nạn giao thông, thể thao hoặc ngã đập mạnh. Việc điều trị đúng, kịp thời giúp người bệnh giảm đau đớn và giảm nguy cơ biến chứng…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *