Bài tập cải thiện thị lực cho người bệnh lác mắt

1. Vai trò của các bài tập vận động đối với người mắc bệnh lác mắt

Lác mắt thường do mất cân bằng giữa các cơ vận nhãn, dẫn đến mắt không phối hợp nhịp nhàng. Tập luyện giúp tăng cường và điều hòa hoạt động của các cơ, giúp mắt dần trở về trạng thái cân bằng.

Đối với các trường hợp lác nhẹ hoặc lác chức năng, trẻ nhỏ hoặc ở những người không muốn phẫu thuật sớm, tập luyện mắt có thể giúp cải thiện tình trạng mà không cần can thiệp phẫu thuật.

Khi tình trạng lác mắt được cải thiện, sự hài hòa về thị giác và vẻ bề ngoài cũng được nâng cao, điều này sẽ giúp người bệnh cảm thấy tự tin hơn trong giao tiếp hàng ngày.

– Các bài tập hỗ trợ cải thiện chức năng phối hợp giữa mắt yếu và mắt lành, giúp tăng khả năng đồng bộ khi nhìn, qua đó giúp khắc phục hiện tượng song thị (nhìn đôi) và tăng khả năng tập trung thị giác.

– Các bài tập dành riêng cho mắt yếu sẽ giúp kích thích hoạt động của mắt này, ngăn ngừa tình trạng thị lực kém hơn do không sử dụng thường xuyên.

– Các bài tập cũng giúp tăng cường khả năng điều tiết và linh hoạt của mắt, qua đó làm giảm tình trạng mỏi mắt và hỗ trợ cải thiện thị lực.

– Các bài tập cũng giúp giúp duy trì và bảo vệ chức năng thị giác, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như nhược thị, mất thị giác lập thể.

2. Một số bài tập cho người bệnh lác mắt

2.1 Bài tập nhìn gần và nhìn xa

Đây là bài tập giúp tăng khả năng phối hợp giữa hai mắt và cải thiện khả năng tập trung của hai mắt.

Người bệnh ngồi thẳng, chọn hai điểm, một điểm cách khoảng 20-30 cm trước mắt, một điểm xa khoảng 3-5m, sau đó tiến hành chuyển ánh nhìn giữa hai điểm gần và xa. Thực hiện bài tập trong khoảng 10-15 phút.

nhìn gần xa

Bài tập nhìn gần và nhìn xa cải thiện khả năng tập trung cho người bị lác mắt (10-20 in tương đương 25-50cm; 10-20 feet tương đương 3-6m)

2.2 Bài tập nhìn theo hình xoắn ốc cho người bị lác mắt

Đây cũng là bài tập giúp tăng khả năng phối hợp giữa hai mắt, đồng thời kích thích hoạt động đồng đều của các cơ vận nhãn.

Người bệnh thực hiện đảo mắt nhìn theo một hình xoắn ốc tưởng tượng từ trong ra ngoài và ngược lại. Nếu khó tưởng tượng có thể sử dụng một hình xoắn ốc để trước mặt người bệnh, thực hiện bài tập trong 5-10 phút.

hình xoắn ốc

Người bệnh lác mắt có thể nhìn theo hình xoắn ốc trong tưởng tượng hoặc hình vẽ thực tế để tăng khả năng phối hợp giữa hai mắt.

2.3 Bài tập nhìn bút chì

Sử dụng một cây bút chì hoặc một vật tương tự, giữ ở cách mắt khoảng 30cm sau đó từ từ di chuyển cây bút chì lại gần mặt, tập trung nhìn rõ đầu bút mà không để bị nhòe, đến khi cảm thấy nhìn không rõ thì đưa cây bút ra xa và lặp lại bài tập.

Cùng với bài tập nhìn gần và xa, bài tập nhìn theo hình xoắn ốc, bài tập nhìn cây bút chì này sẽ giúp người bệnh tăng cường cơ mắt, cải thiện khả năng điều chỉnh của cơ mắt.

nhìn bút chì

Nhìn bút chì giúp tăng cường cơ mắt.

2.4 Bài tập theo dõi trái bóng

Bài tập này giúp người bệnh nâng cao khả năng định hướng và phối hợp của mắt.

Treo một quả bóng nhỏ hoặc một vật có khối lượng trên dây, đẩy để quả bóng đung đưa qua lại. Người bệnh tập trung theo dõi chuyển động của quả bóng, thực hiện bài tập trong 10-15 phút.

tập mắt với bóng

Bài tập dõi theo trái bóng cho người bệnh lác mắt.

2.5 Bài tập cho mắt yếu

Trong nhiều trường hợp người bệnh lác mắt sẽ có xu hướng ít sử dụng bên mắt bệnh của mình, bài tập này sẽ giúp kích thích hoạt động của mắt yếu, tránh một số biến chứng cho mắt này.

Dùng tay hoặc miếng bìa che một mắt lành, dùng mắt yếu thực hiện các bài tập như đọc chữ, nhìn tranh hoặc tập trung vào vật cố định, thực hiện khoảng 15-30 phút mỗi ngày.

mắt yếu

Cách thực hiện bài tập cho mắt yếu.

3. Một số lưu ý khi tập vận động đối với người bệnh lác mắt

– Không tự ý thực hiện bài tập nếu chưa có chỉ định từ bác sĩ, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đánh giá mức độ lác mắt và lựa chọn bài tập phù hợp.

– Nên tập luyện đều đặn hàng ngày để đạt được hiệu quả cao nhất.

– Tập ở nơi có ánh sáng tốt, tránh ánh sáng quá mạnh hoặc quá yếu để không làm căng thẳng mắt.

– Không tập khi mệt mỏi, căng thẳng hoặc buồn ngủ.

– Sau mỗi bài tập, nên nhắm mắt thư giãn vài phút để cơ mắt được nghỉ ngơi. Có thể thực hiện một số động tác massage, ấn huyệt xung quanh vùng mắt giúp mắt nghỉ ngơi, thư giãn hiệu quả hơn.

– Kết hợp hỗ trợ mắt bằng chế độ dinh dưỡng giàu vitamin A, C, E (như cà rốt, rau xanh, trái cây), giúp tăng cường sức khỏe mắt, và đặc biệt cần đảm bảo mắt được nghỉ ngơi đầy đủ, tránh làm việc với thiết bị điện tử quá lâu.

– Nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào như nhức mỏi mắt nhiều, đau đầu, chóng mặt, cần dừng bài tập lại ngay và tham khảo ý kiến bác sĩ. Không nên cố gắng nếu mắt quá nhức mỏi hoặc không thoải mái.

Mời bạn xem tiếp video:

TOP thực phẩm tốt cho đôi mắt sáng, khỏe – Phần 1 | SKĐS #shorts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *