1. Ý nghĩa tốt đẹp của Tết Hàn thực trong văn hóa người Việt
Có nhiều người cho rằng, tết Hàn thực của người Việt có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên theo nhiều tài liệu, phong tục cũng như món ăn trong Tết Hàn thực của người Việt có phần khác với Trung Quốc và mang những nét riêng.
Theo lịch sử ghi chép lại, vào năm 1292, chính vua Trần Nhân Tông còn khẳng định rằng Hàn thực là “phong tục An Nam theo cổ nhân” trước sứ giả nhà Nguyên. Theo đó, Tết Hàn thực là phong tục của người Việt xưa, là dịp người Việt thờ cúng và nhớ về tổ tiên, cội nguồn.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, bắt đầu từ tháng 3 hằng năm, thời tiết dần nóng lên, cũng là thời điểm chuyển giao sang mùa hè. Để đánh dấu thời điểm này, cứ vào ngày 3/3 âm lịch, người dân một số vùng Bắc Bộ nước ta thường làm bánh trôi, bánh chay để dâng cúng đất trời, tổ tiên.
Tết Hàn thực ở Việt Nam, người dân không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn diễn ra bình thường. Hàn thực có ý nghĩa là ăn thức ăn lạnh nên vào ngày này, những đĩa bánh trôi, bánh chay là đồ cúng quan trọng nhất làm nên nét riêng cho Tết Hàn thực ở Việt Nam. Ở nhiều nơi, người dân còn gọi Tết Hàn thực là Tết bánh trôi, bánh chay.
Trong Vân đài loại ngữ, nhà bác học Lê Quý Đôn cũng từng cho biết: “Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy. Người phương Bắc cũng có, gọi là Thủy đoàn”. Cho nên, tục ăn bánh trôi bánh chay đã có từ thời ông bà xưa, tựa như một dấu hiệu may mắn thuận theo cội nguồn dân tộc.
Việc người Việt Nam dùng bánh trôi, bánh chay để cúng lễ ẩn chứa rất nhiều ý nghĩa sâu sắc, tốt đẹp, thấm đẫm bản sắc dân tộc. Trước tiên, người Việt muốn dùng ẩm thực để tôn vinh nền văn minh lúa nước lâu đời của dân tộc cũng như hình ảnh các loại bánh truyền thống khác như bánh chưng, bánh giầy,… trước đó. Thế nên, cả bánh trôi và bánh chay đều được làm từ bột gạo nếp thơm – thành quả lao động của người nông dân dâng cúng tổ tiên với lòng thành kính tri ân.
Nhiều sự tích cũng cho rằng, nguồn gốc của bánh trôi, bánh chay có từ thời Hùng Vương và tục làm hai thứ bánh này để nhắc nhớ về sự tích “bọc trăm trứng” của Âu Cơ và Lạc Long Quân. Những viên bánh trôi trắng tròn gợi liên tưởng về hình ảnh trăm trứng của mẹ Âu Cơ trong sự tích con Rồng cháu Tiên. Dân ta sử dụng bánh trôi, bánh chay dâng lên tổ tiên để bày tỏ tấm lòng, tiếp nối truyền thống hướng về nguồn cội của dân tộc và để nhắc nhở con cháu về truyền thuyết con rồng cháu tiên, tự hào dòng máu con Lạc cháu Hồng.
Ngoài ra, chiếc bánh trôi làm từ bột gạo nếp thơm ngon còn được dâng cúng trong lễ Hai Bà Trưng ngày 6/3 tại làng Hát Môn (Phúc Thọ – Hà Tây), ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 và hội Phủ Giầy tháng 3 lễ Mẫu.
2. Bánh trôi bánh chay ngũ sắc ‘lên ngôi’
Bánh trôi và bánh chay truyền thống được làm từ bột gạo nếp thơm, có vỏ mỏng trắng ngần bên ngoài và nhân ngọt bên trong. Bánh trôi ở các miền cũng có sự khác nhau như loại bánh trôi miền Bắc có kích cỡ nhỏ; thường không được ăn cùng với nước và có nhân là đường phèn, còn chè trôi nước miền Nam thì có kích cỡ to, nhân đậu, ăn cùng nước đường sên với gừng. Bánh trôi miền Bắc có màu trắng ngà, dẻo mịn và thơm mùi gạo nếp cùng tinh dầu chuối.
Những năm gần đây, ngoài những đĩa bánh trôi bánh chay màu trắng tượng trưng cho sự viên mãn tròn đầy, tinh khiết thì hầu như năm nào trên facebook cũng ngập tràn hình ảnh các loại bánh trôi kiểu mới với nhiều màu sắc bắt mắt hấp dẫn và tạo hình đẹp mắt như bánh trôi hoa sen, bánh trôi cá chép,… Người ta còn làm sẵn các set bột bánh trôi ngũ sắc để người mua về tự tạo hình theo ý thích.
Chị H.T (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, cũng có năm chị mua set bánh trôi đủ màu sắc về làm một mẻ bánh, nhưng chị vẫn luôn thích bánh trôi chay kiểu “ngày xưa” với những viên bánh trắng mướt, chỉ rắc nhẹ chút vừng vàng rang thơm, dừa nạo sợi hoặc là bánh chay trắng ngà trong bát chè bột sắn trong veo, ngọt nhẹ, rắc ít đỗ xanh đồ chín.
Cuộc sống bận rộn, nhiều người chọn cách mua sẵn bánh trôi bánh chay ở chợ nhưng cũng có nhiều chị em mua nguyên liệu về để làm bánh. Tự tay làm những viên bánh trôi bánh chay không chỉ là cách bày tỏ lòng thành tâm với ông bà tổ tiên mà còn là thời gian gắn kết với các thành viên gia đình, cùng con cái tìm hiểu về một nét đẹp văn hóa, phong tục của người Việt.
3. Cách làm bánh trôi ngũ sắc
Nếu có thời gian, chị em cũng có thể tự làm bánh trôi ngũ sắc bằng màu tự nhiên để đảm bảo an toàn. Để tạo món bánh trôi, bánh chay nhiều màu, hấp dẫn, bạn có thể dùng màu tự nhiên từ một số loại lá dứa, trà xanh, củ dền, hoa đậu biếc, màu gấc với hướng dẫn đơn giản dưới đây:
– Tạo bột màu đỏ từ gấc chín: Cho 100g bột nếp 30g bột bắp vào âu. Cơm gấc sau khi ngâm với chút rượu và chút nước thì bóp nhuyễn lấy phần thịt gấc tiết ra đổ vào âu bột, nhào qua thấy bột còn khô thì thêm 60 – 70ml nước ấm vào từ từ, vừa đổ vừa nhào cho đến khi bột dẻo mịn không dính tay là được. Không nên đổ hết nước vào một lần để tránh hỏng bột. Nếu không có gấc, thay thế bằng nước ép củ dền cũng ra màu đỏ hồng đẹp mắt.
– Tạo màu xanh cho bột bằng lá dứa: Xay nhuyễn lá dứa, lọc lấy nước. Đổ 100g bột nếp, 30g bột bắp rồi trộn đều các nguyên liệu với nhau. Đổ từ từ nước lá dứa vào âu bột cho đến khi đủ nước thì bột dẻo mịn không bị dính tay là được. Có thể thay thế bằng bột trà xanh (matcha) cũng tạo màu xanh như ý.
– Tạo màu vàng cam từ bí đỏ: Xay sống bí đỏ, thêm chút nước để dễ xay, sau đó lọc thật kỹ qua rây sẽ thu được phần nước cốt bí đỏ màu vàng cam đẹp mắt. Trộn nước bí đỏ với lượng bột như làm với lá dứa là được khối bột màu vàng đẹp mắt.
– Tạo màu tím từ hoa đậu biếc: Hoa đậu biếc rửa sạch, cho vào nồi nước đun khoảng 10 phút cho ra màu thì tắt bếp, chắt lấy phần nước màu rồi lọc qua rây. Màu hoa đậu biếc hơi ngả xanh nên nếu muốn màu tím bạn có thể cho thêm chút nước cốt chanh để có màu tím trong veo bắt mắt. Trộn bột với công thức như trên một lần nữa.
Đĩa bánh với đủ màu sắc hấp dẫn không những đẹp mắt mà còn mang đến vẻ đẹp mới của món ăn truyền thống, làm phong phú thêm sắc màu mâm cỗ cúng Tết Hàn thực. Cùng với niềm vui tự làm bánh sẽ khiến cho ngày Tết Hàn thực của mỗi gia đình thêm gắn bó và sinh động hơn rất nhiều.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Tết Hàn thực (3/3 Âm lịch): Ai không nên ăn nhiều bánh trôi, bánh chay?