Trước đó, ngày 09/12, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh tiếp nhận anh N.V.L. (38 tuổi) trong tình trạng ngừng tuần hoàn ngoại viện do vết thương thủng phổi gây mất máu nghiêm trọng.
Ngay khi tiếp nhận người bệnh, đội ngũ y bác sĩ tại Khoa Thường trực Cấp cứu đã kích hoạt báo động đỏ toàn bệnh viện, huy động ê-kíp cấp cứu và các khoa/phòng có liên quan tổ chức cấp cứu, ép tim ngoài lồng ngực, đặt đường truyền, huy động khẩn cấp chế phẩm máu. 10 phút trôi qua nghẹt thở, tim người bệnh bắt đầu đập trở lại.
Các bác sĩ đã kích hoạt báo động đỏ toàn bệnh viện để cấp cứu bệnh nhân.
Người bệnh được chuyển thẳng vào phòng mổ trong tình trạng nguy kịch, đánh giá ban đầu cho thấy một vết thương dài 7 cm ở vị trí sườn 6 bên phải, gây đứt sụn sườn 5 và 6, với tỷ lệ sống sót rất thấp, khoảng dưới 5%.
Trước tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” các bác sĩ tiến hành mở ngực khẩn cấp, phát hiện khoảng 3 lít máu cục và máu không đông đã tràn kín khoang màng phổi (chưa kể lượng máu chảy ra khá nhiều qua miệng vết thương ở hiện trường tai nạn).
BSCKII Ngô Nam Hải – Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện đa khoa TP Vinh cho biết, bệnh nhân bị vết thương xuyên thấu thùy giữa phổi phải vị trí rốn phổi, máu đang chảy ra nhiều từ động mạch và tĩnh mạch phổi bị đứt. Bằng sự nhanh chóng và chính xác trong vòng 3 phút ê-kíp phẫu thuật đã kiểm soát được điểm chảy máu. Cùng đó, bác sĩ quyết định cắt thùy giữa phổi phải. Với sự hỗ trợ của dụng cụ cắt khâu tự động kết hợp với truyền máu và các chế phẩm máu số lượng lớn ca phẫu thuật thành công.
Các bác sĩ tập trung tối đa cấp cứu, phẫu thuật cứu sống người bệnh.
Tuy nhiên, sau phẫu thuật, bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong rất cao do rối loạn đông máu, suy đa tạng, sốc nhiễm trùng sớm,… bệnh nhân được chuyển về theo dõi sát sao tại khoa Hồi sức Tích cực Chống độc.
Tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, người bệnh được truyền bổ sung 41 đơn vị máu và các chế phẩm máu (khoảng 11 lít), sử dụng tất cả máy móc, trang thiết bị hiện đại nhất phục vụ quá trình theo dõi, cấp cứu và điều trị, bao gồm: thăm dò huyết động bằng phương pháp hòa loãng nhiệt PICCO (đo D02 để đánh giá tình trạng cung cấp oxy, đo thể tích máu, cung lượng tim, các chỉ số đánh giá phù phổi, đánh giá đáp ứng dịch, giãn mạch ngoại vi,…); siêu lọc máu liên tục bằng quả lọc hấp phụ Cytokin.
Chiến lược điều chỉnh rối loạn đông máu và bảo vệ phổi được triển khai, góp phần ổn định toàn trạng người bệnh.
Người bệnh điều trị, hồi phục tại khoa Hồi sức tích cực chống độc.
“Đây là một ca bệnh khó với những diễn biến phức tạp, nguy kịch từ phẫu thuật đến hồi sức tích cực, toàn bộ ê-kíp đã đưa ra những phương án điều trị kịp thời, theo dõi sát từng chỉ số của người bệnh để giành lại sự sống. Để cứu sống được những ca bệnh như thế này các bác sĩ cần được đào tạo chuyên sâu, hệ thống trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, quan trọng nhất là sự phối hợp nhanh chóng, kịp thời giữa các chuyên khoa”, BSCKII Ngô Nam Hải thông tin.
Bệnh nhân N.V.L. hồi phục một cách kỳ diệu.
7 ngày sau ca phẫu thuật “sinh tử”, bệnh nhân N.V.L. hồi phục một cách kỳ diệu. Bệnh nhân được rút ống nội khí quản, chức năng gan thận hồi phục, các chỉ số sinh tồn dần trở lại bình thường.
Đây không chỉ là ca bệnh được cứu sống một cách ngoạn mục mà còn là minh chứng cho trình độ y khoa vượt trội và tinh thần trách nhiệm cao cả của đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa TP Vinh.