Chứng rối loạn kinh nguyệt có thể căn cứ vào chu kỳ kinh, thời gian hành kinh, lượng huyết, màu sắc và chất huyết. Người phụ nữ khỏe mạnh (trừ trường hợp có thai hoặc đang cho con bú) khoảng 28 ngày hành kinh 1 lần. Thời gian hành kinh kéo dài 3-4 ngày hoặc 5-6 ngày.
Lượng kinh huyết không nhiều không ít (khoảng 50-100ml). Kinh lúc đầu đỏ nhạt sau đậm hơn, cuối cùng lại đỏ nhạt. Chất kinh không quá loãng cũng không quá đặc, không vón cục…
Trứng cá mọc quá nhiều ở nữ giới có thể gắn liền với chu kỳ kinh nguyệt.
Kinh nguyệt rối loạn là khi kinh nguyệt đến trước kỳ, sau kỳ, hay trước sau không nhất định, hoặc có tháng không có kinh mà không phải có thai. Lượng huyết cũng thất thường khi ít khi nhiều, chất kinh khi loãng khi vón cục, kèm theo đau bụng, mệt mỏi, da sạm đen, nổi nhiều mụn, nước tiểu vàng, bụng đau nắn vào không chịu được, máu cục ra được thì đỡ đau, sắc mặt kém tươi…
Có thể dùng các bài thuốc sau:
1. Bài thuốc lương huyết thanh nhiệt trị mụn trứng cá
– Thành phần: Củ gấu 24g, cỏ nhọ nồi 50g, vỏ quả chanh (sao đen) 16g, ích mẫu 16g, rau má tươi 50g… sắc với 800ml nước còn 300ml, chia làm 2 phần uống trong ngày.
– Công dụng: Trị mụn trứng cá – dùng trong trường hợp kinh tới trước kỳ, huyết ra nhiều, huyết đỏ thẫm hoặc tím đen, đại tiện táo, nước tiểu đỏ, hôi miệng…
Cỏ nhọ nồi trong bài thuốc lương huyết thanh nhiệt trị mụn trứng cá.
2. Bài thuốc ôn kinh trị mụn trứng cá
– Thành phần: Củ gấu 40g, cỏ ích mẫu 30g, ngải cứu 30g, gừng (đốt cháy đen) 16g, Cho tất cả sắc với 600ml nước, sắc còn 250ml, chia làm 2 phần, uống trong ngày.
– Công dụng: Trị mụn trứng cá – dùng trong trường hợp kinh tới sau kỳ, lượng huyết ít, màu nhạt, đau bụng liên miên, xạm da và nổi nhiều trứng cá.
3. Bài thuốc bổ huyết điều kinh trị mụn trứng cá
– Thành phần: Hà thủ ô đỏ 24g, đậu đen 50g, lá sung 20g, củ gấu 20g, ích mẫu 16g, ngải cứu 16g, củ gai 24g; tất cả sắc với 900ml nước, còn 400ml, chia thành 2 phần uống trong ngày.
– Công dụng: Trị mụn trứng cá – dùng trong trường hợp kinh tới sau kỳ, lượng kinh ít, màu nhợt, loãng, người mệt mỏi, chóng mặt, hồi hộp, ngủ ít, nổi nhiều trứng cá, da khô.
Mời bạn xem thêm video:
Kinh nguyệt nhiều hay ít thì có hại? | SKĐS