1. Tác dụng của các bài tập vận động với người mắc hội chứng Marfan
Hội chứng Marfan là một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến mô liên kết. Mô liên kết có mặt ở khắp cơ thể nên hội chứng này ảnh hưởng đến chức năng của rất nhiều cơ quan, đặc biệt là tim, mạch máu, mắt, xương.
Các bài tập vận động có thể tăng cường sức khỏe hệ tim mạch, từ đó giúp giảm các tác động xấu của hội chứng Marfan lên tim và mạch máu. Đây là hai cơ quan thường bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ hội chứng Marfan.
Một số bài tập vận động nhẹ nhàng giúp duy trì sự linh hoạt, khả năng hoạt động, vận động của người bệnh.
Phổi cũng là một cơ quan thường bị ảnh hưởng bởi hội chứng Marfan. Các bài tập cho hệ hô hấp cũng góp phần giảm các biến chứng ở phổi và hệ hô hấp.
Các bài tập còn góp phần cải thiện tâm trạng của người bệnh, giúp người bệnh thư giãn, lạc quan hơn, từ đó có một sức khỏe tinh thần tốt hơn.
Việc xoa bóp bấm huyệt cũng là cách giúp tăng cường khả năng vận động, lưu thông khí huyết, hỗ trợ cho hệ tim mạch, hệ hô hấp, giảm đau cho người có hội chứng Marfan.
2. Một số bài tập cho người mắc hội chứng Marfan
2.1. Đi bộ nhẹ nhàng
Đi bộ nhẹ nhàng là bài tập đơn giản và tương đối an toàn với người mắc hội chứng Marfan. Đi bộ nhẹ nhàng giúp người bệnh cải thiện hệ tim mạch, duy trì khả năng sinh hoạt mà không gây căng thẳng quá mức cho hệ xương khớp.
Mỗi ngày, tùy thuộc vào tình hình sức khỏe người bệnh có thể đi bộ nhẹ nhàng trong 30 phút đến 1 giờ, không nên đi quá nhanh và nên giữ tốc độ ổn định.
2.2. Bơi lội
Bơi lội là môn giúp người có hội chứng Marfan tăng cường sức khỏe tim mạch, cơ bắp và sự linh hoạt của khớp mà không tạo áp lực lớn lên cơ thể.
Người có hội chứng Marfan có thể bơi lội nhẹ nhàng, theo khả năng của bản thân và không nên bơi quá nhanh, thời gian quá lâu hay tham gia các cuộc thi có áp lực cao.
Bơi lội tốt cho người mắc hội chứng Marfan.
2.3. Một số bài tập yoga nhẹ nhàng tốt cho người mắc hội chứng Marfan
Yoga là một phương pháp nhẹ nhàng mà hiệu quả để cải thiện sự linh hoạt, giảm căng thẳng và tăng cường sức khỏe với người có hội chứng Marfan.
Người có hội chứng Marfan có thể lựa chọn một số tư thế tập luyện nhẹ nhàng phù hợp với khả năng của mình như tư thế trái núi, tư thế cái cây, tư thế con mèo – con bò, tư thế em bé…
Cách thực hiện tư thế trái núi:
- Đứng với ngón chân cái chạm vào nhau và gót chân hơi tách ra.
- Nâng và dang rộng các ngón chân rồi hạ chúng xuống thảm, đảm bảo các ngón chân bám chắc thảm.
- Căn chỉnh đầu, vai, hông và mắt cá chân thành một đường thẳng.
- Thả lỏng cánh tay ở hai bên, lòng bàn tay hướng về phía trước.
- Nhìn thẳng về phía trước. Hít thở đều.
Cách thực hiện tư thế cái cây:
- Bắt đầu với tư thế đứng thẳng trên sàn.
- Dồn trọng lượng vào chân phải và nhấc chân trái lên khỏi mặt đất. Cong đầu gối trái và mở sang bên trái.
- Đặt lòng bàn chân trái vào đùi trên chân phải, tránh đặt chân vào đầu gối.
- Tập trung vào một điểm cố định trước mặt để giữ thăng bằng trong thời gian dài hơn.
- Để tăng thử thách giữ thăng bằng, hãy chắp tay và giơ lên qua đầu.
- Giữ tư thế trong năm nhịp thở trước khi đổi bên.
- Cách thực hiện tư thế cái cây, tốt cho người mắc hội chứng Marfan.
Cách thực hiện tư thế con mèo – con bò:
- Bắt đầu bằng tư thế chống tay và đầu gối với cổ tay ngay dưới vai và đầu gối ngay dưới hông.
- Đặt cẳng chân và đầu gối rộng bằng hông. Giữ đầu ở vị trí trung lập và mắt nhìn xuống dưới.
- Bắt đầu bằng cách chuyển sang tư thế con bò: Hít vào và hạ bụng hướng xuống phía dưới đồng thời nâng cằm và ngực lên, mắt nhìn hướng lên.
- Tiếp theo, chuyển sang tư thế con mèo: Khi thở ra, kéo rốn về phía cột sống và cong lưng lên phía trần nhà. Tư thế này trông giống như một con mèo duỗi lưng.
- Thả đỉnh đầu về phía sàn, nhưng không ép cằm vào ngực.
- Hít vào, trở lại tư thế con bò, sau đó thở ra khi bạn trở lại tư thế con mèo.
- Lặp lại 5-20 lần, sau đó nghỉ ngơi bằng cách ngồi trên gót chân với thân mình thẳng đứng.
Cách thực hiện tư thế em bé:
- Bắt đầu bằng tư thế ngồi quỳ gối xuống thảm tập. Mông đặt lên phần gót chân.
- Mở rộng hông và đầu gối, gập người về phía trước giữa hai đùi, hai tay duỗi thẳng trước mặt và lòng bàn tay úp xuống thảm hoặc đặt hai tay xuôi theo thân. Chú ý đầu và ngón chân phải chạm sàn, thả lỏng vai và gáy.
- Giữ tư thế trong 30 giây đến 1 phút hoặc hơn tùy theo khả năng.
Cách thực hiện tư thế em bé.
Nên tránh các tư thế có cường độ cao như tư thế chiến binh 3, tư thế con quạ, tư thế trồng chuối, tư thế bồ câu bay…
2.4. Bài tập thở sâu
Bài tập này được thực hiện bằng cách người bệnh hít vào chậm, sâu, tập trung tâm trí vào việc hít vào rồi thở ra từ từ. Đây là bài tập giúp cải thiện khả năng thở, giảm căng thẳng và tăng cường chức năng phổi, hệ hô hấp cho người có hội chứng Marfan.
2.5. Bài tập thiền định
Thiền định được chứng minh là một phương pháp có nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Người có hội chứng Marfan có thể duy trì việc thiền định hằng ngày. Không chỉ giúp cải thiện tinh thần, đây còn là phương pháp hỗ trợ cả về mặt thể chất đối với người bệnh.
Thiền định giúp người có hội chứng Marfan giảm căng thẳng, lo âu, cải thiện khả năng tập trung, hỗ trợ giảm đau, hỗ trợ điều hòa huyết áp và chức năng tim mạch, cải thiện chất lượng giấc ngủ… Người có hội chứng Marfan có thể kết hợp thiền định với bài tập thở sâu, và thư giãn cơ bắp.
2.4. Xoa bóp bấm huyệt
Xoa bóp bấm huyệt có tác dụng rất lớn đối với người có hội chứng Marfan. Người bệnh có thể tự xoa bóp thư giãn hoặc nhờ sự giúp đỡ của người xung quanh.
Có thể xoa bóp toàn thân cho người bệnh, tập trung vào các vùng như tay chân và đặc biệt là vùng lưng, ngực. Việc xoa bóp vào các vùng này sẽ giúp giảm đau, tăng khả năng vận động, duy trì sự linh hoạt, hỗ trợ quá trình thở, cải thiện chức năng hô hấp, cải thiện tuần hoàn máu cho người bệnh.
3. Lưu ý khi vận động với người có hội chứng Marfan
Người mắc hội chứng Marfan cần lựa chọn các môn tập và bài tập phù hợp với trạng thái sức khỏe và tình trạng bệnh của mình, chỉ nên tập các bài tập an toàn và có lợi cho bản thân.
Người có hội chứng Marfan có thể chơi một số môn thể thao như đi bộ, chạy bộ nhẹ nhàng, đi xe đạp, chơi bowling… không nên tập các bài tập quá gắng sức và nên tránh các môn hoạt động thể lực mạnh như cử tạ, leo núi, các môn đối kháng…, các môn này có thể gây thêm tổn thương cho các cơ quan trong cơ thể.
Các bài tập nên được thông qua bởi bác sĩ hoặc chuyên gia y tế, và được thực hiện dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên có chuyên môn.
Người bệnh cần tự theo dõi cơ thể mình, dừng ngay các bài tập nếu cảm thấy mệt mỏi, đau hoặc khó thở.
Mời bạn xem tiếp video:
Tập thể dục buổi chiều có thể giảm nguy cơ bệnh tTập thể dục buổi chiều có thể giảm nguy cơ bệnh tim | SKDS