1. Vai trò của tập luyện đối với người mắc Hội chứng đuôi ngựa
Khi Hội chứng đuôi ngựa xuất hiện, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như đau lưng dưới dữ dội, tê liệt hoặc yếu cơ ở chân, rối loạn tiểu tiện như khó tiểu, tiểu không kiểm soát, mất cảm giác vùng bìu hoặc vùng hậu môn và có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát ruột.
Nguyên nhân chính của Hội chứng đuôi ngựa thường là do thoát vị đĩa đệm cột sống, chấn thương, nhiễm trùng hoặc khối u chèn ép…
Đây là một tình trạng cấp cứu cần được điều trị kịp thời. Nếu không can thiệp sớm, tổn thương thần kinh có thể dẫn đến mất chức năng vĩnh viễn, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Phương pháp điều trị chính là phẫu thuật, nhằm giải nén các dây thần kinh bị chèn ép, như trong trường hợp thoát vị đĩa đệm hoặc khối u. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể cần điều trị phục hồi chức năng, bao gồm vật lý trị liệu để cải thiện khả năng vận động và phục hồi cảm giác. Trong một số trường hợp, điều trị hỗ trợ như thuốc giảm đau, thuốc chống viêm để giảm các triệu chứng.
Sau khi phẫu thuật hoặc điều trị nội khoa, bệnh nhân cần trải qua một quá trình phục hồi chức năng, trong đó việc tập luyện là yếu tố then chốt. Tập luyện giúp cải thiện khả năng vận động, giảm yếu cơ và khôi phục khả năng kiểm soát các chức năng như tiểu tiện và đại tiện.
Các bài tập thể dục tập trung vào tăng cường sức mạnh cơ bắp, cải thiện sự linh hoạt và phối hợp giữa các nhóm cơ, có thể giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng. Ví dụ, các bài tập kéo giãn, nâng hông và tập cơ lõi có thể giúp giảm đau lưng dưới, hỗ trợ ổn định cột sống.
Ngoài ra, tập luyện cũng giúp giảm nguy cơ co cứng cơ và các vấn đề liên quan đến sự mất cân bằng cơ thể, đồng thời giảm nguy cơ tái phát các triệu chứng do chèn ép thần kinh.
2. Một số bài tập tốt nhất cho người mắc Hội chứng đuôi ngựa
2.1 Bài tập kéo giãn lưng dưới (tư thế em bé)
– Cách thực hiện:
+ Quỳ trên mặt sàn với hai đầu gối rộng bằng hông, hai bàn chân khép lại và ngồi lên gót chân.
+ Từ từ cúi người về phía trước, sao cho trán chạm đất, duỗi thẳng hai tay về phía trước trên mặt sàn.
+ Giữ tư thế này trong 30 giây đến 1 phút, hít thở sâu và thư giãn cơ thể, đặc biệt là vùng lưng dưới.
+ Từ từ trở lại tư thế quỳ và ngồi lên gót chân.
– Tác dụng: Động tác kéo giãn nhẹ nhàng này giúp giảm đau cho những người bị đau do tổn thương thần kinh, đồng thời làm dịu các triệu chứng của Hội chứng đuôi ngựa như tê bì, mất cảm giác và yếu cơ. Tư thế này cũng giúp giảm căng thẳng cho các cơ quanh vùng chậu và đùi, hỗ trợ cải thiện tuần hoàn máu trong khu vực này.
2.2 Bài tập giúp giãn cơ lưng và cột sống (tư thế bò – mèo)
– Cách thực hiện:
+ Bắt đầu ở tư thế chống hai tay và đầu gối trên sàn.
+ Khi hít vào, nâng đầu và ngực lên, đẩy bụng xuống dưới, lưng võng xuống như hình con bò.
+ Khi thở ra, cúi đầu, uốn cong lưng lên trời như con mèo.
+ Lặp lại 5-10 lần, hít thở đều đặn.
– Tác dụng: Bài tập này kích thích tuần hoàn máu đến các vùng cơ lưng và cột sống, giúp cung cấp dưỡng chất cho các tế bào và cải thiện sự phục hồi các tế bào thần kinh đám rối đuôi ngựa. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc giảm viêm, hỗ trợ quá trình chữa lành các tổn thương thần kinh ở những người mắc Hội chứng đuôi ngựa; đồng thời bài tập này cũng làm tăng sự linh hoạt và độ dẻo dai của cột sống, giúp giảm cứng cơ, tăng cường khả năng di chuyển cho người bệnh.
2.3 Bài tập ngồi vặn mình
– Cách thực hiện:
+ Ngồi duỗi thẳng cả hai chân, sau đó gập chân trái lại.
+ Đặt bàn chân trái bên ngoài đầu gối phải, giữ lưng luôn thẳng.
+ Thả cánh tay phải sang bên đầu gối trái.
+ Tay trái chống xuống phía sau làm trụ để xoay thân người sang trái.
+ Hít thở vài nhịp rồi đổi bên làm tương tự.
+ Thực hiện bài tập 10 – 15 lần.
– Tác dụng: Bài tập này giúp tăng cường cơ vùng lưng và bụng, giúp giảm thiểu các chấn thương do sự mất thăng bằng khi di chuyển, đặc biệt quan trọng đối với người mắc Hội chứng đuôi ngựa gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng, kiểm soát cơ thể; hoặc teo cơ do hạn chế vận động. Bài tập này giúp giữ cho cơ thể linh hoạt, giảm thiểu nguy cơ teo cơ.
2.4 Bài tập nâng hông (cây cầu)
– Cách thực hiện:
+ Nằm ngửa trên thảm tập, hai đầu gối cong và bàn chân đặt trên mặt sàn, rộng bằng hông.
+ Đặt tay xuôi theo cơ thể, lòng bàn tay úp xuống sàn.
+ Hít vào và từ từ nâng vùng hông lên khỏi mặt sàn, ép cơ mông và cơ bụng lại, tạo thành một đường thẳng từ đầu gối đến vai. Giữ tư thế này trong khoảng 5-10 giây.
+ Thở ra và từ từ hạ hông xuống, trở lại tư thế ban đầu.
+ Thực hiện bài tập từ 10-15 lần, mỗi lần nâng giữ trong 5-10 giây.
– Tác dụng: Khi thực hiện động tác nâng hông, cơ mông và cơ bụng được kích hoạt, giúp giảm bớt căng thẳng và áp lực lên các đĩa đệm, dây thần kinh trong vùng thắt lưng, giúp làm giảm các triệu chứng tê bì và đau do Hội chứng đuôi ngựa. Bên cạnh đó, động tác này còn có tác dụng làm tăng sự ổn định cho vùng chậu, cơ hông, giúp kiểm soát tốt hơn các chuyển động của cơ thể và giảm thiểu đau hoặc khó khăn khi di chuyển.
3. Những lưu ý khi tập luyện
– Thực hiện 5-10 phút khởi động nhẹ nhàng trước khi tập để làm nóng cơ thể và giảm nguy cơ chấn thương.
– Bắt đầu với bài tập nhẹ nhàng, tăng dần thời gian và tăng cường một cách chậm rãi, không ép cơ thể để tránh gây áp lực không cần thiết lên cột sống.
– Thực hiện các động tác một cách chậm rãi, nhẹ nhàng để không làm tăng áp lực lên vùng cột sống thắt lưng. Tránh việc uốn cong quá mức nếu cảm thấy đau.
– Kết hợp thời gian nghỉ giữa các bài tập để cơ bắp và hệ thần kinh có thời gian phục hồi.
– Nên tập vào lúc cơ thể thoải mái nhất, tránh tập khi quá mệt mỏi hoặc đau đớn.
– Đang ốm mà tập luyện có thể làm tăng đau hoặc căng thẳng ở vùng cột sống hoặc rễ thần kinh. Vì vậy, khi đang ốm, thay vì tập luyện, nên nghỉ ngơi và ưu tiên các hoạt động thư giãn nhẹ nhàng như tập thở sâu, đi bộ chậm…
– Bên cạnh việc tập luyện, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp, giúp bệnh nhanh hồi phục.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Chuyên gia lý giải nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7 và cách phòng ngừa | SKĐS