Vitamin K2 không phải là vitamin K1
Nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa vitamin K1 và K2, nhưng thực tế chúng có chức năng và nguồn gốc hoàn toàn khác nhau:
– Vitamin K1 (phylloquinone) chủ yếu tham gia vào quá trình đông máu, trong khi vitamin K2 lại đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe xương và tim mạch. Vitamin K1 kích hoạt các protein trong gan hỗ trợ đông máu, còn vitamin K2 kích hoạt các protein như osteocalcin và Matrix Gla protein (MGP), liên quan đến việc bảo vệ xương và mạch máu.
– Vitamin K1 chủ yếu có trong các loại rau lá xanh như cải xoăn, rau chân vịt và bông cải xanh. Trong khi đó, vitamin K2 có thể tìm thấy trong các thực phẩm lên men như natto, phô mai và các sản phẩm từ động vật.
– Quá trình hấp thụ cũng diễn ra khác nhau.Vitamin K1 được hấp thụ nhanh chóng nhưng dễ dàng bị đào thải khỏi cơ thể, trong khi vitamin K2, đặc biệt là dạng MK-7, có thời gian tồn tại lâu hơn trong máu và được sử dụng hiệu quả hơn bởi các mô như xương và mạch máu.
Vitamin K2 không chỉ có trong thực phẩm động vật
Nhiều người tin rằng vitamin K2 chỉ xuất hiện trong thực phẩm động vật, tuy nhiên vitamin K2 còn xuất hiện trong các thực phẩm lên men như: Natto, một món ăn truyền thống của Nhật Bản, là nguồn cung cấp vitamin K2 phong phú. Ngoài ra, một số loại phô mai, đặc biệt là phô mai cứng được lên men, cũng chứa một lượng vitamin K2 đáng kể.
Ngoài natto và phô mai, một số loại rau củ lên men như dưa cải bắp, kim chi cũng chứa vitamin K2. Một số loại rau lá xanh như cải xoăn, rau bina, cải bó xôi cũng là nguồn cung cấp vitamin K2. Đặc biệt, gan động vật, lòng đỏ trứng gà cũng là nguồn cung cấp vitamin K2 dồi dào.
Vitamin K2 cũng có thể được tổng hợp bởi vi khuẩn trong đường ruột. Những vi khuẩn này có khả năng sản xuất vitamin K2, tuy nhiên, khả năng hấp thụ từ đường ruột vẫn còn hạn chế.
Lợi ích của Vitamin K2 đối với sức khỏe
Theo Ths. Lê Việt Anh – Viện Y học ứng dụng Việt Nam, vitamin K2 không chỉ hỗ trợ sức khỏe xương mà còn mang lại nhiều lợi ích khác cho cơ thể:
– Sức khỏe tim mạch: Vitamin K2 giúp hỗ trợ phòng ngừa vôi hóa mạch máu bằng cách kích hoạt Matrix Gla protein (MGP) – một loại protein có tác dụng ngăn chặn vôi hóa mạch máu. Từ đó hỗ trợ làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch khác. Việc bổ sung vitamin K2 có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cải thiện độ đàn hồi của mạch máu.
– Hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường: Một số nghiên cứu cho thấy vitamin K2 có thể cải thiện độ nhạy insulin, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
– Bảo vệ thần kinh và hỗ trợ chức năng gan: Vitamin K2 có thể có tác dụng bảo vệ hệ thần kinh, giúp hỗ trợ ngăn ngừa sự suy giảm nhận thức và cải thiện chức năng gan.
Vitamin K2 và Vitamin D – hiệp đồng tăng cường hấp thu canxi
Một hiểu lầm phổ biến về vitamin K2 là không quan trọng bằng vitamin D đối với sức khỏe xương. Thực tế, hai loại vitamin này có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau trong việc duy trì sức khỏe xương:
Vitamin D giúp hấp thụ canxi, trong khi vitamin K2 đảm bảo canxi được đưa đến đúng nơi (xương và răng) và không bị lắng đọng ở các mô mềm như động mạch. Thiếu vitamin K2 có thể dẫn đến tình trạng tích tụ canxi trong động mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Sự kết hợp giữa vitamin D và K2 có thể hiệu quả hơn trong việc cải thiện mật độ xương và hỗ trợ giảm nguy cơ gãy xương so với việc bổ sung từng loại vitamin riêng lẻ.
Vitamin K2 không gây mất ngủ ở trẻ em
Một số phụ huynh lo lắng rằng việc bổ sung quá nhiều vitamin K2 có thể gây ra chứng mất ngủ ở trẻ em. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh mối liên hệ giữa vitamin K2 và chứng mất ngủ ở trẻ.
Mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy vitamin D có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều chỉnh giấc ngủ, nhưng vai trò của vitamin K2 trong việc này vẫn cần nhiều nghiên cứu thêm để xác định.
Vitamin K2 là một dưỡng chất thiết yếu với nhiều lợi ích quan trọng cho sức khỏe. Việc hiểu rõ về vitamin K2 sẽ giúp bạn có cái nhìn chính xác hơn về tầm quan trọng của nó và cách sử dụng hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Đừng quên bổ sung vitamin K2 thông qua chế độ ăn uống đa dạng và lành mạnh để tận dụng tối đa những lợi ích mà nó mang lại nhé.
*Bài viết có sự tham vấn ý kiến từ: Ths. Lê Việt Anh – Viện Y học ứng dụng Việt Nam