Bài tập cải thiện vận động cho người mắc bệnh hạch nền

1. Vai trò của các bài tập vận động đối với người mắc bệnh hạch nền

Hạch nền là một cấu trúc trong não có vai trò tích hợp các dự báo từ vỏ não và truyền thông tin qua đồi thị đến vỏ não vận động, từ đó lên kế hoạch và thực hiện các cử động phức tạp.

Hạch nền có thể bị tổn thương do nhiễm trùng, khối u, chấn thương não, đột quỵ, ngộ độc kim loại nặng…

Khi thực hiện các bài tập sẽ giúp người bệnh:

Giảm rối loạn vận động: Hạch nền kiểm soát vận động tự động và phối hợp giữa các nhóm cơ, các bài tập có thể giúp kích thích các con đường thần kinh thay thế, giảm rối loạn vận động như run, giật hoặc cứng cơ, từ đó hỗ trợ bệnh nhân cải thiện khả năng điều phối vận động.

Bù đắp tổn thương: Tập luyện có thể thúc đẩy sự tạo ra các kết nối thần kinh mới, giúp não bộ thích nghi và bù đắp các tổn thương do bệnh lý gây ra.

Cải thiện hoạt động: Các bài tập tăng sức mạnh cơ và kéo giãn giúp giảm co cứng cơ, cải thiện khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày như đi đứng, cầm nắm.

Giữ thăng bằng: Người mắc bệnh hạch nền thường gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng, một số bài tập thăng bằng giúp cơ thể phản ứng nhanh nhạy hơn, tăng độ vững chắc khi di chuyển.

Phòng ngừa biến chứng: Các bài tập còn giúp người mắc bệnh hạch nền phòng ngừa biến chứng. Việc tập luyện đều đặn giúp duy trì tuần hoàn máu tốt, ngăn ngừa các vấn đề về cơ xương khớp và tim mạch, những biến chứng thường gặp ở người ít vận động.

Giảm căng thẳng: Các bài tập không chỉ cải thiện thể chất mà còn giảm căng thẳng, lo âu và trầm cảm – các triệu chứng phổ biến ở người mắc bệnh mạn tính như bệnh hạch nền.

roi-loan-van-dong4-480x270

Tập luyện giúp người bệnh hạch nền cải thiện rối loạn vận động như tình trạng run tay…

2. Một số bài tập cho người mắc bệnh hạch nền

2.1. Tập hít thở và thư giãn

Người bệnh hạch nền có thể thực hành hít thở sâu, việc hít thở sâu sẽ đem lại nhiều tác dụng cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cho người bệnh, có thể thực hành nhiều lần trong ngày.

Bên cạnh việc hít thở sâu, người bệnh cũng có thể thực hiện căng và thả lỏng từng nhóm cơ trên cơ thể, bài tập này rất có hiệu quả trong việc thư giãn cơ bắp.

2.2. Bài tập kéo giãn cơ

Bài tập kéo giãn cơ được chia thành bài tập kéo giãn tĩnh và bài tập kéo giãn động.

Bài tập kéo giãn tĩnh là bài tập được thực hiện bằng cách giữ nguyên một tư thế kéo giãn trong thời gian 15-30 giây, thường thực hiện ở các nhóm cơ lớn như cơ chân, cơ đùi, cơ lưng, trong lúc này cơ bắp được kéo giãn một cách từ từ và nhẹ nhàng, qua đó giảm căng cứng cho các nhóm cơ này.

Bài tập kéo giãn động được thực hiện bằng cách đưa tay, chân di chuyển chậm rãi, vượt qua các biên độ vận động, tăng dần phạm vi vận động qua mỗi lần tập, từ đó cải thiện độ linh hoạt của các cơ, khớp.

2.3. Bài tập tăng sức mạnh cơ

Có nhiều bài tập có tác dụng tăng sức mạnh cơ. Đối với người mắc bệnh hạch nền có thể thực hiện bài tập ngồi xuống và đứng lên.

Chẳng hạn ngồi xuống ghế từ tư thế đứng, sau đó đứng lên từ ghế mà không dùng tay hỗ trợ; hoặc thực hiện bài tập nâng chân thẳng khi nằm ngửa bằng cách nâng một chân lên giữ trong vài giây rồi hạ xuống, đổi chân và lặp lại nhiều lần.

2.4. Các bài tập thăng bằng

Bài tập đứng một chân: Người bệnh tiến hành giữ thăng bằng trên một chân trong một khoảng thời gian. Với bài tập này người bệnh có thể sử dụng ghế hoặc tường để hỗ trợ.

Bài tập đi trên đường thẳng: Vạch sẵn một đường thẳng, người bệnh đi bộ trên đường thẳng đó, cố gắng giữ đầu gối mềm mại và mắt nhìn thẳng.

nham-mat-dung-mot-chan-640

Thực hiện bài tập đứng một chân cải thiện khả năng giữ thăng bằng cho người bệnh hạch nền.

2.5. Các bài tập tăng cường phối hợp

Bài tập vẽ hình trong không khí: Người bệnh dùng ngón tay hoặc chân vẽ các hình đơn giản để cải thiện khả năng điều phối.

Bài tập đập bóng: Dùng hai tay đập bóng xuống sàn rồi bắt lại, sau đó thay đổi giữa tay phải và tay trái.

2.6. Tập luyện với các công cụ hỗ trợ

Người bệnh hạch nền có thể sử dụng thêm các công cụ hỗ trợ như bóng tập, dây kháng lực, xe đạp cố định… để thực hiện các bài tập nhằm tăng cường vận động và sức bền.

bai-tap-bung-voi-day-khang-luc1

Người bệnh hạch nền có thể sử dụng dây kháng lực để tăng cường vận động.

3. Lưu ý khi vận động đối với người bệnh hạch nền

Mỗi bài tập phải được thiết kế phù hợp với tình trạng sức khỏe cụ thể và được giám sát bởi chuyên gia để đạt hiệu quả tối ưu.

Trước khi bắt đầu tập luyện, cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để đánh giá mức độ tổn thương và khả năng vận động của cơ thể. Tùy thuộc vào triệu chứng cụ thể như run, cứng cơ hoặc mất cân bằng, bài tập sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Bắt đầu từ mức độ nhẹ, tăng dần theo khả năng của cơ thể. Nên khởi động với các bài tập đơn giản, cường độ thấp để cơ thể làm quen, sau đó tăng dần theo khả năng.

Chia nhỏ thời gian tập luyện thành nhiều lần trong ngày (15-20 phút mỗi lần). Không nên tập liên tục trong thời gian dài.

Đối với người bệnh hạch nền tư thế sai trong tập luyện có thể gây căng thẳng không cần thiết lên cơ bắp và khớp. Để duy trì tư thế đúng, người bệnh nên tập trước gương hoặc dưới sự hướng dẫn của chuyên gia.

16-mon-the-thao-nhe-nhang-cho-voc-dang-thon-gon-4-800x450

Người bệnh hạch nền nên bắt đầu từ từ với các bài tập nhẹ nhàng.

Cách tập không gây hại sức khỏe:

Tránh các bài tập đòi hỏi kỹ năng phức tạp hoặc động tác nhanh, dễ gây té ngã; có thể sử dụng công cụ hỗ trợ như gậy, ghế hoặc dây đai để đảm bảo an toàn trong quá trình tập.

Tránh tập luyện quá sức, điều này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hoặc gây chấn thương, nếu có dấu hiệu như đau, chóng mặt, mệt mỏi quá mức hoặc mất thăng bằng, cần dừng tập ngay và thông báo cho chuyên gia.

Hiệu quả của tập luyện không đến ngay lập tức vì vậy người bệnh cần kiên trì thực hiện trong thời gian dài để cảm nhận sự cải thiện.

Mời bạn xem tiếp video:

Đi khám định kỳ, người đàn ông bất ngờ phát hiện 27 hạch ở cổ, 15 ác tính.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *