Bước sang tiết trời mùa Xuân với sự chuyển biến nhanh, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch, độ ẩm lớn… là điều kiện thuận lợi cho các bệnh mùa Xuân phát triển như dị ứng, hô hấp, tiêu hóa…
Bộ phận cơ thể đầu tiên bị ảnh hưởng là đường hô hấp trên, gây viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, từ đó nhiễm trùng lan xuống khí phế quản và nhu mô phổi gây viêm phế quản, viêm phổi.
Vào lúc thời tiết giao mùa, độ ẩm thấp, làm cho vi khuẩn, virus dễ phát triển và bùng phát thành dịch bệnh, chúng thường gây bệnh ở đường hô hấp và tiêu hóa nên chúng ta cần cảnh giác.
1. Các biện pháp phòng dịch bệnh mùa Xuân
- Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ;
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, mặc ấm khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu;
- Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, tiêu chảy, hô hấp… hạn chế đến những chỗ đông người;
- Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng.
- Uống nước ấm, tránh ăn hoặc uống nước lấy trực tiếp từ tủ lạnh;
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi họng hàng ngày; Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình;
2. Một số món cháo dưỡng sinh phòng bệnh mùa Xuân
2.1. Cháo cá diếc, hạnh nhân
Thành phần: Cá diếc nhỏ 200g, hạnh nhân giã nhỏ 50g, gạo tẻ 250g, hành lá, tía tô, gia vị vừa đủ.
Chế biến: Cá diếc đánh vảy, bỏ mang, ruột, rửa sạch, cho vào nồi cùng với hạnh nhân và gạo. Dùng loại nồi đất, nước vừa đủ, đun to lửa tới sôi chuyển đun nhỏ lửa tới chín nhừ là được.
Công dụng: Kiện tỳ ích khí, bổ âm hoạt lạc lý phế.
Phạm vi sử dụng: Sử dụng như món điểm tâm, dưỡng sinh cho mùa xuân. Ngoài ra, còn dùng chữa ho có đờm do viêm phế quản mạn tính, khí âm bất túc.
Cách dùng: Ăn cá uống canh. Mỗi tuần dùng 1 – 3 bữa.
2.2. Cháo chim cút nấu đảng sâm
Thành phần: Chim cút 1 con, đảng sâm 15g, hoài sơn 15g, gạo tẻ 1 bát con.
Chế biến: Rửa sạch tất cả các nguyên liệu, thái nhỏ, cho các thứ vào nồi, nước vừa đủ, đun to lửa tới sôi, chuyển đun nhỏ lửa ninh tới nhừ thịt và gạo, cho gia vị là được.
Công dụng: Kiện tỳ dưỡng vị, trợ giúp tiêu hóa.
Phạm vi sử dụng: Trợ giúp tiêu hóa, bồi bổ sức khỏe, chữa ăn uống suy giảm do tỳ vị khí hư gây ra, chứng tiêu hóa kém.
Cách dùng: Ăn thịt uống canh. Mỗi tuần sử dụng 1 – 2 bữa.
2.3. Cháo gà ác nấu hoàng kỳ
Thành phần: Gà xương đen 1 con, hoàng kỳ sao 30g, gạo tẻ 2 bát con, gừng tươi 15g, hành củ 20g, rượu trắng 10g, muối tinh 8g, nước dùng 50g.
Chế biến: Hoàng kỳ sao, gà giết mổ bỏ phủ tạng, rửa sạch, nhúng vào nước đang sôi 1 phút, nhồi hoàng kỳ vào bụng gà, đổ nước dùng, gạo, muối, rượu, gừng, hành. Đun đến nhừ là được.
Công dụng: Bổ trung ích khí, dưỡng huyết sinh huyết.
Phạm vi sử dụng: Món cháo có công dụng bổ dưỡng, sử dụng tốt vào mùa xuân, thời tiết chuyển mùa. Ngoài ra, còn chữa chứng tỳ vị hư nhược, tiêu hóa kém, tiêu thủy thũng.
Cách dùng: Mỗi tuần sử dụng 1 – 2 lần.
Xem thêm video đang được quan tâm:
5 món cháo dinh dưỡng ngon bổ rẻ, càng ăn bệnh tật càng tránh xa | SKĐS