Chưa xác định được ăn thế nào là đủ?
TS.BS. Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Bộ môn Dinh dưỡng – An toàn thực phẩm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chuyên gia tư vấn dinh dưỡng tại Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 2 cho biết, trong thời gian tư vấn buổi sáng, vấn đề thường gặp nhất của những người đến tư vấn là ăn không đủ chất.
Hiện nay, người dân đến với tư vấn dinh dưỡng rất quan tâm đến sức khỏe nhưng còn khá lúng túng trong việc xác định ăn như thế nào là đủ cũng như không hiểu tình trạng sức khỏe của mình đang ở mức thừa cân, béo phì hay suy dinh dưỡng.
Xuất phát từ thực trạng này nên các chuyên gia tư vấn về cách tính BMI, cách tính nhu cầu năng lượng và hướng dẫn chế độ ăn.
Về ăn đủ chất thì hiện nay sẽ nghiêng về hướng dẫn hạn chế đồ ngọt, thức ăn nhanh, không sử dụng thức ăn không có lợi cho sức khỏe mà ưu tiên đa dạng thực phẩm lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng.
Chính vì vậy, để người dân có nhận thức và thực hành dinh dưỡng an toàn thì cần có nhiều chương trình như Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 2. Thông qua chương trình, các chuyên gia dinh dưỡng cơ hội được trao đổi, chia sẻ thông tin về dinh dưỡng khoa học tới người dân.
Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để người dân được tiếp nhận thông tin khoa học và cần thiết, cụ thể về dinh dưỡng, vận động hợp lý với bản thân và gia đình mình để tăng cường sức khỏe và nâng cao tuổi thọ.
TS.BS. Nguyễn Thị Huỳnh Mai tư vấn dinh dưỡng cho người dân tại Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 2.
Nhiều người đến tham vấn về các yếu tố nguy cơ
ThS.BS. Phạm Minh Châu, Bộ môn Dinh dưỡng – An toàn thực phẩm Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chuyên gia tư vấn dinh dưỡng tại Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 2 cho biết, nhiều người thắc mắc về chế độ dinh dưỡng dành cho người thừa cân, béo phì hay những người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu….
Tại Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam, người dân không ngại bày tỏ bệnh lý của mình, còn đem theo các thông tin về xét nghiệm chức năng gan, thận để bác sĩ tư vấn cụ thể về việc duy trì chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế chất béo không có lợi cho sức khỏe.
Theo ThS.BS. Phạm Minh Châu, thông thường, các trường hợp đã mắc bệnh mới đến tham vấn dinh dưỡng. Tuy nhiên tại Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 2, người đến tham vấn thường mới chỉ có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh.
Đây là điểm nổi bật của chương trình và thông qua tư vấn, người dân được cung cấp thông tin để thực hành dinh dưỡng đúng trong mỗi bữa ăn hàng ngày nhằm phát huy tác dụng ngăn ngừa bệnh tật bằng dinh dưỡng khoa học và lối sống vận động hợp lý.
Người dân còn lúng túng trong việc định lượng các loại thực phẩm sao cho phù hợp với từng cá nhân
Theo ThS.BS. Phạm Trần Thiên Nhân, Bộ môn Dinh dưỡng – An toàn thực phẩm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chuyên gia tư vấn dinh dưỡng tại Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 2, người dân đến khám có mối quan tâm rất lớn đến thực hành dinh dưỡng hàng ngày.
Hầu hết mọi người đã có ý thức lựa chọn thực phẩm đa dạng, cân đối các chất sinh năng lượng (chất đạm, chất béo, chất bột đường), các vitamin và khoáng chất.
Tuy nhiên, lỗi thường mà người dân thường gặp là còn lúng túng trong việc định lượng các loại thực phẩm sao cho phù hợp với từng cá nhân. Chẳng hạn, họ biết ăn trái cây không ngọt, ăn bưởi, ổi, xoài… nhưng định lượng rất kém với cả người khỏe mạnh và người mắc bệnh.
Hơn nữa, hiện nay, nhiều người có xu hướng dùng dinh dưỡng để giải quyết vấn đề cao hơn sức khỏe như người có cân nặng khỏe mạnh nhưng muốn thân hình thon gọn hơn nữa hay những người ốm quá nhưng muốn giảm cân…
Chính vì vậy mà chương trình Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 2 đặc biệt có ý nghĩa trong việc cổ vũ, khuyến khích người dân tiếp cận với thông tin khoa học cũng như thực hành dinh dưỡng lành mạnh và lối sống năng động để tăng cường sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật.
ThS.BS. Phạm Trần Thiên Nhân và người dân hăng say trao đổi kiến thức dinh dưỡng tại Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 2.
Mời bạn xem tiếp video:
Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam – lần 2.