Vón cục có phải kem dưỡng da ‘dỏm’?
Theo bà Trần Thị Luyến (Trưởng Khoa Tạo mẫu và Chăm sóc sắc đẹp, Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Công Thương), khi thoa kem dưỡng da thấy hiện tượng như có ghét vón lại, khiến da mặt nhìn lem nhem, mất thẩm mỹ… không hẳn là do chất lượng của mỹ phẩm.
Bởi dù mỹ phẩm xịn và đắt tiền đến đâu nhưng nếu không biết cách sử dụng, sử dụng không đúng sản phẩm đều sẽ không phát huy được tác dụng mà còn khiến bạn nản chí với quyết định chăm sóc da. Vậy hiện tượng vón cục khi sử dụng mỹ phẩm là do đâu?
Bà Trần Thị Luyến cho biết, có rất nhiều lý do dẫn đến hiện tượng này và mỗi lý do sẽ có cách khắc phục khá dễ dàng:
– Làn da không được làm sạch sâu: Khi dùng sản phẩm chăm sóc da hoặc khi trang điểm, làn da không được làm sạch sâu, đều khiến mỹ phẩm khó có thể tiệp vào da. Các bụi bẩn, mỹ phẩm bám sâu vào lỗ chân lông cùng với tế bào chết là yếu tố khiến làn da khó có thể hấp thụ các sản phẩm chăm sóc da mỗi ngày. Như vậy, càng thoa kem dưỡng thì càng dễ xuất hiện “ghét” và hiệu quả chăm sóc da cũng không hiệu quả.
Cách khắc phục: Dù hằng ngày chúng ta có sử dụng sữa rửa mặt nhưng cũng chỉ làm sạch được bụi bẩn bám trên bề mặt da, nếu muốn làm sạch sâu, cần sử dụng nước tẩy trang vào mỗi buổi tối trước khi rửa mặt.
Ngoài ra, mỗi tuần cần tẩy da chết 2 lần. Khi tẩy da chết, cần thăm dò khả năng đáp ứng của da, tình trạng da để điều chỉnh. Có thể chỉ cần tẩy 1 lần mỗi tuần, nhưng không nên lạm dụng quá 3 lần mỗi tuần. Việc tẩy da chết đều đặn giúp thúc đẩy các tế bào da thay mới, hấp thụ dưỡng chất từ sản phẩm dưỡng da tốt hơn.
Lưu ý, không nên sử dụng sản phẩm tẩy da chết mạnh. Sau khi tẩy tế bào chết, không được dùng sản phẩm có acid vì da sẽ bị bào mòn hoặc gây cảm giác xót, không tẩy da chết trong giai đoạn peel da để tránh da bị tổn thương, nhạy cảm hơn.
– Sử dụng quá nhiều lượng kem dưỡng da: Dù muốn mau chóng thấy kết quả chăm sóc da, nhưng không nên sử dụng lượng kem quá nhiều.
Bôi quá nhiều kem dưỡng không giúp tăng hiệu quả chăm sóc, bảo vệ da mà sẽ khiến lỗ chân lông bị bít tắc, bóng da, gây nặng mặt và khó chịu.
Hơn nữa, lượng mỹ phẩm dư thừa này sẽ đọng trên bề mặt da, bị oxy hóa và vón cục lại, tạo thành ghét, các hạt li ti trên da.
Cách khắc phục: Kem dưỡng cần phải sử dụng ở một liều lượng hợp lý, vừa đủ. Ngoài ra, nên chọn loại kem dưỡng ẩm có kết cấu mỏng nhẹ, phù hợp với da để chúng dễ dàng thẩm thấu.
Sau khi thoa kem dưỡng trên da, dùng ngón tay vỗ nhẹ, đều khắp để giúp mỹ phẩm thẩm thấu tốt hơn. Sau đó thoa nóng 2 bàn tay, dùng lòng bàn tay ấm nóng áp lên 2 mắt, lên da mặt giúp tuần hoàn da tốt hơn và dễ dàng hấp thụ dưỡng chất.
Ngoài ra, không nên thoa chồng nhiều lớp, nhiều loại dưỡng da cùng lúc. Nên tối giản bước chăm sóc da bằng cách giảm bớt sản phẩm dưỡng da nếu nó không cần thiết. Hãy dùng dưỡng da với một lượng vừa đủ thay vì dùng quá nhiều để tránh bị vón cục trên da sau đó.
Bạn hãy chỉ dùng một lượng kem dưỡng ẩm vừa phải, tránh lạm dụng để không xảy ra việc vón cục trên da. Bên cạnh đó, chị em cũng nên tối giản hóa các bước chăm sóc da để hạn chế tình trạng nặng mặt, dư đọng kem do da không hấp thụ hết.
– Thoa kem dưỡng da không đúng thứ tự: Quy trình dưỡng da thường qua nhiều bước, trong đó tối thiểu trải qua các bước cơ bản: Làm sạch da – dưỡng ẩm – điều trị chuyên sâu – chống nắng (ban ngày). Theo đó, các bước làm sạch bao gồm:
+ Tẩy trang – sữa rửa mặt – tẩy da chết mỗi tuần 2 lần.
+ Bước dưỡng ẩm tùy theo tình dạng da sẽ cần các bước: Toner – serum – cấp ẩm – khóa ẩm.
+ Bước điều trị chuyên sâu chỉ dùng cho các trường hợp cần điều trị nám da, tàn nhang, làm trắng da, trứng cá…
+ Bước sử dụng kem chống nắng là không thể thiếu vào mỗi buổi sáng trước khi ra ngoài trời. Tuy nhiên, trước khi dùng kem chống nắng cần rửa mặt bằng sữa rửa mặt – toner – serum – kem dưỡng ẩm.
Nếu sai thứ tự như trên thì việc chăm sóc da sẽ không hiệu quả còn khiến các sản phẩm dưỡng da vón cục, tạo ghét trên da.
Cách khắc phục: Để ghi nhớ các bước sử dụng cũng khá đơn giản. Sử dụng sản phẩm có kết cấu lỏng trước, đặc sau. Sản phẩm gốc nước nên được thoa trước để giúp da thẩm thấu tốt hơn. Những sản phẩm gốc dầu, có khả năng khóa ẩm thì nên được thoa sau cùng để tránh da bị vón cục. Ví dụ serum luôn dùng trước kem dưỡng ẩm. Kem dưỡng ẩm luôn dùng trước kem khóa ẩm.
– Dưỡng da một cách vội vàng: Sự nóng vội trong các bước dưỡng da là một trong những nguyên dẫn đến tình trạng thoa kem dưỡng da bị vón cục. Khi bạn dùng nhiều lớp chăm sóc da nhưng không cho da có thời gian nghỉ ngơi để thẩm thấu hết kem dưỡng giữa các lần thoa kem thì mỹ phẩm còn dư trên bề mặt da sẽ dễ bị tồn đọng và vón cục.
Cách khắc phục: Quy trình dưỡng da hàng ngày cần có thời gian. Giữa các bước chăm sóc da nên có thời gian nghỉ phù hợp từ 2-3 phút. Nếu không nhìn đồng hồ, có thể cảm nhận khi lớp kem dưỡng trước đã tiệp hết vào da, da bắt đầu khô lại thì thoa tiếp loại kem dưỡng sau. Giữa mỗi lần thoa kem, có thể xịt khoáng để giúp cân bằng ẩm tức thì cho làn da cũng sẽ giảm tình trạng da vón cục.
Lựa chọn kem dưỡng da
Không dùng thành phần mỹ phẩm chứa chất tạo độ đậm đặc như silicone, bởi các thành phần tạo độ đậm đặc cho sản phẩm như silicone sẽ không thẩm thấu sâu được vào làn da mà sẽ nằm trên bề mặt da và tạo nên những hạt ghét li ti, vón cục. Nên chọn kem kết cấu mỏng nhẹ sẽ dễ cho da hấp thụ hơn.
Không nên dùng sản phẩm có gốc nước cùng với sản phẩm gốc dầu nếu thiếu chất nhũ hóa chuyên dụng.
Sử dụng kem dưỡng có thành phần phù hợp với da. Trước khi mua sản phẩm dưỡng da, cần hỏi ý kiến của bác sĩ da liễu hoặc chuyên da chăm sóc da về type da cũng như tình trạng da để được tư vấn lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Cách chăm sóc da khi thời tiết hanh khô