Theo dữ liệu cho thấy, cứ 5.000 trẻ em thì có khoảng 1 trẻ em dậy thì sớm. Các nghiên cứu cho thấy rằng, trung bình trẻ em bắt đầu dậy thì sớm hơn trước đây. Có thể sự gia tăng béo phì ở trẻ đóng vai trò nào đó?
1. Tại sao trẻ béo phì lại dễ bị dậy thì sớm?
Tuổi dậy thì là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời con người. Trong giai đoạn này, mọi người trải qua quá trình chuyển đổi từ trẻ em thành người lớn, đạt được cả sự phát triển về thể chất và sự trưởng thành về sinh sản.
Đối với bé trai, sự phát triển bộ phận sinh dục, phát triển lông mu và giọng nói bị vỡ được coi là những cột mốc dậy thì quan trọng. Đối với bé gái, sự phát triển ngực, lông mu và sự xuất hiện kinh nguyệt là những đặc điểm chính trong giai đoạn dậy thì.
Có một xu hướng phổ biến hiện nay tỷ lệ dậy thì sớm đang gia tăng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở trẻ em gái. Dậy thì sớm là yếu tố nguy cơ không lành mạnh về thể chất và tâm lý sau này.
Dậy thì sớm do nhiều nguyên nhân hay yếu tố nguy cơ khác nhau gây ra. Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ đáng kể giữa dậy thì sớm và béo phì. Trên thực tế, trẻ béo phì có nguy cơ cao bị dậy thì sớm hơn so với trẻ có cân nặng bình thường. Điều đó có thể do một số nguyên nhân:
Leptine: Leptin là một loại hormone kích thích yếu tố tăng trưởng, tạo ra bởi các tế bào chất béo. Leptin dường như đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sự thèm ăn, vóc dáng và khả năng sinh sản. Các tế bào mỡ của chúng ta tạo ra leptin. Càng nhiều mỡ, cơ thể càng có nhiều leptin.
Trẻ bị thừa cân, béo phì sẽ có nồng độ leptin cao hơn so với trẻ bình thường, gây kích thích tuyến yên sản xuất hormone sinh dục, từ đó dẫn đến dậy thì sớm.
Insulin: Béo phì thường đi kèm với tình trạng kháng insulin. Sự thay đổi trong quá trình chuyển hóa insulin cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình dậy thì.
Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác như: di truyền, môi trường sống, chế độ ăn uống cũng có thể góp phần làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ béo phì.
2. Những ảnh hưởng của dậy thì sớm ở trẻ béo phì
Ảnh hưởng đến tâm lý: Trẻ dậy thì sớm thường có những thay đổi về tâm lý, dễ bị căng thẳng, lo lắng, thậm chí trầm cảm. Theo BSCKI Hoàng Hường, chuyên Sản phụ khoa, dậy thì sớm phổ biến ở trẻ gái hơn so với bé trai. Dậy thì sớm có thể gây khó khăn cho trẻ về tâm lý, tinh thần.
Trẻ trai có thể hay gây gổ nhiều hơn. Ngoài ra, những trẻ này mặc dù dậy thì sớm về sinh lý nhưng tâm lý lại không phát triển nên rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng quấy rối tình dục.
Những trẻ gái trưởng thành sớm có thể mặc cảm và tỷ lệ trầm cảm, rối loạn tâm lý và rối loạn ăn uống cao hơn. Các trẻ gái dậy thì sớm có thể xấu hổ hoặc ngượng về những thay đổi thể chất của mình so với bạn bè cùng trang lứa dẫn đến cách cư xử của trẻ cũng thay đổi, buồn rầu và dễ cáu…
Ảnh hưởng đến thể chất: Dậy thì sớm có thể khiến trẻ phát triển xương khớp nhanh hơn nhưng thường dẫn đến chiều cao khi trưởng thành bị hạn chế.
Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản: Dậy thì sớm có thể gây ra các vấn đề về kinh nguyệt ở bé gái, ảnh hưởng khả năng sinh sản về sau.
Tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính: Trẻ béo phì dậy thì sớm có nguy cơ cao mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch…
3. Làm gì để phòng tránh dậy thì sớm ở trẻ béo phì?
Kiểm soát cân nặng: Giúp trẻ duy trì cân nặng hợp lý thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và tăng cường hoạt động thể chất thường xuyên.
Chế độ ăn uống: Hạn chế đồ ăn nhanh, đồ ngọt, thức uống có gas, tăng cường ăn rau xanh, trái cây, các loại hạt. Nghiên cứu cho thấy, chế độ dinh dưỡng không cân đối, lượng chất béo dư thừa trong cơ thể làm thay đổi mức độ hormone thúc đẩy thời gian dậy thì.
Việc tiếp xúc với các hóa chất gây rối loạn nội tiết như các hóa chất tổng hợp được tìm thấy trong nhựa, thuốc trừ sâu và các hóa chất công nghiệp khác có tác dụng ức chế hoặc thay đổi hoạt động của các hormone tự nhiên. Các hóa chất này tích tụ trong các mô mỡ của động vật. Tiêu thụ lượng protein động vật và thịt cao có thể thúc đẩy tăng trưởng đẩy nhanh quá trình dậy thì.
Bên cạnh đó, chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh cũng có thể gây rối loạn sự phát triển thể chất bình thường.
Để phòng ngừa dậy thì sớm, theo BS. Hoàng Hường, cha mẹ cần lưu ý chế độ dinh dưỡng của trẻ cần đủ chất, cân đối các nhóm thực phẩm. Hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh có chứa phụ gia, chất béo xấu, chất tạo màu như: đồ hộp, đồ ngọt, béo, thức ăn nhiều dầu mỡ…
Khi trẻ được chẩn đoán dậy thì sớm thì việc điều trị kết hợp giáo dục tâm lý lứa tuổi là điều cần thiết. Nếu nguyên nhân gây dậy thì sớm là bệnh lý thì cần phải điều trị.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Điểm mặt những thực phẩm có thể gây dậy thì sớm ở trẻ.