Vị trí, vai trò của ngành Y tế
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn cán bộ ngành Y tế: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”. “Lương y phải như từ mẫu”.
Thấm nhuần lời dạy của Người; những năm qua, ngành Y tế đã nỗ lực phấn đấu, không quản gian khổ, hy sinh, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, ngày càng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít các nước có mạng lưới y tế hoàn chỉnh tới tận thôn, bản, bảo đảm cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản cho mọi người dân. Nhiều bác sỹ của Việt Nam được bạn bè, đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao; đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật khó, điều trị được nhiều bệnh hiểm nghèo, tiếp cận và làm chủ được hầu hết các kỹ thuật y học tiên tiến trên thế giới. Những thành tựu y học của ngành Y tế Việt Nam về tim mạch can thiệp, phẫu thuật nội soi, vi phẫu, ghép tạng, ghép chi, … đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đang phát triển có tốc độ ứng dụng và đổi mới kỹ thuật y học trong thực hành lâm sàng nhanh nhất trên thế giới.
Lĩnh vực y tế dự phòng cũng ngày càng phát triển, ngăn chặn được các bệnh dịch nguy hiểm, kiểm soát được bệnh lao, sốt rét, HIV/AIDS, …, thanh toán được bệnh phong, loại trừ bại liệt, uốn ván sơ sinh, vệ sinh an toàn thực phẩm, rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe… Các chỉ số sức khỏe của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện. Những người yếu thế như người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật… đều được hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế.
Đặc biệt, đại dịch COVID-19 xuất hiện, lây lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chúng ta đã chứng kiến những nghĩa cử cao cả, đẹp đẽ, những đức hy sinh, những trái tim nhiệt huyết, những tấm lòng nhân ái tỏa sáng… của đội ngũ bác sỹ, cán bộ và nhân viên y tế, trên cả nước. Hình ảnh những cán bộ y tế trong bộ quần áo bảo hộ kín mít, đêm quên ngủ, ngày quên ăn, tận tâm, tận lực với công việc đã ghi sâu vào tâm trí của nhiều người Việt Nam; Họ thực sự là những “từ mẫu” của nhân dân, không chỉ có trái tim nhân ái, tấm lòng nhân hậu mà còn có nghị lực kiên cường, sự chịu đựng bền bỉ, dẻo dai thật phi thường, đáng ghi nhận, khâm phục; Họ xứng đáng được tôn vinh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích, kết quả đã đạt được, thì ngành Y tế vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là: nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, sự thay đổi về mô hình bệnh tật với gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm, tai nạn, thương tích; một số dịch bệnh mới, bệnh lạ xuất hiện và phức tạp, khó lường; các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe liên quan đến môi trường, lối sống, biến đổi khí hậu,… chưa được kiểm soát tốt. Sự chênh lệch khá lớn về các chỉ số sức khỏe giữa các vùng, miền và giữa các nhóm dân cư. Tình trạng sức khỏe nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn một số bất cập, đặc biệt là các chỉ số về tỷ lệ tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng… Việc cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa đáp ứng được yêu cầu; năng lực cung ứng dịch vụ điều trị của các cơ sở y tế tuyến huyện, xã hạn chế dẫn đến quá tải ở bệnh viện tuyến trên; việc triển khai chương trình phòng, chống bệnh không lây nhiễm vẫn còn hạn chế. Tài chính y tế còn nhiều bất cập khi nguồn lực đầu tư cho y tế còn hạn hẹp; khả năng bảo vệ rủi ro về tài chính do chi phí y tế cho người dân chưa cao. Chi từ tiền túi của người bệnh còn cao là một thách thức đối với việc bảo đảm tính bền vững về tài chính y tế và bao phủ y tế toàn dân…
Những khó khăn, thách thức cả nguyên nhân chủ quan và khách quan; các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị lợi dụng khai thác, gia tăng các hoạt động chống phá, bằng nhiều thủ đoạn, hình thức tinh vi, nguy hiểm nhằm “đánh võng dư luận”, đưa ra các luận điệu xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ, thù địch, kích động, dụ dỗ, lôi kéo… với âm mưu chia rẽ nội bộ, gieo rắc sự ngờ vực, hoài nghi, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân đối ngành Y tế, phủ nhận những thành quả, cống hiến, đóng góp của đội ngũ bác sỹ, cán bộ và nhân viên y tế đối với những thành tựu đổi mới, phát triển của đất nước ta.
Chính sách y tế và phương thức thực hiện chính sách y tế
Chính sách y tế là một chính sách quan trọng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội của nước ta, được Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, triển khai sâu rộng trên phạm vi cả nước. Chính sách y tế cũng góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo đảm bảo công bằng và an sinh xã hội khi hàng triệu người bệnh có thu nhập thấp, người nghèo mắc các bệnh nặng có chi phí lớn được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh.
Để triển khai hiện thực hóa chính sách y tế; Trước hết là, triển khai thông qua công tác quản lý nhà nước và chỉ đạo điều hành, như: thúc đẩy hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng, ban hành chiến lược, quy hoạch phát triển, tổ chức bộ máy y tế; tiến hành cải cách hành chính, thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; triển khai thực hiện cung ứng dịch vụ y tế. Tăng cường phối hợp liên ngành, sự tham gia của các bên liên quan trong quản lý nhà nước về y tế. Chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, truyền thông để toàn xã hội đồng thuận, tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đổi mới về cơ chế tổ chức, phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của các cơ quan đơn vị sự nghiệp thực hiện dịch vụ công và đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ trong ngành y tế. Chủ động hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết kịp thời và công khai kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách y tế.
Thứ hai, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách y tế tạo sự đồng thuận của toàn xã hội. Tiếp tục truyền thông hiệu quả các nội dung về y tế có trọng tâm, trọng điểm, các thành tựu, sự kiện y tế tiêu biểu… Nâng cao năng lực truyền thông cho mạng lưới truyền thông y tế các cấp. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí, truyền thông để quản lý và cung cấp thông tin về chính sách y tế và việc thực hiện các chính sách y tế một cách chính xác, minh bạch và hiệu quả.
Thứ ba, xác định rõ những ưu tiên trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thực hiện chính sách y tế, nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chính sách y tế; tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng từ các chính sách y tế; chủ động tạo điều kiện để người dân được chăm sóc sức khỏe thường xuyên ngay tại cộng đồng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Thứ tư, xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội trong việc triển khai hiệu quả các chính sách y tế, góp phần xây dựng niềm tin, tạo sự thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động trong nhân dân. Đồng thời, là biện pháp quan trọng giúp phát hiện kịp thời những vấn đề nổi cộm và bất ổn trong xã hội, đồng thời định hướng dư luận theo hướng thống nhất và ổn định. Kết quả của công tác này không chỉ hỗ trợ các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong ngành Y tế trong việc thực hiện nhiệm vụ mà còn mang lại hiệu quả tích cực về nhiều mặt, góp phần xây dựng vững chắc “thế trận lòng dân” và thực hiện các nhiệm vụ trọng yếu trong giai đoạn mới. Trong thời gian qua, công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội đã được cấp ủy, lãnh đạo các cấp trong ngành Y tế triển khai có hiệu quả và mang lại nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp, đã giúp các cơ quan lãnh đạo các cấp có thêm thông tin, đánh giá đúng hơn, sát thực hơn tình hình tâm trạng, tư tưởng của các tầng lớp nhân dân đối với việc triển khai các chính sách của Ngành. Trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, giải quyết những vấn đề được dư luận quan tâm, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về y tế.
Một số giải pháp đưa công tác dư luận xã hội tham gia triển khai hiệu quả chính sách y tế
Trước những thách thức mới từ cả yếu tố khách quan và chủ quan, việc chủ động nắm bắt dư luận xã hội để nhận diện từ sớm, từ xa diễn biến tư tưởng, cũng như các ý kiến và thái độ của nhân dân về các chủ trương lớn của Đảng, những vấn đề chiến lược trong phát triển đất nước nói chung và việc triển khai hiệu quả các chính sách của ngành Y tế nói riêng là rất quan trọng và cần thiết. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác dư luận xã hội, góp phần triển khai hiệu quả các chính sách của Ngành Y tế trong thời gian tới, mỗi cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và mỗi công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế xác định cần thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể như sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, gắn công tác dư luận xã hội với công tác tư tưởng, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Chủ động, thường xuyên nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình tư tưởng để có biện pháp giải quyết kịp thời, đúng đắn các vấn đề nảy sinh, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội.
Hai là, đa dạng hóa hình thức nắm bắt thông tin dư luận xã hội theo nhiều chiều hướng; kết hợp các hình thức nắm bắt dư luận xã hội trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo thông tin được thu thập nhanh chóng và chính xác. Đồng thời, củng cố và tăng cường hiệu quả mạng lưới nắm bắt và phản ánh thông tin dư luận xã hội; tăng cường hoạt động đối thoại trực tiếp với mỗi công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế và nhân dân để nắm bắt ý kiến, tâm tư và thắc mắc, từ đó có phương án giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc không để kéo dài và trở thành điểm nóng và kịp thời tiếp nhận những ý kiến, đóng góp giải pháp phục vụ cho công tác điều hành, quản lý của các cấp ủy đảng và lãnh đạo cơ quan, đơn vị.
Ba là, phát huy vai trò dẫn dắt và định hướng thông tin của các cơ quan báo chí và truyền thông để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong việc triển khai các chính sách của Ngành Y tế. Đẩy mạnh việc đăng tải thông tin chính thống về việc triển khai các chính sách của Ngành trên các phương tiện truyền thông; phát huy vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí trong việc ứng phó với thông tin giả mạo. Đồng thời, tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân đối với các quyết sách trong việc triển khai các chính sách của Ngành Y tế để nâng cao hiệu quả trong xây dựng, ban hành và thực thi chính sách.
Bốn là, chủ động cung cấp thông tin chính thống, nguồn thông tin đáng tin cậy, nội dung thông tin chính xác, đầy đủ về những sự kiện, chính sách y tế được dư luận quan tâm nhằm nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, không để “khoảng trống” thông tin để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá; phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí để làm tốt công tác tuyên truyền; chủ động xây dựng các phương án, kịch bản công tác ứng phó với khủng hoảng thông tin nếu xảy ra.
Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm bắt dư luận xã hội, dự báo tình hình theo hướng bám sát thực tiễn của đời sống xã hội, hướng về cơ sở, hướng tới từng đối tượng cụ thể gắn với các sự kiện và việc triển khai các chính sách của Ngành Y tế. Đồng thời, tôn vinh và khen thưởng các tập thể, cá nhân, gương điển hình tiên tiến, … nhằm nêu gương, lan tỏa hình ảnh đẹp, tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo và trí tuệ của đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế, luôn sẵn sàng cống hiến, vượt khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.