1. Vai trò của tập luyện với bệnh liệt dương
Liệt dương hay còn gọi là rối loạn cương dương (Erectile Dysfunction – ED), là một tình trạng xảy ra ở nam giới khi dương vật không đạt được hoặc không duy trì được sự cương cứng đủ để thực hiện quan hệ tình dục.
- 1. Vai trò của tập luyện với bệnh liệt dương
- 2. Bài tập cho người liệt dương
- 2.1. Bài tập Kegel – Bài tập cơ sàn chậu
- 2.2. Bài tập Glute Bridge – bài tập ở tư thế cây cầu
- 2.3. Bài tập yoga – Tư thế rắn hổ mang (Bhujangasana)
- 2.4. Bài tập Squat
- 2.5. Bài tập đi bộ nhanh
- 2.6. Bài tập thở 4 thì
- 2.7. Thiền
- 3.Lưu ý khi tập luyện cho người liệt dương
Người mắc chứng liệt dương có các biểu hiện như khó đạt được sự cương cứng dù có kích thích, dễ mất cương cứng trong quá trình quan hệ tình dục, giảm hứng thú trong tình dục,…
Nguyên nhân của bệnh có thể do tâm lý, các bệnh lý mạn tính (đái tháo đường, tim mạch), suy giảm testosterone, tổn thương thần kinh, lối sống không lành mạnh (uống rượu bia, hút thuốc lá, ít vận động…).
Tùy theo nguyên nhân mà điều trị liệt dương có thể thông qua điều chỉnh lối sống, dùng thuốc, tâm lý trị liệu, can thiệp phẫu thuật… Kết hợp điều trị y tế với các bài tập thể dục, yoga, hoặc kỹ thuật thở đúng cách có thể hỗ trợ người bệnh cải thiện tình trạng một cách hiệu quả và bền vững.
Vai trò của tập luyện với người liệt dương:
– Tăng cường tuần hoàn máu: Các bài tập giúp cải thiện lưu thông máu trong cơ thể, kể cả vùng dương vật. Tuần hoàn máu tốt hơn sẽ cải thiện khả năng cương cứng, đặc biệt đối với những người bị liệt dương do nguyên nhân mạch máu.
– Kích thích sản sinh hormone testosterone: Tập luyện đều đặn, nhất là các bài tập cường độ vừa phải như chạy bộ hoặc nâng tạ, giúp tăng mức testosterone – hormone quan trọng trong việc duy trì ham muốn và chức năng tình dục.
– Cải thiện tâm lý: Tập thể dục giúp giảm căng thẳng, lo âu và cải thiện tâm trạng, điều này đặc biệt hữu ích cho những người liệt dương do căng thẳng hoặc áp lực tâm lý.
– Kiểm soát cân nặng: Béo phì là một yếu tố nguy cơ lớn gây liệt dương. Tập thể dục thường xuyên giúp giảm mỡ thừa, duy trì cân nặng lý tưởng, từ đó cải thiện khả năng tình dục.
– Tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu: Các bài tập vùng cơ sàn chậu giúp tăng cường sức mạnh cơ, cải thiện khả năng kiểm soát cương dương, đồng thời kéo dài thời gian quan hệ.
– Điều chỉnh huyết áp và mỡ máu: Liệt dương thường liên quan đến các bệnh lý mạch máu như tăng huyết áp hoặc xơ vữa động mạch. Tập luyện giúp cải thiện các yếu tố nguy cơ này, từ đó hỗ trợ điều trị nguyên nhân gốc rễ của liệt dương.
Ngoài ra, tập luyện thường xuyên giúp cơ thể khỏe mạnh, người bệnh tự tin hơn trong mối quan hệ và đời sống.
2. Bài tập cho người liệt dương
2.1. Bài tập Kegel – Bài tập cơ sàn chậu
Bài tập Kegel được chứng minh là có tác dụng trong việc tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu – nhóm cơ hỗ trợ cương dương hiệu quả. Việc kiểm soát nhóm cơ này giúp duy trì trạng thái cương cứng tốt hơn, kéo dài thời gian quan hệ, đồng thời cải thiện khả năng kiểm soát xuất tinh.
Cách thực hiện:
– Người bệnh ở tư thế ngồi hoặc nằm thoải mái, tập trung xác định cơ sàn chậu (cơ sàn chậu là một khối cơ kéo dài từ vị trí xương cụt đến xương mu phía trước, tạo thành một mặt sàn phẳng giữa hai chân, có nhiệm vụ nâng đỡ các cơ quan trong vùng chậu như bàng quang và ruột).
– Siết chặt cơ sàn chậu trong 3 – 5 giây, sau đó thả lỏng.
– Lặp lại động tác 10 – 15 lần, lặp đi lặp lại 2 – 3 lần mỗi ngày.
2.2. Bài tập Glute Bridge – bài tập ở tư thế cây cầu
Bài tập này có tác dụng tăng cường cơ mông, lưng dưới và đặc biệt là nhóm cơ vùng chậu. Từ đó giúp cải thiện lưu thông máu đến cơ quan sinh dục, cải thiện tình trạng liệt dương, đặc biệt ở người mắc vấn đề mạch máu hoặc bệnh lý đái tháo đường.
Cách thực hiện:
– Tư thế nằm ngửa trên sàn hoặc thảm tập. Gối gập, bàn chân đặt lên sàn phẳng, rộng bằng hông. Hai tay đặt dọc theo thân, lòng bàn tay sấp. Cổ và vai thả lỏng, giữ đầu nhìn thẳng lên trần nhà.
– Siết chặt cơ mông và cơ bụng, đẩy gót chân xuống sàn, nhấc hông lên cao. Sau đó, nâng hông cho đến khi cơ thể tạo thành một đường thẳng từ vai đến đầu gối. Không đẩy hông quá cao hay làm cong lưng dưới.
– Giữ tư thế này trong 2 – 3 giây. Từ từ hạ hông xuống mà không để lưng dưới chạm sàn, cơ mông căng.
– Lặp đi lặp lại từ 10 – 15 lần, ngày 2 – 3 lần.
2.3. Bài tập yoga – Tư thế rắn hổ mang (Bhujangasana)
Đây là bài tập yoga phổ biến, có nhiều lợi ích đối với sức khỏe của mọi người và cả người bệnh liệt dương. Tư thế yoga này giúp kéo dài và tăng cường sức mạnh cho cột sống, hỗ trợ cải thiện tuần hoàn máu vùng chậu và cơ quan sinh dục. Ngoài ra, bài tập còn giúp thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng, yếu tố quan trọng trong hỗ trợ điều trị liệt dương.
Cách thực hiện:
– Tư thế nằm sấp, chống hai tay gần vai, lòng bàn tay úp xuống sàn.
– Hít sâu, chống tay và nâng phần thân trên lên, đầu ngửa về sau.
– Tiếp tục giữ tư thế trong 10 – 15 giây, lặp lại 5 – 10 lần/ngày.
2.4. Bài tập Squat
Squat tăng cường sức mạnh cơ mông, đùi và vùng chậu. Việc tập luyện giúp cải thiện lưu thông máu và kích thích sản sinh hormone testosterone, từ đó hỗ trợ điều trị liệt dương hiệu quả.
Cách thực hiện:
– Tư thế đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai. Từ từ hạ thân dưới xuống như đang ngồi ghế, giữ lưng thẳng. Quay trở lại tư thế ban đầu.
– Lặp lại 10 – 15 lần tập, 2 – 3 lần/ngày.
2.5. Bài tập đi bộ nhanh
Đi bộ nhanh có tác dụng kích thích tuần hoàn máu toàn thân, đặc biệt đến vùng cơ quan sinh dục. Đây cũng là hoạt động ngăn ngừa thừa cân, cải thiện sức khỏe tim mạch và cải thiện tâm trạng cho người bệnh.
Cách thực hiện: Đi bộ với tốc độ vừa phải, duy trì nhịp thở đều trong 20 – 30 phút/ngày.
2.6. Bài tập thở 4 thì
Bài tập này giúp thư giãn cơ thể, giảm căng thẳng, điều hòa tuần hoàn máu. Đặc biệt, thở sâu kích thích oxy lưu thông tốt hơn đến các cơ quan, hỗ trợ cải thiện chức năng sinh dục và tâm lý ở người liệt dương.
Cách thực hiện:
– Tư thế ngồi hoặc nằm thoải mái. Thực hiện chu trình: Hít vào 4 giây, giữ hơi 4 giây, thở ra 4 giây, giữ hơi ngoài 4 giây.
– Lặp lại trong 10 – 15 phút/ngày.
2.7. Thiền
Những người liệt dương có liên quan đến yếu tố tâm lý có thể áp dụng các bài tập thiền nhằm giảm căng thẳng, lo âu, cải thiện tâm lý. Thiền giúp cân bằng hormone và hỗ trợ sự tập trung, điều cần thiết trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống và đời sống tình dục.
Cách thực hiện:
– Tư thế ngồi thoải mái, lưng giữ thẳng.
– Tập trung tâm trí vào hơi thở, thư giãn toàn bộ cơ thể.
– Thực hiện 15-20 phút mỗi ngày.
3. Lưu ý khi tập luyện cho người liệt dương
Chọn bài tập phù hợp với sức khỏe và tình trạng cơ thể. Không nên chọn các bài tập gây áp lực quá lớn lên cơ bắp. Không tập luyện quá sức, đặc biệt với những người có các bệnh lý đi kèm.
Duy trì thói quen tập luyện đều đặn, ít nhất 3 – 5 ngày/tuần để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường thực phẩm giàu kẽm, vitamin D, omega 3. Giảm thực phẩm nhiều đường, chất béo bão hòa trong chế độ ăn.
Với các trường hợp liệt dương do bệnh lý nghiêm trọng, cần tham vấn bác sĩ để chọn lựa bài tập an toàn và phù hợp nhất.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Rối loạn cương dương có thể chữa khỏi hoàn toàn không? | SKĐS