Chế độ ăn cho người cận thị

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bị cận thị

Cận thị là một trong những tật khúc xạ phổ biến nhất gây ảnh hưởng lớn đến thị lực, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về võng mạc và thần kinh thị giác có thể dẫn đến mù lòa.

Có nhiều nguyên nhân gây cận thị và làm tăng tiến triển của cận thị như: yếu tố di truyền; môi trường; hoạt động mắt nhìn cận cảnh kéo dài; thường xuyên tiếp xúc màn hình điện tử…

Ngoài ra, một trong những yếu tố có liên quan đến sự phát triển của cận thị là dinh dưỡng kém. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đường tinh luyện và chất béo bão hòa có thể ảnh hưởng đến người có nguy cơ mắc bệnh cận thị.

Mặt khác, một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng thiết yếu, đặc biệt là những chất giúp tăng cường sức khỏe của mắt, có thể giúp làm chậm quá trình tiến triển của cận thị.

Chế độ ăn cho người cận thị- Ảnh 1.

Chế độ dinh dưỡng giàu chất chống oxy hóa giúp hỗ trợ phòng ngừa và điều trị cận thị.

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người bị cận thị

Đôi mắt cần nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là các chất chống oxy hóa như vitamin A, C, E, lutein, zeaxanthin… để hoạt động khỏe mạnh. Vì vậy, ngoài việc ăn đủ chất, chúng ta cần bổ sung các thực phẩm này để hỗ trợ phòng ngừa và điều trị các bệnh về mắt, trong đó có cận thị.

Vitamin A: Vitamin A là một chất dinh dưỡng thiết yếu rất quan trọng cho sức khỏe của mắt. Nó đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì thị lực khỏe mạnh, đặc biệt là trong điều kiện ánh sáng yếu.

Có nhiều nguồn thực phẩm động vật và thực vật giàu vitamin A như: các loại rau, khoai lang, rau lá xanh, cà rốt, đu đủ, xoài; phô mai, gan…

Vitamin C: Vitamin C giúp cơ thể hình thành và duy trì các mô liên kết, bao gồm cả collagen được tìm thấy trong giác mạc của mắt. Nguồn thực phẩm giàu vitamin C tốt nhất là các loại trái cây và rau quả như: cam, quýt, bưởi, dâu tây, bông cải xanh…

Vitamin E: Vitamin E cũng là chất chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ các tế bào, trong đó có tế bào ở mắt. Tổn thương oxy hóa do môi trường tiếp xúc với ô nhiễm, khói bụi và các tia có hại có thể từ từ ảnh hưởng đến các tế bào trong mắt và các tế bào khác liên quan đến thị lực, vitamin E có tác dụng ngăn chặn tác hại này bằng cách trung hòa các gốc tự do.

Bạn nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin E trong chế độ ăn uống bằng các nguồn thực phẩm như: hạt hướng dương, hạnh nhân, rau bina, bơ, bí, quả kiwi, cá hồi, tôm, bông cải xanh, dầu ô liu…

Omega-3: Acid béo omega-3 rất cần thiết để duy trì thị lực khỏe mạnh. Chúng giúp ngăn ngừa tình trạng viêm ở mắt, có thể dẫn đến nhiều bệnh về mắt khác nhau, bao gồm cả cận thị.

Thực phẩm giàu acid béo omega-3 bao gồm các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ và cá mòi; các loại hạt như hạt chia, hạt lanh và quả óc chó.

Lutein và zeaxanthin: Các loại rau có lá màu xanh đậm là nguồn cung cấp lutein và zeaxanthin hàng đầu. Đây là hai loại carotenoid bảo vệ võng mạc.

Lutein và zeaxanthin hoạt động như chất chống oxy hóa, hấp thụ một lượng đáng kể các tia sáng xanh, ngăn xâm nhập vào bên trong mắt để giữ cho các gốc tự do không gây hại cho các tế bào mắt.

3. Gợi ý một số thực phẩm tốt cho người bị cận thị

Cà rốt

Cà rốt rất giàu beta-carotene, khi vào cơ thể được chuyển hóa thành vitamin A trong gan. Loại vitamin này đã được chứng minh là tốt cho thị lực, tăng cường sức khỏe cho đôi mắt, làm giảm tình trạng mờ mắt, mỏi mắt.

Lutein và zeaxanthin có trong cà rốt cũng có tác dụng giúp cải thiện sức khỏe của mắt. Tuy nhiên, chỉ nên ăn cà rốt với liều lượng vừa đủ. Nếu ăn quá nhiều có thể gây tình trạng vàng da và ngộ độc gan. Theo khuyến cáo, chỉ nên ăn hoặc uống nước ép cà rốt 2-3 lần/tuần với trọng lượng 100g/lần ở người lớn và 30-50g/lần ở trẻ em.

Rau lá xanh

Các loại rau lá xanh rất giàu lutein và zeaxanthin, là những carotenoid rất cần thiết cho sức khỏe của mắt. Những chất dinh dưỡng này đã được chứng minh là giúp bảo vệ mắt khỏi bị tổn thương do ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử. Thực phẩm giàu lutein và zeaxanthin bao gồm rau bina, cải xoăn và bông cải xanh.

Chế độ ăn cho người cận thị- Ảnh 3.

Các loại rau lá xanh rất giàu lutein và zeaxanthin cần thiết cho sức khỏe của mắt.

Trái cây có múi

Ăn trái cây có múi như cam, chanh và bưởi chứa nhiều vitamin C giúp hỗ trợ sức khỏe của các mạch máu trong mắt, tốt cho các vấn đề của thị lực như cận thị, thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể.

Quả mọng

Các loại quả mọng như dâu tây, việt quất, mâm xôi là những thực phẩm tuyệt vời cho đôi mắt. Chất chống oxy hóa có trong hầu hết các loại quả mọng có thể giúp ngăn ngừa khô da, khiếm khuyết thị lực và thoái hóa điểm vàng.

Khoai lang

Cũng như cà rốt, khoai lang rất giàu vitamin A, thậm chí lượng vitamin A trong khoai lang còn cao hơn cà rốt. Vì vậy nó là thực phẩm bạn ưu tiên hàng đầu trong chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe của mắt.

Hạnh nhân

Để bảo vệ mắt, bạn nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin E trong chế độ ăn uống. Trong đó, hạnh nhân là thực phẩm hàng đầu đặc biệt giàu vitamin E.

Trứng

Ăn trứng thường xuyên có thể làm tăng mức độ lutein và zeaxanthin để tối ưu hóa, duy trì thị lực. Lòng đỏ trứng là nguồn cung cấp lutein và zeaxanthin đáng kể, được chứng minh là làm giảm nguy cơ đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng, nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở những người cao tuổi.

Cá hồi

Cá hồi là một trong những nguồn cung cấp acid béo omega-3 EPA và DHA tốt nhất. EPA và DHA rất có lợi cho sức khỏe như giảm viêm, giảm huyết áp, giảm nguy cơ ung thư và cải thiện chức năng của các tế bào lót động mạch.

Ăn cá hồi thường xuyên có thể giúp bảo vệ võng mạc khỏi bị hư hại và ngăn ngừa suy giảm thị lực. Ngoài ra còn có thể giúp ngăn ngừa bệnh khô mắt và thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác.

Cận thị: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và các biện pháp phòng ngừaCận thị: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và các biện pháp phòng ngừa

SKĐS – Cận thị là tình trạng người bệnh không thể nhìn rõ các vật ở xa, nhưng nhìn rõ các vật ở gần.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *