Thấy canh măng khô nấu móng giò là thấy Tết
Kể cả khi còn cả tháng nữa mới đến Tết nhưng các bà, các mẹ đã tranh thủ ngắm nghía mối quen hoặc người rao bán online xem loại măng khô nào ưng ý là đặt mua. Có người cẩn thận còn mua từ rất sớm để đợi có gió hanh khô thì mang ra phơi thêm vài nắng để đến Tết nếu thời tiết nồm cũng không sợ măng bị mốc.
Còn móng giò, nhất là móng chân trước thường sẽ hết rất sớm nên cách cả tuần cũng phải dặn dò người bán hàng kỹ lưỡng để không quên phần của mình.
Kể sơ để thấy, món canh măng khô nấu móng giò truyền thống dường như không thể thiếu với nhiều gia đình trong mâm cỗ Tết. Món canh được ninh nấu kỹ lưỡng, móng giò và măng đều đậm đà, vị béo ngậy của chân giò quyện vào miếng măng được hầm đến độ mềm vừa tới, gia vị đi kèm là những củ hành trắng mập chần rất hấp dẫn.
Món ngon ngày Tết này được nhiều người ưa chuộng và là món ăn nhiều dinh dưỡng nhưng một số người không nên ăn, thậm chí tuyệt đối tránh món móng giò ninh măng khô.
Lợi ích sức khỏe của móng giò
Móng giò heo có rất nhiều mô liên kết cứng và da dày, trong quá trình đun nấu lâu ở nhiệt độ thấp giúp phá vỡ các mô và làm cho thịt mềm hơn. Quá trình nấu chậm này cũng tạo ra collagen, tạo ra một số lợi ích sức khỏe như:
Duy trì làn da khỏe mạnh: Collagen là thành phần chính của làn da chúng ta. Đó là lý do làn da khỏe mạnh trông đầy đặn và có độ đàn hồi mạnh mẽ. Cơ thể chúng ta sản xuất collagen một cách tự nhiên, nhưng một số yếu tố nhất định có thể khiến quá trình sản xuất collagen bị suy giảm. Một trong những yếu tố nghiêm trọng nhất là thời kỳ mãn kinh, có thể khiến phụ nữ mất tới 30% khả năng sản xuất collagen.
Giảm đau khớp: Trong một nghiên cứu kéo dài sáu tháng, 200 bệnh nhân được chẩn đoán bị đau khớp đã được cho dùng collagen thủy phân hoặc giả dược. Vào cuối cuộc nghiên cứu, những người tham gia nhận collagen có nhiều khả năng cải thiện tình trạng đau khớp hơn đáng kể so với những người dùng giả dược. Những kết quả này cho thấy rằng việc bổ sung collagen trong chế độ ăn uống có thể có hiệu quả trong việc điều trị đau khớp cho một số người.
Góp phần tăng cơ: Collagen có thể giúp tăng khối lượng cơ bắp và sức mạnh cho người già. Một nghiên cứu nhỏ đã thử nghiệm 72 nam giới tham gia, tất cả đều tham gia cùng một chế độ tập thể dục nhưng một nửa được bổ sung collagen trong khi nửa còn lại nhận được giả dược. Trong khi tất cả những người tham gia đều cho thấy sự cải thiện về cơ bắp thì những người nhận được collagen lại có những cải thiện lớn hơn đáng kể.
Thông tin dinh dưỡng
Móng giò chứa nhiều protein và chất béo, trong khi chúng lại thiếu carbs và chất xơ. Giá trị dinh dưỡng chủ yếu trong khoảng 100 g móng giò heo luộc là:
- Lượng calo: 197
- Chất đạm: 19 g
- Chất béo: 14 g
- Carbohydrate: 0 gam
- Chất xơ: 0 gram
Giá trị dinh dưỡng cần lưu ý, nhất là với người béo phì, người bệnh tăng huyết áp, tim mạch:
Thịt chân giò, móng giò lợn có hàm lượng chất béo và cholesterol cao do đó những người có tình trạng béo phì, tăng huyết áp, tim mạch… nên cân nhắc khi ăn. Việc ăn quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ có hại cho sức khỏe. Đối với khẩu phần khoảng 30g chứa lượng calo là 60,1 và calo từ chất béo 32,1 (chiếm 53,4 %). Chỉ ăn 1 lượng 30g đã chiếm % giá trị hàng ngày như sau:
- Tổng chất béo 3,6 g
- Chất béo bão hòa 1 g
- Chất béo không bão hòa đơn 1,8 g
- Chất béo không bão hòa đa 0,3 g
- Cholesterol 24,9 mg
- Chất đạm 6,6 g
Khía cạnh không lành mạnh khác của móng giò heo
Nói chung, móng giò ăn vừa đủ là một lựa chọn lành mạnh với lượng protein dồi dào. Tuy nhiên, có một số nghiên cứu đã chỉ ra những nguy cơ tiềm ẩn có trong móng giò.
Một nghiên cứu đã điều tra nước hầm xương lợn để hiểu rõ hơn về kim loại nặng chứa trong đó. Một số kim loại, chẳng hạn như sắt và kẽm, có lợi cho sức khỏe khi sử dụng với lượng nhỏ nhưng trở nên độc hại ở lượng cao hơn. Ngoài ra, có những người khác dù ở bất kỳ liều lượng nào cũng không tốt cho sức khỏe.
Nghiên cứu đã chứng minh rằng hàm lượng các kim loại như crom và chì sau khi ninh chân lợn. Tuy nhiên, điều này không gây nguy hiểm nếu món ăn được tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Bạn nên ghi nhớ sự hiện diện của những kim loại này và nguy cơ tiềm ẩn mà chúng có thể gây ra đồng thời xem xét các lợi ích sức khỏe khác nhau để ăn uống điều độ dù ngon miệng.
Thành phần dinh dưỡng của măng khô
Măng là một nguyên liệu đa năng được sử dụng trong nhiều món ăn châu Á trong nhiều thế kỷ. Chúng là nguồn chất xơ và chất chống oxy hóa, ít chất béo, măng hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón.
Măng là một nguồn cung cấp protein, carbohydrate, chất xơ và khoáng chất. Măng rất ít chất béo và đường nên nó trở thành món ăn nhẹ lý tưởng cho người bệnh đái tháo đường. Sự dồi dào của lượng chất xơ có trong măng giúp giải quyết các vấn đề đường ruột.
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, trong 100g măng khô chứa 23g nước, 13g protid, 2,1g lipid, 21,5g glucid, 36g chất xơ… Hàm lượng chất xơ cao tốt cho tiêu hóa, giảm cân giúp phòng chống một số bệnh khác nhưng chỉ nên ăn măng khô ở mức độ vừa phải.
Ngoài ra, cần chú ý mua măng ở những cơ sở uy tín và sơ chế, ngâm măng kỹ, thay nước nhiều lần vì một số người thường sử dụng lưu huỳnh để chống nấm mốc, ẩm cho măng. Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo, hàm lượng lưu huỳnh không được vượt quá 20mg/kg sản phẩm. Nếu người tiêu dùng sử dụng sản phẩm có chứa lưu huỳnh nồng độ cao lâu dài sẽ tổn thương về thần kinh, hành vi, hệ tuần hoàn, chức năng tim mạch, tổn thương mắt, giảm thị lực, chức năng sinh sản, nhiễm độc máu, suy thận…
Ai không nên ăn nhiều móng giò và măng khô?
Mặc dù canh măng khô với móng giò được ninh nấu kỹ càng, thậm chí nhiều gia đình còn ninh nhừ để phù hợp với khả năng nhai kém của người cao tuổi trong nhà nhưng thực tế, theo các chuyên gia dinh dưỡng, món ăn từ thịt chân giò và móng giò lợn có hàm lượng chất béo và cholesterol cao, chức năng tiêu hóa đường tiêu hóa của người già suy yếu, không nên ăn.
Thực tế, đã có nhiều trường hợp bị tắc ruột do u bã thức ăn mà nguyên nhân chính là ăn quá nhiều măng khô. BSCKI Vũ Huy Hiền – nguyên Trưởng khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết với trường hợp u bã thức ăn nếu không gắp kịp thời sẽ gây viêm loét dạ dày hoặc trôi xuống ruột gây tắc ruột.
BS. Hiền khuyến cáo, trẻ em và người cao tuổi chức năng nhai không tốt do đó không nên ăn các loại thức ăn nhiều chất xơ như măng khô, quả hồng vì dễ tạo thành u bã trong hệ tiêu hoá. Những thực phẩm giàu chất tanin như hồng ngâm, ổi, hồng xiêm và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng…là một trong những thủ phạm dễ gây tắc nên những người già và trẻ nhỏ hạn chế ăn và không ăn khi đói.
Ngoài ra, những người sau nên tránh ăn canh măng khô nấu móng giò:
- Phụ nữ có thai.
- Những người mắc bệnh gan, viêm túi mật và sỏi mật mạn tính không nên ăn.
- Người bị xơ vữa động mạch, tăng huyết áp nên ăn rất ít hoặc tốt nhất là không nên ăn chân giò lợn.
- Người thừa cân, béo phì không nên ăn nhiều món canh măng khô ninh với móng giò.
Xem thêm video đang được quan tâm:
5 cách kết hợp thực phẩm có thể giúp giảm mức cholesterol.