Nguyên nhân gây rụng tóc và cách khắc phục

Các nguyên nhân gây rụng tóc

Có rất nhiều nguyên nhân gây rụng tóc. Nếu rụng tóc theo chu kỳ thì sợi tóc mọc mới sẽ bù lại sợi tóc rụng đi là hiện tượng bình thường. Khi chu kỳ mọc tóc bị gián đoạn, nghĩa là số lượng sợi tóc rụng đi nhiều hơn số lượng tóc mọc mới hằng ngày, thường liên quan đến một hoặc nhiều yếu tố:

– Di truyền: Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng rụng tóc, hói đầu. Trường hợp này thường gặp ở nam giới, nữ giới ít hơn. Rụng tóc liên quan đến di truyền xảy ra cùng với quá trình lão hóa.

– Thay đổi nội tiết: Nguyên nhân này thường gặp ở nữ giới, liên quan đến các rối loạn hormone. Tình trạng này có thể gây ra rụng tóc vĩnh viễn hoặc tạm thời, thường gặp ở phụ nữ sau sinh, mãn kinh hoặc có vấn đề ở tuyến giáp.

Nguyên nhân gây rụng tóc và cách khắc phục- Ảnh 1.

Khi số sợi tóc rụng nhiều hơn số mọc mới là hiện tượng rụng tóc, để lâu dài sẽ khiến tóc thưa, hói đầu…

– Do thuốc: Một số trường hợp phải dùng thuốc trị ung thư, viêm khớp, trầm cảm, thuốc dùng trong bệnh tim, tăng huyết áp và thuốc trị gout… sẽ gặp phải tác dụng phụ của thuốc và gây rụng tóc.

– Stress: Nhiều người gặp tình trạng rụng tóc nhiều sau khi trải qua cú sốc về thể chất hoặc tinh thần.

– Lạm dụng hóa chất dành cho tóc: Người thường xuyên sử dụng các hóa chất để uốn xoăn, ép thẳng, nhuộm tóc hoặc có thói quen buộc tóc quá chặt; sử dụng dầu gội nhiều chất tẩy… sẽ khiến tóc và nang lông bị tổn thương và gây gãy rụng tóc…

Các biện pháp xử trí khi rụng tóc

Rụng tóc không ảnh hưởng đến sức khỏe, nên nhiều người sẽ để tình trạng tóc rụng diễn ra tự nhiên, không cần điều trị. Để khắc phục tình trạng này có thể sử dụng các biện pháp che hói khi cần thiết bằng các biện pháp như đội tóc giả.

Tuy nhiên, một số người thấy tình trạng tóc rụng sẽ thiếu tự tin, muốn ngăn ngừa tình trạng rụng tóc và phục hồi sự phát triển của tóc. Trước quyết định điều trị rụng tóc, cần biết nguyên nhân gây rụng tóc để lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp:

– Đối với trường hợp rụng tóc do bệnh lý ở tuyến giáp, khi dùng thuốc điều trị tuyến giáp ổn định tình trạng rụng tóc sẽ hết.

– Nếu nguyên nhân do sử dụng thuốc điều trị ung thư, khi quá trình này kết thúc, tóc sẽ mọc trở lại bình thường.

– Đối với trường hợp rụng tóc do thuốc điều trị bệnh mạn tính, có thể cần bổ sung bằng chế độ ăn uống hoặc phương pháp chăm sóc để bảo vệ mái tóc.

– Nếu rụng tóc do rối loạn nội tiết tố ở nữ trong giai đoạn sau sinh, khi nội tiết bình ổn, tóc sẽ mọc trở lại bình thường.

– Riêng với trường hợp rụng tóc vĩnh viễn gây hói đầu, có thể sử dụng một số biện pháp sau:

Sử dụng thuốc

+ Minoxidil: Là một loại thuốc được phê duyệt trong điều trị rụng tóc ở cả nam và nữ. Thuốc được bào chế dưới dạng chất lỏng hoặc bọt, bôi trực tiếp lên da đầu hàng ngày.

Khi mới sử dụng, có thể thấy hiện tượng tóc rụng nhiều hơn và tóc mới mọc lên có thể ngắn và mỏng hơn tóc cũ. Nhiều trường hợp sử dụng thuốc ban đầu thấy hiện tượng này sẽ bỏ liệu trình điều trị. Để thấy được hiệu quả của thuốc, bệnh nhân cần kiên trì ít nhất 6 tháng để thấy được kết quả. Sau đó cần tiếp tục dùng thuốc để duy trì lợi ích chữa rụng tóc.

+ Finasteride: Là một loại thuốc sử dụng theo đơn của bác sĩ, được bào chế dạng viên và phê duyệt dành cho trường hợp rụng tóc nam. Thuốc có tác dụng làm chậm quá trình rụng tóc ở nam giới và kích thích mọc tóc mới. Tuy nhiên, thuốc không mang lại hiệu quả đối với người trên 60 tuổi. Để duy trì hiệu quả chữa rụng tóc, cần sử dụng thuốc liên tục theo hướng dẫn của bác sĩ cho đến khi ngừng lại.

Phẫu thuật cấy tóc

Đa số các trường hợp bị rụng tóc vĩnh viễn thường bị hói ở đỉnh đầu hoặc vùng trán. Nếu không muốn sử dụng thuốc hoặc thuốc không mang lại hiệu quả, có thể lựa chọn phương pháp cấy tóc hoặc phẫu thuật phục hồi, có thể tận dụng tối đa phần tóc còn lại của bệnh nhân.

Trong quá trình cấy tóc, bác sĩ sẽ lấy ra những mảng da đầu nhỏ, chứa từ một đến vài sợi tóc ở phía sau đầu hoặc vùng quanh đầu của bệnh nhân. Sau đó thực hiện cấy nang tóc vào phần hói ở đỉnh đầu. Để thực hiện được phương pháp này, bệnh nhân cần đến bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ thẩm mỹ được đào tạo bài bản, chuyên sâu.

Sau khi cấy ghép, nên dùng minoxidil để giúp giảm thiểu tình trạng rụng tóc. Đây cũng không phải là phương pháp điều trị mang lại kết quả vĩnh viễn, mà sợi tóc được cấy ghép sẽ vẫn bị rụng theo chu kỳ và có khả năng không mọc sợi tóc mới. Do đó đôi khi người bệnh phải tiến hành phẫu thuật nhiều lần để đạt được hiệu quả như mong muốn.

Hơn nữa, kỹ thuật cấy ghép tóc này khá tốn kém và gây đau đớn. Rủi ro xảy ra bao gồm chảy máu và để lại sẹo trên da đầu. Do đó phương pháp này cũng ít người lựa chọn.

Nguyên nhân gây rụng tóc và cách khắc phục- Ảnh 3.

Chăm sóc tóc là một trong những biện pháp ngăn ngừa rụng tóc.

Liệu pháp laser

Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt liệu pháp sử dụng laser để chữa rụng tóc do di truyền ở cả nam và nữ giới. Một số nghiên cứu đã cho thấy phương pháp này giúp cải thiện mật độ tóc. Tuy nhiên, để chứng minh tác dụng lâu dài, cần nhiều nghiên cứu hơn nữa.

Chăm sóc tóc

Để hỗ trợ hạn chế rụng tóc và khắc phục hậu quả của rụng tóc, nên sử dụng các biện pháp chăm sóc tóc bằng các sản phẩm hỗ trợ. Chẳng hạn như lựa chọn dầu gội đầu phù hợp; nên gội đầu bằng các loại thảo dược; bổ sung chế độ dinh dưỡng có lợi cho tóc; bảo vệ tóc khỏi ảnh hưởng có hại của môi trường…

Mời độc giả xem thêm video:

Rụng tóc: Khi nào cần đi khám bác sĩ ?| SKĐS

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *