Bến Tre có ca bệnh thủy đậu trong khu công nghiệp, Bộ Y tế yêu cầu cách ly phù hợp, xử lý triệt để ổ dịch

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế hôm nay – 31/12 đã có văn bản khẩn gửi Sở Y tế Bến Tre về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh thủy đậu.

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang ghi nhận ổ dịch bệnh thủy đậu xảy ra trong khu công nghiệp tại huyện Châu Thành. UBND và Sở Y tế tỉnh Bến Tre đã chủ động có các chỉ đạo khẩn cấp để triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. 

Để tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch bệnh nhằm nhanh chóng kiểm soát tình hình, không để dịch bệnh lan rộng, bùng phát, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế tỉnh Bến Tre chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị y tế liên quan khẩn trương thực hiện các nội dung, cụ thể:

Tăng cường công tác giám sát, chủ động phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh để triển khai các biện pháp cách ly phù hợp và xử lý triệt để các ổ dịch, đặc biệt là tại các cụm, khu công nghiệp; đảm bảo thực hiện tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân;

Bến Tre có ca bệnh thủy đậu trong khu công nghiệp, Bộ Y tế yêu cầu cách ly phù hợp, xử lý triệt để ổ dịch- Ảnh 1.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Bến Tre chỉ đạo đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát, chủ động phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc thuỷ đậu để triển khai các biện pháp cách ly phù hợp và xử lý triệt để các ổ dịch, đặc biệt là tại các cụm, khu công nghiệp.

Phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các cụm, khu công nghiệp và các cơ sở giáo dục đào tạo triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, bảo đảm môi trường thông thoáng, sạch sẽ; theo dõi sức khỏe của người lao động, trẻ em, học sinh; khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cần thông báo ngay cho các cơ sở y tế để phối hợp và xử lý kịp thời; hướng dẫn các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh thực hiện các biện pháp hạn chế sự lây lan như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch và hạn chế tiếp xúc với người khác;

Cùng đó, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường thông tin, truyền thông về nguy cơ mắc bệnh, các dấu hiệu nhận biết bệnh thủy đậu và các biện pháp phòng, chống, nhất là tại các cụm, khu công nghiệp, cơ sở giáo dục đào tạo và các địa điểm thường tập trung đông người; khuyến khích việc tiêm vắc xin phòng bệnh và vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đủng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị về các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn và tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tại các địa phương có ghi nhận ổ dịch, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Cục Y tế dự phòng đề nghị thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo, khai báo bệnh truyền nhiễm quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế; báo cáo kịp thời, đầy đủ các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch trên Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm.

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh thủy đậu là bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn). Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.

Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 – 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 – 10 ngày.

Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:

  1. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
  2. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 – 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
  3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
  4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
  5. Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.
Vì sao một số dịch bệnh truyền nhiễm tăng cao cục bộ, năm 2025 dịch bệnh có phức tạp hơn?Vì sao một số dịch bệnh truyền nhiễm tăng cao cục bộ, năm 2025 dịch bệnh có phức tạp hơn?

SKĐS – Dự báo năm 2025, tình hình bệnh truyền nhiễm còn diễn biến phức tạp. Trong đó, sốt xuất huyết là thách thức y tế công cộng trên phạm vi toàn cầu, tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cùng với đó là tình trạng chủ quan, lơ là thực hiện các biện pháp phòng, bệnh cá nhân khá phổ biến…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *