Sáng 25/12, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đinh Thị Thu Thủy cho biết, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Trong đó, tại điểm 2.2 đối với lĩnh vực y tế có nêu: “Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể“.
Sau khi Nghị quyết của Quốc hội được thông qua, Việt Nam chính thức trở thành quốc gia thứ 6 của khu vực ASEAN cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Theo bà Thuỷ, đây là sự kiện quan trọng và có ý nghĩa không chỉ với Việt Nam mà đối với cả quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức khác đều đã gửi thư chúc mừng.
Bà Thủy thông tin, về định hướng tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Y tế đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo đối với 2 nội dung.
Thứ nhất, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổ chức có liên quan dự thảo Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 173 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội. Kế hoạch này dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chậm nhất vào quý 1/2025.
Thứ hai, giao Bộ Y tế xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117 ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đại diện Vụ Pháp chế cho hay, hiện nay pháp luật đã quy định xử phạt hành chính và hình sự rõ ràng việc sản xuất, chứa chấp và vận chuyển hàng cấm.
Cụ thể, tại Điều 190 Bộ Luật Hình sự quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm, với mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Điều 191 quy định về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Tuy nhiên, đại diện Vụ Pháp chế cũng cho rằng, chưa có quy định pháp luật cũng như chế tài xử lý đối với hành vi sử dụng hàng cấm. Do đó, hiện chưa có quy định xử phạt đối với hành vi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
“Bộ Y tế đang đề xuất xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 117 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong đó, dự kiến bổ sung hành vi “chứa chấp”, “sử dụng” thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người”- đại diện Vụ Pháp chế thông tin.
Ngoài ra, để việc cấm các sản phẩm này có hiệu quả, Bộ Y tế kiến nghị cần tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng chức năng thực hiện thanh kiểm tra, xử phạt và tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
Cùng đó, mở rộng cơ sở cai nghiện theo hướng thân thiện, dễ tiếp cận và có hỗ trợ kinh phí cai nghiện từ nguồn của Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá. Xây dựng môi trường không khói thuốc để trẻ em và người dân được hưởng bầu không khí trong lành, không độc hại từ thuốc.
Tại hội thảo, ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho hay, tới đây Việt Nam cần tập trung vào ngăn chặn nguồn cung, ngăn việc nhập lậu, buôn bán và quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; tăng cường ngăn chăn tại các cửa khẩu cũng như tại các điểm bán.
Mức phạt với các hành vi vi phạm cần đủ cao, có tính răn đe; cần tập trung nhiều cho việc ngăn chặn buôn bán và quảng cáo trên mạng; có chiến dịch ra quân và duy trình mạnh mẽ, giống như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm và cấm uống rượu lái xe, kết hợp truyền thông nâng cao nhận thức, và sự vào cuộc đa ngành.
“Đồng thời, cũng cần có các cuộc khảo sát, đánh giá thường xuyên để theo dõi mức độ sử dụng và hiệu quả của việc thực thi quy định cấm”- ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm nói
Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2020 đến quý I/2024, công an cả nước phát hiện, xử lý 728 vụ/883 đối tượng liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (trong đó khởi tố do phạm tội về ma túy 162 vụ/ 299 đối tượng; khởi tố về tội buôn lậu 2 vụ/2 đối tượng; còn lại xử lý hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ.
Chỉ quý I/2024 đã phát hiện, bắt giữ gần bằng 1/2 của cả năm 2023, điều này cho thấy sự gia tăng nhanh chóng, báo động các vi phạm này. Năm 2023, có 1.224 người nhập viện do sử dụng thuốc lá mới.