Trong chương trình làm việc tại Sơn La của Bộ Y tế từ 3-5/4, được sự ủy quyền của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Giám đốc dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến y tế cơ sở” và đoàn công tác của Ban quản lý dự án Trung ương đã kiểm tra, giám sát việc triển khai hạng mục công trình đầu tư xây dựng trạm y tế xã Phiềng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.
Đây là 1 trong 40 trạm y tế trên địa bàn tỉnh Sơn La được xây dựng mới bằng nguồn kinh phí của dự án.
Tiếp và làm việc với đoàn công tác Bộ Y tế, về phía ngành y tế Sơn La có ông Trần Đắc Thắng – Giám đốc Sở Y tế Sơn La, các đồng chí trong ban giám đốc và các phòng ban liên quan.
Trò chuyện với đoàn công tác Bộ Y tế, chị Điêu Thị Thủy – 43 tuổi ở cách Trạm Y tế xã Phiềng Khoài hơn 2km cho biết chị đã theo dõi và uống thuốc tăng huyết áp theo chỉ định 2 năm nay tại Trạm. Tuy nhiên, lần đến đo huyết áp và lấy thuốc này chị Thủy được thăm khám trong khuôn viên mới của Trạm với phòng khám rộng rãi, khu vực chờ nhận thuốc có ghế ngồi và quạt mát.
“Tôi thấy Trạm Y tế mới rộng rãi, sạch đẹp và thoáng mát. Tôi và bệnh nhân khác vừa nói chuyện đều rất vui khi từ nay được thăm khám, theo dõi sức khỏe ở cơ sở khang trang”- chị Thủy nói.
Báo cáo với đoàn công tác, BS Vũ Huy Thông – Trưởng Trạm y tế Phiềng Khoài cho biết, trạm có 10 cán bộ y tế, trong đó có 2 bác sĩ và 1 dược sĩ đại học phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho 12.000 hộ dân sinh sống trên địa bàn xã. Trung bình mỗi ngày trạm đón tiếp thăm khám khoảng hơn 20 bệnh nhân, chủ yếu là các bệnh thông thường. Trạm hiện đang theo dõi và cấp phát thuốc cho 256 bệnh nhân tăng huyết áp.
Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng trên địa bàn khá cao, trong thời gian qua khi được cung ứng vaccine tiêm chủng mở rộng, cán bộ của trạm và nhân viên y tế thôn bản đã ‘đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng’ để mời, nhắc bà con đưa trẻ trong độ tuổi đến tiêm nhắc, tiêm bổ sung…
Theo BS Thông, công trình trạm y tế mới được xây dựng với diện tích 350m2/sàn, tổng 2 tầng có 15 phòng, trong đó có 9 phòng phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh. “Nhờ trạm y tế mới người dân đến thăm khám có quạt mát, ghế ngồi tại khu vực chờ khám; các phòng khám, phòng theo dõi sau tiêm chủng, phòng lưu bệnh trong ngày đều rộng rãi…, cùng đó y bác sĩ làm việc cũng đỡ vất vả hơn, không còn chật chội như trạm cũ”- BS Thông nói.
Tuy nhiên, trưởng Trạm y tế xã Phiềng Khoài cho biết, hiện tại danh mục thuốc của trạm mới có 25 loại (trong khi tỉnh Sơn La phê duyệt 81 loại) và chỉ có 1 loại thuốc huyết áp. Cùng đó, BS Phong mong muốn có thêm máy siêu âm để phục vụ nhu cầu của bà con (hiện trạm có bác sĩ làm được siêu âm) và BHYT thanh toán cho kỹ thuật này tại trạm.
Ngoài ra, ông Phong cũng như nhiều cán bộ y tế khác đang công tác tại đây đều bày tỏ mong muốn cơ chế tài chính cho y tế cơ sở đổi mới để có thêm nguồn thu, nâng cao đời sống của cán bộ y tế.
Liên quan đến danh mục thuốc, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng đề nghị tỉnh nghiên cứu, có cơ chế nâng số thuốc trong danh mục của trạm y tế lên, trong đó đặc biệt thuốc huyết áp tối thiểu cũng phải có 2 loại.
“Chúng tôi đã đi kiểm tra, giám sát một số trạm ở địa phương khác có nơi có đến 4 loại thuốc huyết áp. Có như thế mới quản lý, theo dõi thêm được nhiều người bệnh tăng huyết áp trên địa bàn, vừa giúp người dân đỡ vất vả đến Trung tâm y tế huyện (cách trạm hơn 40km)”- PGS.TS Phan Lê Thu Hằng nói.
Đánh giá cao ngành y tế Sơn La đã quan tâm tạo điều kiện cho Trạm y tế xã Phiềng Khoài có đến 2 bác sĩ và 1 dược sĩ đại học, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng cho rằng “không phải trạm y tế nào ở vùng khó khăn cũng có bác sĩ tại chỗ, thường là bác sĩ cơ hữu về làm việc. Đây là thuận lợi rất lớn trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn”.
PGS Thu Hằng cũng thông tin thêm, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về số 25-CT/TW về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, trong đó có đề cập đến tài chính y tế và Bộ Y tế cũng đang xây dựng hướng dẫn về đổi mới cơ chế tài chính cho y tế cơ sở.
“Như vậy tuyến y tế cơ sở sẽ được quan tâm, đổi mới về tài chính, tuy nhiên bản thân trạm y tế cũng phải nỗ lực để thu hút người dân đến khám chữa bệnh, có nguồn thu BHYT như thế mới có tài chính bền vững cho chăm sóc sức khỏe ban đầu”- PGS.TS Phan Lê Thu Hằng nói.
Về đề xuất liên quan đến mua sắm, đầu tư trang thiết bị, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng giao các chuyên gia tham gia đoàn công tác thuộc Ban Quản lý Dự án Trung ương phối hợp với Ban Quản lý Dự án của tỉnh để có giải pháp thực hiện phù hợp quy định.