1. Hoa mắt chóng mặt dưới góc nhìn của đông, tây y
Rối loạn tiền đình là hội chứng có nhiều nguyên nhân khác nhau mà biểu hiện thường gặp nhất của chúng là triệu chứng chóng mặt, cảm giác xoay tròn, đổ nhà đổ cửa, kèm theo có hoặc không các triệu chứng khác như ù tai, rung giật nhãn cầu, các biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật khác như mạch nhanh, hồi hộp, trống ngực, vã mồ hôi…
Rối loạn tiền đình thường gặp ở nữ giới, với độ tuổi đa dạng từ 20 – 50 tuổi, gây nên vô số những trở ngại, khó khăn trong cuộc sống cho người bệnh.
Để điều trị bệnh lý này, y học hiện đại sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng, điều trị vào nguyên nhân bệnh, ngoài ra có sử dụng các phương pháp hỗ trợ khác như hướng dẫn nghỉ ngơi, vận động tiền đình…
Trong y học cổ truyền không có bệnh danh rối loạn tiền đình. Các thầy thuốc khi xưa đã quan sát cẩn thận, đánh giá kĩ về các triệu chứng của người bệnh, để rồi từ đó đúc rút ra các kinh nghiệm.
Do triệu chứng chủ yếu, nổi bật của rối loạn tiền đình là triệu chứng chóng mặt, do đó nó được gọi bằng bệnh danh Huyễn vựng. Huyễn là chóng mặt, vựng là hoa mắt. Tuy nhiên, giống với y học hiện đại, y học cổ truyền cũng yêu cầu tìm ra nguyên nhân, gốc bệnh là gì, để tập trung giải quyết vấn đề đó.
Có thể chia triệu chứng Huyễn vựng ra làm hai nhóm chính: Nhóm hư (chính khí hư), nhóm thực (tà khí thực). Mỗi nhóm có những đặc điểm riêng, đồng thời có những bài thuốc, món ăn riêng để hỗ trợ điều trị.
Huyễn vựng được chia làm các nhánh như sau:
+ Can dương thượng cang: Thường gặp ở nhóm bệnh nhân có tăng huyết áp, mặt đỏ, tính tình nóng nảy, gấp rút, ngủ ít, hay mơ. Thường gặp ở đối tượng người trẻ.
+ Đàm trọc tâm nhiễu: Thường gặp ở nhóm bệnh nhân ăn quá nhiều đồ bổ béo dẫn tới sinh đàm, đàm trọc theo khí lên gây chóng mặt.
+ Khí huyết lưỡng hư và can thận hư: Thường gặp ở nhóm bệnh nhân tuổi cao, suy kiệt, thiếu máu…
2. Món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị hoa mắt chóng mặt
2. 1. Can dương thượng cang
– Cháo rau cần (Trường thọ dược chúc phổ)
Rau cần (cả rễ) 50g đem rửa sạch, băm nhỏ, cho vào nồi cùng 100g gạo tẻ, thêm khoảng 600ml nước, nấu đến khi thành cháo. Ngày ăn hai lần.
– Trà vỏ đậu xanh (Nghiệm phương)
Vỏ đậu xanh 10g đem rửa sạch rồi phơi khô, lá dâu tươi 50g, lá sen tươi 50g đều đem rửa sạch.
Thêm nước vào rồi đun, uống trà thay nước trong ngày.
2.2. Đàm trọc tâm nhiễu
– Chỉ truật hoàn (Tỳ vị luận)
Chỉ thực 10g, bạch truật 10g sắc lấy nước 3 lần, bỏ bã. Lấy nước sắc thuốc cho vào 150g gạo tẻ để nấu, đợi khi cơm gần chín thì lấy 1 lá sen bản to để phủ lên trên bề mặt cơm. Tiếp tục nấu đến khi cơm chín hẳn. Mỗi ngày có thể ăn bữa sáng và tối.
2. 3. Can thận hư
– Bột thiên ma cúc hoa câu kỉ (Nghiệm phương)
Thiên ma 50g, cúc hoa 50g, câu kỉ tử 30g, nghiền thành bột. Mỗi lần dùng 10g, ngày 2 lần, uống cùng nước.
– Chế đậu đen (Cảnh Nhạc toàn thư)
Sơn thù, phục linh, đương quy, tang thầm, thục địa, bổ cốt chỉ, thỏ ti tử, hạn liên thảo, ngũ vị tử, câu kỉ tử, địa cốt bì, vừng đen, mỗi thứ 10g. Sắc lấy nước 3 lần, bỏ bã giữ nước. Ngâm 500g đậu đen vào nước ấm cho nở ra, rồi cho vào nồi sắc cùng nước thuốc ở trên đến khi cạn nước, đem đậu đen đó sao khô để sử dụng.
Mỗi ngày 3 lần, mỗi lần ăn 10g.
2. 4. Khí huyết lưỡng hư
– Vừng đen (Nghiệm phương)
Vừng đen 100g, dùng lửa nhỏ để sao cho chín.
Hạt của đào nhân 100g, lá dâu tươi 100g đã cắt bỏ gân lá.
Những thứ trên giã nhỏ, trộn đều như bùn rồi cho thêm mật ong lượng thích hợp vào.
Mỗi ngày dùng 10g, ngày 03 lần.
Lưu ý: Trên đây chỉ là những bài thuốc, món ăn có tính chất hỗ trợ cải thiện triệu chứng chóng mặt. Người bệnh cần được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa để tìm kiếm và phát hiện nguyên nhân gây bệnh mới có thể điều trị ổn định, dứt điểm.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thường xuyên đau đầu, hoa mắt, chóng mặt là dấu hiệu bệnh gì? Điều trị thế nào?