Đó là nhận định của các chuyên gia đầu ngành về ung thư của Việt Nam tại hội thảo “Tiếp cận công nghệ mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư, nghiên cứu phát triển thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam” do Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM vừa tổ chức. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 15 báo cáo viên và khoảng 200 đại biểu tham dự.
Tại hội thảo, GS.TS Mai Trọng Khoa – nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, giảng viên cao cấp – Trường đại học Y Hà Nội đã giới thiệu những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư ở nước ta hiện nay. Báo cáo cho thấy hầu hết các kỹ thuật tiên tiến nhất của thế giới đều đã được các bác sĩ Việt Nam tìm hiểu, học hỏi ứng dụng.
“Tuy kinh phí y tế có hạn nhưng việc chẩn đoán và điều trị ung thư ở nước ta đã đạt được trình độ chuyên môn cao hơn hẳn các nước có cùng điều kiện kinh tế và cũng đã tiệm cận với các nước tiên tiến. Thậm chí có những lĩnh vực chẩn đoán như PET/CT chúng ta đã đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến”, GS.TS Mai Trọng Khoa cho hay.
TS.DS Nguyễn Đức Trung – Chủ nhiệm khoa Dược, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cũng giới thiệu việc pha chế phân liều thuốc ung thư tại bệnh viện nhằm bảo đảm an toàn và tiết kiệm tổng lượng thuốc tiêu thụ.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, dù đội ngũ thầy thuốc đã có nhiều cố gắng nhưng năng lực cung ứng thuốc sản xuất trong nước vẫn còn quá ít so với nhu cầu điều trị.
Việc nghiên cứu sản xuất thuốc ung thư là việc vô cùng khó khăn và đòi hỏi sự kết hợp của nhiều nguồn lực, đặc biệt là gánh nặng kinh phí và thời gian.
Theo TS Trần Thị Hiền, Đại học Lunds (Thuỵ Điển), ngay cả những nước tiên tiến cũng phải tốn từ 10-30 năm và số tiền từ 500 triệu đến 2 tỷ đô-la mới có thể phát minh ra một thuốc mới.
PGS.TS Đỗ Thị Hà – Phó Viện trưởng Viện dược liệu cho hay, nghiên cứu thuốc kháng ung thư từ dược liệu là một trong những xu hướng của thế giới phù hợp với hoàn cảnh nước ta.
Trên thế giới, từ năm 1981 đến năm 2019, khoảng 25% tổng số thuốc chống ung thư mới được phê duyệt có liên quan đến các sản phẩm tự nhiên. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nước ta có hàng chục đề tài nghiên cứu cấp Bộ và ngang Bộ về dược liệu kháng ung thư. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thành phẩm nào được phê duyệt cấp số đăng ký. Vì vậy, đẩy mạnh các nghiên cứu về dược liệu trị ung thư là một nhiệm vụ cấp thiết của ngành dược.
Theo các chuyên gia, hội thảo đã phác họa một cái nhìn toàn cảnh về việc tiếp cận công nghệ mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư ở nước ta, giúp bệnh nhân có thể tiếp cận với những tiến bộ mới với chi phí hợp lý, không phải ra nước ngoài chữa trị. Việc xã hội hóa để đầu tư các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới cũng như sự hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức quốc tế cũng đã mở ra những hy vọng cho bệnh nhân ung thư được điều trị tốt nhất có thể.