- 1. Chán ăn tâm thần có nguy hiểm không?
- 2. Ai dễ mắc chứng bệnh này?
- 3. Người bệnh dễ bị ám ảnh bởi điều gì khi ăn uống?
- 4. Chán ăn tâm thần có điều trị được không?
- 5. Người bệnh chán ăn tâm thần có cần điều chỉnh chế độ ăn uống không?
- 6. Đông y có chữa được chán ăn tâm thần không?
- 7. Bệnh chán ăn tâm thần khám ở đâu?
- 8. Lưu ý về chi phí điều trị chán ăn tâm thần
Nguyên nhân của chứng bệnh chán ăn tâm thần không chỉ đơn thuần là do thể chất mà còn liên quan sâu sắc đến các yếu tố tâm lý. Chán ăn là triệu chứng rõ ràng nhất, người bệnh không muốn ăn đến mức ám ảnh, sợ hãi thức ăn; thường có những suy nghĩ tiêu cực về hình thể, sợ béo phì, có những hành vi kiểm soát ăn uống một cách thái quá.
1. Chán ăn tâm thần có nguy hiểm không?
Một người bị chán ăn tâm thần không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về tâm lý và xã hội, bao gồm:
- Suy dinh dưỡng: Gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, loãng xương, suy thận…
- Rối loạn điện giải: Gây ra các vấn đề về tim mạch, thần kinh.
- Mất kinh ở nữ giới.
- Trầm cảm, lo âu: Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và các mối quan hệ xã hội.
- Tự tử: Trong một số trường hợp nghiêm trọng.
2. Ai dễ mắc chứng bệnh này?
Chán ăn tâm thần là một căn bệnh phức tạp ảnh hưởng đến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ và nguyên nhân chưa hoàn toàn rõ ràng. Tuy nhiên, có một số nhóm người có nguy cơ cao hơn so với những người khác bao gồm:
Thanh thiếu niên, đặc biệt là nữ: Giai đoạn dậy thì là thời kỳ cơ thể thay đổi nhiều, cùng với áp lực học tập, xã hội và hình thể lý tưởng khiến nhiều bạn trẻ dễ bị tổn thương và tìm đến các hành vi tiêu cực như chán ăn để kiểm soát cơ thể.
Người có tiền sử gia đình mắc các rối loạn ăn uống: Gene di truyền có thể đóng một vai trò nhất định trong việc tăng nguy cơ mắc bệnh.
Người có các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác: Trầm cảm, lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế… có thể đồng hành hoặc là nguyên nhân dẫn đến chán ăn.
Chán ăn tâm thần còn có thể gặp ở những trường hợp thường xuyên phải đối mặt với áp lực về tiêu chuẩn ngoại hình, có thể dẫn đến hành vi kiểm soát cân nặng một cách thái quá. Một số ăn kiêng quá mức, không khoa học có thể dẫn đến rối loạn ăn uống…
3. Người bệnh dễ bị ám ảnh bởi điều gì khi ăn uống?
Những người mắc chứng chán ăn tâm thần thường dành quá nhiều thời gian để lên kế hoạch cho bữa ăn, nghiên cứu thực phẩm lành mạnh và lo lắng về độ tinh khiết của các thành phần.
Họ có thể tạo ra các quy tắc phức tạp về quy trình chuẩn bị, cách ăn và các nguồn thực phẩm. Khi có bất kỳ sự sai lệch nào so với các quy tắc tự áp đặt này đều có thể gây ra lo lắng ghê gớm.
Họ thường hạn chế hoặc loại bỏ toàn bộ nhóm thực phẩm mà họ cho là không lành mạnh, ngay cả khi những thực phẩm này là một phần của chế độ ăn uống cân bằng. Các lựa chọn thực phẩm “an toàn” ngày càng thu hẹp theo thời gian.
Nỗi sợ tiêu thụ bất cứ thứ gì được coi là không lành mạnh có thể dẫn đến sự cô lập xã hội vì những người mắc chứng chán ăn tâm thần tránh các cuộc giao lưu ăn uống hoặc nhà hàng nơi họ cho rằng không thể kiểm soát được các thành phần. Việc theo đuổi chế độ ăn uống hoàn hảo không ngừng cuối cùng dẫn đến suy dinh dưỡng, lo lắng, trầm cảm và có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân.
4. Chán ăn tâm thần có điều trị được không?
ThS.BS. Đinh Hữu Uân, chuyên gia về sức khỏe tâm thần cho biết, chán ăn tâm thần có thể gây những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Do đó việc phát hiện, điều trị kịp thời và chính xác là rất quan trọng. Khi có dấu hiệu chán ăn, người bệnh cần gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần để khám và điều trị phù hợp.
Mục tiêu của việc điều trị chứng chán ăn tâm thần nhằm ổn định quá trình giảm cân; Bắt đầu phục hồi dinh dưỡng để lấy lại cân nặng; Loại bỏ tình trạng ăn uống vô độ và/hoặc hành vi nôn ói và các kiểu ăn uống có vấn đề khác; Điều trị các vấn đề về tâm lý như lòng tự trọng thấp và các kiểu suy nghĩ lệch lạc; Phát triển những thay đổi hành vi lâu dài.
5. Người bệnh chán ăn tâm thần có cần điều chỉnh chế độ ăn uống không?
Chế độ ăn uống đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi của người bệnh chán ăn tâm thần. Chán ăn tâm thần dẫn đến suy dinh dưỡng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mọi cơ quan trong cơ thể. Chế độ ăn uống hợp lý giúp phục hồi cân nặng, cải thiện các chức năng cơ thể và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Hầu hết bệnh nhân phục hồi sau chứng chán ăn tâm thần sẽ được điều trị bằng phương pháp tiếp cận khác nhau bao gồm: Thuốc, liệu pháp tâm lý, tư vấn dinh dưỡng.
Việc điều chỉnh chế độ ăn uống giữ vai trò quan trọng đối với những người mắc hội chứng này. Tuy nhiên, chế độ ăn cần phù hợp với từng trường hợp. Do đó, cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn, thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng.
6. Đông y có chữa được chán ăn tâm thần không?
Chán ăn tâm thần là một rối loạn phức tạp, liên quan đến cả yếu tố thể chất và tâm lý, việc điều trị cần kết hợp nhiều phương pháp như dùng thuốc, tâm lý trị liệu và dinh dưỡng.
Đông y có thể là một biện pháp bổ trợ điều trị chán ăn tâm thần bằng cách sử dụng các bài thuốc có tác dụng bồi bổ khí huyết, tăng cường chức năng tỳ vị, kích thích vị giác, cải thiện tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng; an thần, trấn tĩnh giúp giảm lo âu, trầm cảm… Tuy nhiên, người bệnh cần gặp các thầy thuốc Đông y có uy tín, kinh nghiệm để được thăm khám và kê đơn thuốc phù hợp.
7. Bệnh chán ăn tâm thần khám ở đâu?
Nếu nghi ngờ bản thân hoặc có người thân có dấu hiệu chán ăn tâm thần, người bệnh nên đến các bệnh viện lớn có các chuyên khoa và nhiều chuyên gia để phối hợp điều trị bệnh chán ăn tâm thần, bao gồm: Khoa Tâm thần, Dinh dưỡng, Nội tiết…
Các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Tâm thần Trung ương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia…; Một số phòng khám đa khoa lớn có khoa tâm thần và dinh dưỡng…
8. Lưu ý về chi phí điều trị chán ăn tâm thần
Chán ăn tâm thần là một rối loạn nghiêm trọng, việc điều trị đòi hỏi sự tuân thủ và kiên trì của bệnh nhân và gia đình.
Chi phí điều trị chán ăn tâm thần có thể thay đổi rất nhiều tùy thuộc mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ngoài chi phí khám bệnh còn có các chi phí phát sinh như phí xét nghiệm, thuốc men, phí lưu trú (nếu cần).
Người bệnh ở mức độ nặng càng cần phải kiên trì và kết hợp đồng bộ nhiều liệu pháp tâm lý, dinh dưỡng và các phương pháp bổ trợ khác. Mỗi phương pháp sẽ có chi phí khác nhau. Ngoài ra có thể cần phải chăm sóc đặc biệt, có chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bổ sung…
Xem thêm: