Tác dụng của ngọc trúc
Ngọc trúc là thân rễ phơi hay sấy khô của cây ngọc trúc. Vì lá giống lá trúc, thân rễ bóng nhẵn trong như ngọc nên có tên là ngọc trúc. Theo các tài liệu Đông y cổ, ngọc trúc có vị ngọt, tính hơi lạnh, quy các kinh phế và vị.
Vị thuốc này có tác dụng dưỡng âm nhuận táo, sinh tân chỉ khát, tư dưỡng cường tráng, bổ trung ích khí, thích hợp dùng cho các trường hợp hư lao phát nhiệt, phiền khát do tâm hỏa, phế táo gây ho khan, khô miệng, viêm họng, đái tháo đường, tiểu nhiều, di tinh, tự hãn, cơ thể suy nhược, cơ thể yếu sau bệnh.
Cây và vị thuốc ngọc trúc.
Theo các nghiên cứu y học hiện đại, thân rễ của ngọc trúc chứa chất nhầy polysaccharide (odoratan), gồm D-fructose, D-mannose, D-glucose và axit galacturonic, azetidine-2-carboxylic acid, cùng với các hợp chất steroid như polyspirostanol Poa, polysapogenin Pob, Poc, PO1-PO9 và polyfuroside. Các thành phần này sẽ tạo nên các tác dụng điều trị cho ngọc trúc.
Ngọc trúc còn chứa convallarin và convallamarin, có công dụng cường tim, ngoài ra ngọc trúc còn có tác dụng tăng lưu lượng máu qua động mạch vành, hạ lipid máu, chống xơ vữa động mạch, tăng cường khả năng chống bệnh của cơ thể. Đặc biệt các thử nghiệm trên động vật cho thấy tác dụng ức chế đường huyết cao rõ rệt của ngọc trúc.
Chính vì những tác dụng trên, ngọc trúc thường được ứng dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, điều trị các trường hợp người có thể chất âm hư, phế vị táo nhiệt, theo Đông y.
Ngoài ra, do chứa vitamin A và chất nhầy nên ngọc trúc còn được ứng dụng làm mềm mịn da.
Một số món ăn – bài thuốc từ ngọc trúc có lợi cho sức khỏe
Canh ngọc trúc mộc nhĩ trắng
Nguyên liệu: Mộc nhĩ trắng 15g, ngọc trúc 25g, đường phèn 25g.
Cách làm: Mộc nhĩ trắng ngâm nước đến khi mềm, rửa sạch. Cho mộc nhĩ trắng, ngọc trúc và đường phèn vào nồi đất, thêm nước vừa đủ, đun làm canh.
Công dụng: Dưỡng âm, tiêu nhiệt, thích hợp cho người bị thiếu âm vị, khô miệng khát nước.
Vị thuốc ngọc trúc.
Canh ngọc trúc hầm tim lợn
Nguyên liệu: Ngọc trúc 50g, tim lợn 500g, nước dùng vừa đủ.
Cách làm:
- Rửa sạch ngọc trúc, cắt khúc, ngâm nước rồi đun 3 lần, lấy 1500ml nước sắc.
- Tim lợn rửa sạch, cắt đôi, cho vào nồi cùng nước ngọc trúc đun đến khi tim chín 60%.
- Chuẩn bị nước muối, đun sôi rồi cho tim lợn vào đun nhỏ lửa cho đến khi chín mềm.
- Vớt tim lợn ra, để nguội, cắt lát.
Công dụng: Dưỡng âm sinh tân, an thần. Còn có tác dụng trị các bệnh như cường giáp, suy nhược thần kinh, mất ngủ do thần kinh chức năng, và hỗ trợ điều trị suy tim do bệnh mạch vành, bệnh tim phổi.
Canh sa sâm ngọc trúc bách hợp mộc nhĩ trắng
Nguyên liệu: Bách hợp, mộc nhĩ trắng, sa sâm, ngọc trúc và thịt nạc.
Cách làm: Các nguyên liệu rửa sạch, cho vào nồi đun nhỏ lửa làm canh.
Công dụng: Thanh tâm an thần, dưỡng âm nhuận táo. Món canh này thích hợp với người âm hư hỏa vượng, phế nhiệt gây ho.
Canh sa sâm ngọc trúc
Nguyên liệu: Bắc sa sâm 10g, ngọc trúc 10g, một quả táo mật, trần bì 2g, thịt nạc 150g, muối vừa đủ.
Cách làm: Các nguyên liệu rửa sạch, cho vào nồi đun nhỏ lửa làm canh.
Công dụng: Thanh tâm an thần, dưỡng âm nhuận táo. Món canh này thích hợp với những người âm hư táo nhiệt gây ho khan, khát nước nhiều, khô miệng lưỡi, đại tiện táo bón.
Một số lưu ý khi sử dụng ngọc trúc
Bất kỳ sự vật nào cũng có hai mặt, thực phẩm cũng vậy, có lợi thì cũng có hại, có người thích hợp ăn thì cũng có người không thích hợp. Hiểu được tác dụng cũng như các tác dụng không mong muốn của một loại thuốc chúng ta mới có thể sử dụng hiệu quả loại thuốc đó.
Ngọc trúc là vị thuốc có tính hơi lạnh nên không thích hợp với những người vốn có âm hàn, thể trạng hàn, người có hàn thấp, người hay đầy bụng, không thích uống nước.
Người tỳ hư, đàm ẩm tích tụ, ăn uống kém, hay đầy bụng, chán ăn, đi ngoài phân thường xuyên lỏng nát cũng không nên sử dụng ngọc trúc.
Không dùng đồ bằng sắt như dao sắt, nồi sắt trong quá trình chế biến ngọc trúc.
Mời bạn xem tiếp video:
Tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ nhờ các loại thực phẩm | SKĐS