Lọc máu liên tục, thay huyết tương cứu sống cháu bé 12 tuổi nguy kịch

Chiều 3/4, trao đổi với Báo Sức khỏe & Đời sống, BSCKI Lê Phước Đức, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc (Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị) cho biết, sau thời gian điều trị tích cực, cháu bé bị sốc nhiễm khuẩn, viêm màng ngoài tim, viêm màng phổi do tụ cầu vàng biến chứng suy đa tạng được cho ra viện.

Trước đó, ngày 30/1, khoa Hồi sức tích cực Chống độc tiếp nhận bệnh nhi H.X.N. (12 tuổi, quê ở xã Linh Trường, huyện Gio Linh, Quảng Trị) vào viện trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp, suy tuần hoàn, tổn thương nhiều cơ quan, rối loạn đông chảy máu, tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch tràn khí màng phổi.

Lọc máu liên tục, thay huyết tương cứu sống cháu bé 12 tuổi nguy kịch- Ảnh 1.

Kỹ thuật lọc máu và thay huyết tương lần đầu được áp dụng ở trẻ em tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị giúp bệnh nhi hồi phục.

Trước khi nhập viện 1 tuần, bệnh nhi có biểu hiện nóng đỏ, đau cẳng chân phải, khó thở, đau ngực, sốt cao.

Kết quả cấy máu, cấy dịch màng tim, dịch màng phổi đều cho thấy nhiễm khuẩn do tụ cầu vàng. Các bác sĩ nhận định, cháu bé bị sốc nhiễm khuẩn, viêm màng ngoài tim, viêm màng phổi do tụ cầu vàng biến chứng suy đa tạng.

BSCKI Lê Phước Đức cho biết, đây là bệnh lý nhiễm khuẩn nặng với tổn thương nhiều cơ quan và tiên lượng nguy cơ tử vong rất cao. Trong khi gia đình bệnh nhi hết sức lo lắng, phần vì bệnh nặng, phần do hoàn cảnh khó khăn, không đủ chi phí điều trị.

Với tinh thần lương y như từ mẫu, hết lòng vì người bệnh, các y bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật lọc máu và thay huyết tương để cứu sống bệnh nhi. Ngoài ra, các bác sĩ cũng huy động nguồn hỗ trợ đóng góp từ trong khoa và cộng đồng để đồng hành cùng gia đình và cháu bé trong hơn 2 tháng điều trị“, BSCKI Lê Phước Đức nói.

Theo BSCKI Lê Phước Đức, kỹ thuật lọc máu và thay huyết tương được triền khai tại bệnh viện giúp cứu sống nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên áp dụng kỹ thuật này ở trẻ em với kết quả mang lại đó là sự hồi sinh của người bệnh, niềm vui của gia đình và thầy thuốc.

Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc (Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị) cho biết thêm, đối với sốc nhiễm khuẩn, viêm màng ngoài tim, viêm màng phổi do tụ cầu vàng biến chứng suy đa tạng, đường vào xuất phát từ viêm nhiễm vùng cẳng chân bên phải.

Lọc máu liên tục, thay huyết tương cứu sống cháu bé 12 tuổi nguy kịch- Ảnh 2.

Sau 60 ngày được điều trị tích cực, cháu bé đã hồi phục trở về gia đình.

Trong đời sống, tụ cầu vàng có tên khoa học là Staphylococcus aureus. Vi khuẩn tụ cầu vàng có thể sống ký sinh trên da và niêm mạc sau đó xâm nhập vào cơ thể người thông qua lỗ chân lông, các tuyến dưới da và nang lông, hoặc thông qua các vết thương.

Trên một số đối tượng đặc biệt như suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng, suy dinh dưỡng… tụ cầu vàng có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng nặng và nguy hiểm đến tính mạng.

Để phòng ngừa nhiễm khuẩn tụ cầu vàng, mọi người cần thường xuyên vệ sinh cá nhân, tắm rửa sạch sẽ, đặc biệt vệ sinh tay, vệ sinh mũi miệng họng. Giữ sạch môi trường sống, sinh hoạt khoa học, nâng cao sức khỏe, sức đề kháng…

Nữ bệnh nhân khốn khổ 3 năm sưng đau khớp, tăng huyết áp, suy thận phải lọc máu chỉ vì Lupus ban đỏNữ bệnh nhân khốn khổ 3 năm sưng đau khớp, tăng huyết áp, suy thận phải lọc máu chỉ vì Lupus ban đỏ

SKĐS – Hơn 3 năm khốn khổ chạy chữa khắp nơi vì đủ thứ bệnh, chị N.T.H. (28 tuổi, Hà Nội) mới biết tất cả các bệnh của mình là do Lupus ban đỏ hệ thống gây ra.

Xem thêm video đang được quan tâm:

10 lý do bạn nên ăn trứng gà vào buổi sáng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *