Chế độ ăn cho bệnh nhân giãn tĩnh mạch thực quản

Giãn tĩnh mạch thực quản là một trong những biến chứng nặng hay gặp và gây tử vong cao. Giãn tĩnh mạch thực quản là tình trạng các tĩnh mạch bị sưng ở phần dưới của thực quản. Chúng được gây ra bởi sự gia tăng áp lực trong các mạch máu của gan. Khi áp lực tích tụ trong gan, áp lực cũng tích tụ trong các tĩnh mạch ở thực quản.

Theo BSCKII. Đào Bách Khoa, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh giãn tĩnh mạch thực quản. Bằng việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và hạn chế các thực phẩm có hại, người bệnh có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ biến chứng.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh giãn tĩnh mạch thực quản

Chế độ ăn cho bệnh nhân giãn tĩnh mạch thực quản- Ảnh 1.

Thực phẩm phù hợp giúp người bệnh giãn tĩnh mạch thực quản cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ biến chứng.

Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và điều trị bệnh giãn tĩnh mạch thực quản. Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp và tránh một số loại thực phẩm khác có thể giúp giảm áp lực lên tĩnh mạch thực quản, bệnh gan, ngăn ngừa chảy máu và các biến chứng nguy hiểm.

Giảm áp lực lên tĩnh mạch: Các loại thực phẩm quá cứng, dai hoặc có tính kích ứng có thể làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch bị giãn, gây chảy máu.

Ngăn ngừa táo bón: Táo bón làm tăng áp lực trong ổ bụng, gây khó khăn cho việc đi tiêu và làm tăng nguy cơ vỡ tĩnh mạch.

Hỗ trợ quá trình tiêu hóa: Một chế độ ăn lành mạnh giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, giảm gánh nặng cho gan và lá lách.

Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng: Đảm bảo cơ thể có đủ năng lượng để phục hồi và chống lại bệnh tật.

BSCKII Đào Bách Khoa cho biết thêm, người bệnh giãn tĩnh mạch thực quản nên chia ăn thành nhiều bữa nhỏ mỗi ngày và có chế độ ăn mềm, thực phẩm mềm tự nhiên bao gồm chuối chín, trứng và thực phẩm nấu chín để ngăn ngừa tĩnh mạch bị vỡ. Thức ăn mềm dễ nuốt hoặc dễ nhai cũng giúp quá trình tiêu hóa nhanh chóng.

2. Các chất dinh dưỡng cần thiết cho người bệnh giãn tĩnh mạch thực quản

Chất xơ: Giúp ngăn ngừa táo bón, giảm áp lực lên tĩnh mạch ở vùng bụng, làm giảm nguy cơ vỡ búi giãn.

Protein: Cần thiết cho quá trình phục hồi và tái tạo các mô trong cơ thể, đặc biệt là gan.

Vitamin C: Tăng cường sự đàn hồi và sự bền vững của thành mạch, giúp hỗ trợ sản sinh collagen và elastin.

Vitamin K: Cần thiết cho quá trình đông máu, giúp ngăn ngừa chảy máu.

Chất chống oxy hóa: Bảo vệ tế bào khỏi tổn thương, giảm viêm.

Các khoáng chất: Kali giúp kiểm soát huyết áp, hỗ trợ chức năng tim; Magie giúp thư giãn cơ bắp, giảm căng thẳng cho thành mạch.

3. Thực phẩm người bệnh giãn tĩnh mạch thực quản nên ăn và nên tránh

Thực phẩm nên ăn

Chế độ ăn cho bệnh nhân giãn tĩnh mạch thực quản- Ảnh 3.

Các loại trái cây, rau quả giàu chất chống oxy hóa là những thực phẩm tốt cho gan người bệnh giãn tĩnh mạch thực quản.

Các loại trái cây và rau tươi như việt quất, dâu tây, lựu, nho, táo, cam, bưởi, kiwi, ớt chuông, cà chua, bí đỏ, cải xoăn, rau bina, cải bắp… chứa nhiều polyphenol (một loại chất chống oxy hóa) đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ sức khỏe gan.

Có thể thêm trái cây vào ngũ cốc hoặc yến mạch để có thêm dinh dưỡng, chất xơ và một chút vị ngọt tự nhiên.

Sữa chua Hy Lạp ít béo, một phần nhỏ phô mai cứng có hàm lượng natri thấp và các loại sữa thay thế không chứa sữa như hạnh nhân hoặc đậu nành.

Chọn bánh mì nguyên hạt, mì ống, gạo lứt và ngũ cốc thay vì những loại làm bằng bột mì trắng tinh chế.

Nên ăn thịt gia cầm nạc không có da, cá hồi và trứng hoặc lòng trắng trứng.

Nước là lựa chọn cung cấp nước tốt nhất. Sữa và nước trái cây chỉ nên được tiêu thụ nếu đã được tiệt trùng.

Thực phẩm nên tránh

Chế độ ăn cho bệnh nhân giãn tĩnh mạch thực quản- Ảnh 4.

Thực phẩm nhiều muối gây hại cho gan người bệnh giãn tĩnh mạch thực quản.

Người bị giãn tĩnh mạch thực quản nên giảm lượng natri ăn nếu bị sưng tấy do tích tụ chất lỏng. Sự tích tụ chất lỏng có thể làm tăng áp lực trong tĩnh mạch. Natri được tìm thấy trong muối ăn và thực phẩm mặn như thực phẩm đóng hộp, thực phẩm đông lạnh và khoai tây chiên.

Không nên chọn các loại trái cây và rau quả đóng hộp vì các loại đóng hộp thường có natri và đường không tốt cho sức khỏe của gan.

Các sản phẩm từ sữa đầy đủ chất béo có thể sẽ khiến cơ thể người bệnh khó tiêu hóa. Nên hạn chế các món tráng miệng giàu chất sữa như bánh pudding, sữa trứng và kem. Không ăn các loại thực phẩm có chứa hàm lượng dầu mỡ hay chất béo cao, thực phẩm chứa nhiều carbohydrate. Các món ăn gây khó tiêu có thể khiến gan hoạt động quá mức và làm tổn thương các tế bào gan như thịt đỏ cũng như bất kỳ loại thịt chế biến sẵn hoặc xúc xích, khoai tây chiên, thực phẩm chiên rán…

Không uống rượu và các loại nước đóng chai vì một số nước có chứa natri.

Nên tránh đồ uống có chứa caffein, bao gồm cà phê, trà và nước ngọt.

Xem thêm:

Người bệnh giãn tĩnh mạch thực quản nên tập thể dục thế nào?Người bệnh giãn tĩnh mạch thực quản nên tập thể dục thế nào?

SKĐS – Giãn tĩnh mạch thực quản là khi các tĩnh mạch ở khu vực thực quản bị giãn ra và có thể vỡ gây xuất huyết tiêu hóa. Tình trạng này thường gặp ở người bệnh xơ gan, bệnh gan mạn tính, ung thư gan…

Thuốc và phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch thực quảnThuốc và phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch thực quản

SKĐS – Giãn tĩnh mạch thực quản là tình trạng giãn các tĩnh mạch trong hệ thống cấp máu và xung quanh thực quản. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng trên là tăng huyết áp tĩnh mạch cửa…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *