Gù cột sống là tình trạng phổ biến gây ảnh hưởng không chỉ đến vóc dáng mà còn đến sức khỏe tổng thể của người bệnh. Việc kết hợp các phương pháp điều trị y khoa với tập luyện đúng cách sẽ hỗ trợ hiệu quả giảm thiểu tình trạng gù lưng, cải thiện chức năng vận động, giúp người bệnh đạt chất lượng cuộc sống tốt hơn.
1. Vai trò của tập luyện đối với người gù cột sống
Gù cột sống là tình trạng cột sống cong quá mức về phía trước, thường gặp ở đoạn ngực của cột sống (gù lưng ngực).
Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân như sai tư thế, tuổi tác, bệnh lý cột sống (loãng xương, thoái hóa cột sống, chấn thương cột sống, viêm cột sống dính khớp) hay gù cột sống bẩm sinh liên quan đến sự phát triển không bình thường của xương sống,…
Việc tập luyện có vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng gù cột sống nhờ các tác dụng sau:
– Tăng cường sức mạnh cơ lưng và cột sống: Các bài tập nhắm vào cơ lưng, cơ cột sống giúp tăng cường sức mạnh, độ linh hoạt cho các nhóm cơ này, cải thiện khả năng giữ thăng bằng và tư thế.
– Giảm áp lực lên cột sống: Tập luyện đúng cách có thể hỗ trợ việc phân phối lực đều trên cột sống, giảm thiểu áp lực lên các đốt sống bị gù.
– Giảm đau: Tập luyện nhẹ nhàng, phù hợp làm giảm triệu chứng đau lưng, đau cổ thường đi kèm với tình trạng gù lưng.
– Cải thiện tư thế: Tập các bài kéo giãn, yoga hoặc pilates sẽ giúp kéo căng, điều chỉnh các cơ, giảm tình trạng cột sống cong quá mức.
– Ngăn ngừa biến chứng: Việc duy trì tập luyện thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ loãng xương, hạn chế tiến triển nặng hơn của bệnh và các biến chứng như vẹo cột sống.
2. Các bài tập cho người gù cột sống
Dưới đây là một số bài tập phù hợp cho người gù cột sống:
2.1. Bài tập kéo giãn cơ ngực (Chest Stretch)
Bài tập kéo giãn cơ ngực giúp thư giãn cơ ngực, cải thiện tư thế gù lưng do cơ ngực căng cứng kéo vai về phía trước. Từ đó giúp mở rộng cơ ngực, tăng cường sức mạnh cơ vai và điều chỉnh tư thế đứng thẳng.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai.
- Đan hai tay ra sau lưng, nâng ngực lên và kéo vai về phía sau.
- Giữ tư thế trong 20 – 30 giây, hít thở đều đặn.
- Thực hiện 3 – 4 lần mỗi ngày.
2.2. Bài tập Plank
Plank là một bài tập cơ bản nhưng hiệu quả trong việc tăng cường sức mạnh của các nhóm cơ lõi như cơ bụng, cơ lưng dưới, giúp hỗ trợ cột sống tốt hơn, giảm áp lực lên cột sống và cải thiện tư thế cho người gù lưng.
Cách thực hiện:
- Nằm sấp, chống hai khuỷu tay và hai mũi chân lên sàn.
- Nâng cơ thể lên, giữ cho lưng, hông và chân thẳng hàng.
- Giữ tư thế này từ 20 – 30 giây và thở đều.
- Thực hiện 2 – 3 lần, nghỉ giữa mỗi lần tập 1 – 2 phút.
2.3. Bài tập kéo giãn lưng trên (Upper Back Stretch)
Bài tập này giúp giải phóng căng thẳng ở vùng lưng trên, nơi thường bị căng cứng ở người gù cột sống. Tập luyện đều đặn các bài tập kéo giãn sẽ hỗ trợ cải thiện sự linh hoạt của cột sống.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng, hai tay đan vào nhau và duỗi thẳng ra trước mặt.
- Đưa hai tay lên cao trên đầu, cảm nhận sự kéo căng ở lưng trên.
- Giữ tư thế này trong 20 – 30 giây.
- Thực hiện 2 – 3 lần/ngày.
2.4. Bài tập tăng cường cơ lưng (Back Extension Exercise)
Bài tập tăng cường cơ lưng cũng là một trong những bài tập phù hợp cho người gù cột sống; giúp tăng cường cơ lưng dưới và điều chỉnh lại tư thế, giảm thiểu tình trạng gù.
Cách thực hiện:
- Nằm sấp, hai tay để phía sau đầu hoặc đặt cạnh cơ thể.
- Từ từ nâng đầu và ngực lên khỏi sàn, cảm nhận cơ lưng dưới co thắt.
- Giữ tư thế này trong 5 – 10 giây, sau đó hạ xuống từ từ.
- Thực hiện 10 – 15 lần, lặp lại 2 – 3 lượt mỗi ngày.
2.5. Bài tập kéo giãn toàn thân với gậy (Overhead Stretch with Stick)
Đây là bài tập đơn giản nhưng hiệu quả để kéo giãn toàn bộ cột sống và cải thiện sự linh hoạt, giảm căng thẳng vùng lưng.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng, cầm một chiếc gậy dài (hoặc khăn) bằng hai tay, rộng hơn vai.
- Nâng gậy lên cao quá đầu và từ từ đẩy gậy ra sau lưng cho đến khi cảm thấy kéo căng.
- Giữ trong 20 – 30 giây, sau đó trở về vị trí ban đầu.
- Thực hiện 2 – 3 lần mỗi ngày.
3. Lưu ý khi tập luyện cho người gù cột sống
Thời điểm lý tưởng nhất để tập luyện là vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Vào buổi sáng, cơ thể còn cứng do tư thế ngủ, tập luyện sẽ giúp kéo giãn các cơ và khớp. Tập vào buổi tối có tác dụng thư giãn cơ thể, giảm đau và tạo điều kiện cho giấc ngủ ngon hơn.
Tuy nhiên, khi cơ thể đang mệt mỏi hoặc ốm, bạn nên tránh tập các bài tập cường độ cao. Các bài tập nhẹ nhàng như hít thở sâu, kéo giãn cơ đơn giản có thể thực hiện để duy trì linh hoạt cho cơ thể mà không gây áp lực lên cột sống.
Ngoài ra, để các bài tập luyện cho người gù cột sống mang lại hiệu quả cao, cần lưu ý:
– Trước khi bắt đầu bất kỳ bài tập nào, hãy khởi động nhẹ nhàng để làm nóng cơ thể và tránh chấn thương.
– Luôn giữ đúng tư thế trong suốt quá trình tập luyện, đặc biệt là tư thế lưng.
– Kiểm soát chuyển động và không nên vặn xoắn cột sống quá mức.
– Thực hiện các bài tập một cách thường xuyên, nhưng không tập quá sức vì có thể gây thêm áp lực lên cột sống.
– Nếu có dấu hiệu đau, khó chịu hoặc mệt mỏi, cần dừng lại và nghỉ ngơi.
Tập luyện đúng cách là phương pháp hỗ trợ hiệu quả trong điều trị và cải thiện tình trạng gù cột sống. Bằng cách kiên trì thực hiện các bài tập cơ bản và chú ý đến những lưu ý an toàn, người bệnh có thể cải thiện tư thế và tăng cường sức khỏe cột sống, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để giúp điều trị bệnh gù cột sống hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ và tập luyện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Chuyên gia chỉ ra những nguy hại khi bị chấn thương cột sống | SKĐS