Sụn chêm nằm lót giữa đầu dưới xương đùi và đầu trên xương chày, là hai tấm sụn có đặc tính bền, dai, đàn hồi gọi là sụn chêm. Có hai sụn chêm nằm ở phía trong và phía ngoài khớp, gọi là sụn chêm trong và sụn chêm ngoài. Các trường hợp sụn chêm đã bị cắt toàn bộ hoặc một phần sẽ khiến người bệnh phải đối mặt với nguy cơ thoái hóa khớp gối, do làm thay đổi phân bố lực tác động lên sụn khớp.
1. Vai trò của tập luyện với người bệnh chấn thương sụn chêm
Dù điều trị bằng phương pháp phẫu thuật hay không phẫu thuật thì chúng ta vẫn cần phải tập phục hồi cho khớp gối. Việc tập phục hồi sẽ quyết định 50% về việc người bệnh có đi lại được hay chơi thể thao lại sau chấn thương được hay không, vì khi rách sụn chêm người bệnh sẽ bị:
– Hạn chế vận động khớp gối.
– Các nhóm cơ ở chân sẽ bị teo.
– Mất cân bằng tư thế…
Để khớp gối và cơ thể quay lại thời điểm trước khi chấn thương, người bệnh cần phải tìm đến những cơ sở y tế cũng như bác sĩ, chuyên gia phục hồi chấn thương thể thao trị liệu và tập phục hồi.
Phục hồi chức năng là một quá trình hỗ trợ và tập luyện nhằm giảm thiểu tổn thất liên quan đến chấn thương cấp tính hoặc bệnh mạn tính, thúc đẩy phục hồi và tối đa hóa năng lực chức năng, thể lực, hiệu suất sau chấn thương.
Bài tập phục hồi chức năng sau chấn thương sụn chêm rất quan trọng.
Mục tiêu lớn nhất của phục hồi chức năng là hạn chế mức độ tổn thương, giảm hoặc đảo ngược tình trạng suy giảm và mất chức năng, đồng thời ngăn ngừa, sửa chữa hoặc loại bỏ hoàn toàn khuyết tật. Sau khi trải qua quá trình này, khả năng vận động và chơi thể thao phải tương đương như trước khi bị chấn thương.
Tập luyện phục hồi chức năng giúp bệnh nhân nhanh phục hồi khả năng vận động, đặc biệt tránh được các nguy cơ di chứng sau chấn thương hoặc phẫu thuật và tái hòa nhập cộng đồng.
2. Bài tập phục hồi cho người bệnh chấn thương sụn chêm
Bài tập phục hồi chức năng sau chấn thương sụn chêm rất quan trọng. Thời gian khoảng 1 tuần sau phẫu thuật rách sụn chêm người bệnh nên tập các bài tập phục hồi chức năng rách sụn chêm. Thời gian này vô cùng quan trọng, đóng vai trò to lớn trong việc phục hồi khả năng vận động khớp gối sau này.
2.1 Chườm lạnh
Giảm sưng là một can thiệp quan trọng trong quá trình phục hồi chức năng. Bệnh nhân có thể sử dụng chườm túi nước đá vào khớp gối, giúp kiểm soát cơn đau và sưng. Khi tổn thương có biểu hiện sưng, các bác sĩ sẽ có chương trình điều trị hoặc đề ra mức độ hoạt động để đảm bảo phục hồi an toàn, hiệu quả nhất.
Bệnh nhân được sử dụng băng nén, vớ hoặc máy nén ép, để hỗ trợ giảm hoặc ngăn ngừa tích tụ thêm phù nề (sưng). Đây như là một phần của phương pháp điều trị thường xuyên, các bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân cách sử dụng tại nhà.
2.2 Bài tập kéo dãn, vận động
Vật lý trị liệu có thể áp dụng bao gồm kéo dãn hoặc vận động chung. Các động tác co gối, duỗi thẳng có thể sẽ được áp dụng giúp giảm sưng, cứng khớp và khôi phục chức năng cơ quanh khớp gối.
Khoảng 2 – 6 tuần sau mổ bệnh nhân cần tập vật lý trị liệu nhằm mục đích bảo vệ khớp gối, hạn chế những động tác quá sức và nâng cao hiệu quả làm lành vết thương. Bên cạnh đó, mục tiêu là giúp bệnh nhân lấy lại tầm vận động khớp gối, nâng cao giới hạn gập gối và bắt đầu tập hồi phục sức mạnh của các nhóm cơ.
Khuyến khích người bệnh nâng chân lên khỏi mặt giường khi nằm. Người bệnh có thể đặt một gối mềm bên dưới khớp gối, sau đó cố gắng gồng cơ bắp để nâng chân thẳng lên, duy trì khoảng 5 giây rồi gập gối xuống.
Các bài tập cụ thể bao gồm:
– Bài tập gồng cơ đùi: Gồng cơ 20 lần, mỗi lần kéo dài khoảng 5 giây và mỗi ngày nên thực hiện 3 lần tập.
– Bài tập duỗi thẳng khớp gối, cố gắng giữ tư thế khoảng 5 phút và 3 lần/ngày.
Duỗi thẳng khớp gối.
– Bài tập nâng chân thẳng: Cách thực hiện là người bệnh nằm ngửa, co một chân, đặt bàn chân của chân kia bằng phẳng trên sàn, giữ chân kia thẳng, từ từ nâng lên cao rồi hạ xuống; Lặp lại bài tập này 10 – 15 lần, thực hiện tương tự với chân còn lại.
– Bài tập nâng bắp chân: Cần sự hỗ trợ của một chiếc hộp hoặc ghế hoặc dùng bậc cầu thang ở nhà. Cách thực hiện là người bệnh đứng thẳng đối diện với bậc thang. Lần lượt bước chân lên bậc thang, lần lượt bước chân xuống bậc thang. Thực hiện bài tập này khoảng 10 lần, sau đó dần tăng cường độ lên.
Nâng chân một bên.
– Bài tập nâng chân một bên: Giúp cải thiện tầm vận động cho khớp. Cách thực hiện là người bệnh nằm nghiêng trên sàn, duỗi hai chân thẳng; nâng một chân lên, tạo thành 1 góc khoảng 60 độ; hạ chân xuống từ từ, sau đó lại nâng chân lên; lặp lại bài tập này khoảng 5 – 10 lần rồi đổi bên.
3. Những lưu ý cần thiết khi tập luyện với người bệnh
Trong quá trình vận động giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể cần phải sử dụng các thiết bị hỗ trợ như nạng, gậy hoặc xe tập đi trong thời gian ngắn. Các kỹ thuật viên vật lý trị liệu sẽ đưa ra các khuyến nghị về thiết bị nào là tốt nhất cho bệnh nhân và sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách sử dụng đúng cách.
Bác sĩ vật lý trị liệu sẽ thiết kế các bài tập giúp phục hồi toàn bộ cử động đến khớp gối, xây dựng và duy trì sức mạnh trong quá trình hồi phục. Bệnh nhân sẽ được cung cấp một chương trình tập luyện tại nhà, nhằm tăng cường sức mạnh cơ quanh khớp gối và khắp chân giúp giảm áp lực lên các mô khớp gối đang lành.
Điều quan trọng nhất trong phục hồi chức năng là không để chấn thương tiến triển xấu đi trong quá trình tập luyện. Việc tập phục hồi chức năng nếu thực hiện không chính xác hoặc không có sự theo dõi từ kỹ thuật viên có chuyên môn, có thể làm trầm trọng thêm chấn thương và làm ảnh hưởng tới khả năng vận động về sau.
Phần tập luyện trị liệu của chương trình phục hồi chức năng nên bắt đầu sớm, tùy thuộc vào thể trạng và tình trạng chấn thương. Thời gian nghỉ ngơi và tập luyện cần được sắp xếp hợp lý, nghỉ ngơi sau chấn thương là điều cần thiết, tuy nhiên nghỉ ngơi quá nhiều có thể không tốt cho quá trình hồi phục.
Tuân thủ phác đồ phục hồi chấn thương là điều bắt buộc đối với mỗi người bệnh. Để cải thiện người bệnh cần kiên trì tập luyện, tái khám và thường xuyên trao đổi với bác sĩ điều trị cùng với kỹ thuật viên hướng dẫn tập vật lý trị liệu để có một quá trình phục hồi hiệu quả.
Mời bạn xem thêm video:
Người bị thoái hóa khớp gối cần làm gì để bệnh không nặng thêm