Trước khi nhập viện, bệnh nhân bị ngứa lòng bàn chân, tay và toàn thân suốt hai tháng. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ nhôm trong máu và nước tiểu bệnh nhân cao hơn mức cho phép.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, nồng độ nhôm trong máu không được quá 12 mcg/lít và trong nước tiểu dưới 12 mcg/24h. Tuy nhiên ở bệnh nhân này, chỉ số nhôm trong máu là 12,5mcg/lít và trong nước tiểu 47,37 mcg/24h.
Khai thác thông tin từ bệnh nhân được biết, khoảng 10 năm nay bệnh nhân thường xuyên sử dụng phèn chua để chữa hôi nách. Bệnh nhân rang phèn chua, sau đó tán thành bột và bôi vào nách 2 lần/ngày.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nhận định, bệnh nhân bị nhiễm độc nhôm do sử dụng phèn chua lâu ngày. Rất may bệnh nhân chưa bị tổn thương các cơ quan khác như suy thận, xơ phổi, nhuyễn xương hoặc các bệnh lý liên quan đến não bộ.
Sau gần một tháng điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã cải thiện. Hiện bệnh nhân đã xuất viện, điều trị ngoại trú và tái khám định kỳ, không tiếp tục sử dụng phèn chua.
“Đây là trường hợp rất hi hữu, lần đầu tiên Trung tâm Chống độc tiếp nhận ca nhiễm độc nhôm từ bên ngoài xâm nhập qua da. Thực chất phèn chua là muối sunfat kali nhôm. Trong y khoa, hợp chất nhôm được sử dụng để bào chế các thuốc bao bọc niêm mạc dạ dày tá tràng, điều trị bệnh lý dạ dày, chữa mùi hôi cơ thể.
Nhôm và các hợp chất của nhôm cũng được dùng trong chất phụ gia thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng như đồ dùng nhà bếp và xử lý nước uống (các chất lắng lọc nước). Lượng nhôm vào cơ thể từ những nguồn này là không đáng kể nếu sản phẩm được sản xuất đúng theo tiêu chuẩn và sử dụng đúng chỉ định, liều lượng”, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên thông tin.