1. Vai trò của tập luyện đối với người bị hôi nách
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị người trưởng thành nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần, tương đương 30 phút/ngày, trong 5 ngày/ tuần đối với các hoạt động ở cường độ vừa phải (như đi bộ, đạp xe, khiêu vũ…). Đối với hình thức vận động cường độ cao như chạy bộ, nhảy dây, cường độ cao ngắt quãng…, bạn nên dành 75 phút mỗi tuần.
Tập thể dục thường xuyên mang lại nhiều ích lợi cho sức khỏe tổng thể giúp làm giảm lượng đường trong máu, huyết áp và cholesterol. Nó cũng giúp giảm cân, giảm căng thẳng và tăng cường hệ miễn dịch…
Về cơ bản, những người bị hôi nách nên hạn chế các hoạt động làm tăng tiết mồ hôi, tăng tiết bã nhờn cơ thể như chạy nhảy, vận động mạnh… vì có thể khiến tình trạng mùi cơ thể trở nên khó chịu hơn. Tuy nhiên, việc tập luyện phù hợp sẽ giúp cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh.
2. Một số bài tập cho người hôi nách
Nhìn chung không có chống chỉ định tuyệt đối tập luyện với người bị hôi nách. Điều quan trọng là cần lựa chọn loại hình vận động phù hợp với thể trạng và giữ vệ sinh cá nhân đúng cách.
Những người bị hôi nách thường xuyên đổ mồ hôi, có thể tập các môn thể thao không đòi hỏi thể lực mạnh hay gắng sức quá mức. Chẳng hạn như đi bộ, đạp xe, các bài tập yoga đơn giản, kéo giãn cơ hay bất kỳ loại hình vận động thể chất nào mà người tập thấy phù hợp với sức khỏe và không ảnh hưởng đến vấn đề của mình.
3. Những lưu ý khi tập luyện
Để hạn chế mùi cơ thể khi tập luyện thể dục thể thao, người bị hôi nách cần lưu ý một số điều sau đây:
– Thời điểm và không gian tập luyện: Không gian và thời điểm tập luyện cần được lưu ý nhằm hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm… Môi trường nóng bức, độ ẩm cao, khiến cơ thể tăng bài tiết mồ hôi, kết hợp với vi khuẩn gây mùi hôi khó chịu. Do đó, bạn nên ưu tiên những địa điểm, không gian tập luyện thoáng đãng, thông khí, thời điểm tập luyện nên điều chỉnh vào lúc thời tiết mát mẻ trong ngày.
Tránh tập thể dục dưới thời tiết nắng nóng. Vào mùa hè, bạn có thể tập luyện vào buổi sáng hoặc buổi tối. Vào mùa đông, nên tránh tập ngoài trời thời điểm quá sớm hay quá khuya để tránh tác động tiêu cực đến sức khỏe.
– Tắm sau khi tập thể dục hoặc chơi thể thao: Vệ sinh, tắm rửa sau khi hoạt động gắng sức như tập thể dục hoặc chơi thể thao để loại bỏ vi khuẩn và mồ hôi gây mùi. Có thể sử dụng các loại xà phòng để làm sạch vùng nách. Sau khi tắm xong, trước khi mặc quần áo hãy dùng khăn sạch lau khô người.
– Vệ sinh vùng nách: Để giảm thiểu mùi hôi nách khó chịu, cần phải thường xuyên vệ sinh lông nách để hạn chế vi khuẩn tích tụ trên da. Có thể sử dụng biện pháp tẩy hoặc cạo lông nách sẽ làm giảm đáng kể mùi hôi nách. Không nên dùng nhíp nhổ lông nách vì có thể khiến các nang lông bị tổn thương, phình to. Khi này, tuyến mồ hôi sẽ hoạt động nhiều hơn.
Ngoài ra, có thể sử dụng phèn chua, lá trầu không, chanh… tắm xát vào vùng nách để ngăn ngừa mùi hôi.
– Sử dụng các sản phẩm khử mùi cho vùng da dưới cánh tay: Thay vì chọn những sản phẩm khử mùi có hương thơm mạnh, những người bị hôi nách nên chọn sản phẩm có khả năng kiểm soát mùi lâu dài. Các sản phẩm khử mùi hoặc lăn có chứa ion bạc có thể giảm vi khuẩn, từ đó kiểm soát mùi cơ thể hiệu quả hơn.
– Lựa chọn quần áo phù hợp: Mùi không chỉ phát ra từ cơ thể mà còn từ quần áo. Các loại quần áo thể thao chuyên dụng thường có đặc tính hút ẩm, điều đó có nghĩa là quần áo hút ẩm ra khỏi da để cơ thể luôn khô ráo và thoải mái trong khi thi đấu, tránh bị phồng rộp và phát ban.
Tuy nhiên, quần áo hút ẩm tốt thường được làm từ polyester. Không giống như các loại sợi tự nhiên (như bông và len), polyester giữ mùi lâu và khó loại bỏ hơn. Những chiếc áo được mặc đi mặc lại nhiều lần thường sẽ bị tích tụ mùi nếu không xử lý đúng cách.
Lời khuyên là cần đảm bảo quần áo luôn sạch sẽ. Ngoài bột giặt, bạn nên ngâm quần áo tập qua nước ấm pha chút giấm trắng, sử dụng bột giặt chuyên biệt cho thể thao. Với giày, bạn có nhiều cách xử lý như thường xuyên thay lót giày, rắc bột khử mùi, mang vớ hút ẩm…
Chuẩn bị khăn để thấm mồ hôi trong quá trình tập, nhất là mồ hôi ở dưới cánh tay và những vùng nếp lằn da khác như cổ – gáy – sau tai, bụng, vùng cạp quần, khuỷu tay, bẹn, khoeo chân.