Bệnh đái tháo đường đôi khi có thể khó kiểm soát, đặc biệt vào những ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Đây là dịp mọi người gặp gỡ, thăm hỏi người thân và thường tổ chức buổi tiệc tùng, ăn uống. Và đây cũng là thời điểm đáng lo ngại cho các bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường. Cách nào để người bệnh có thể vui vẻ đón Xuân mà không phải lo lắng do sợ ảnh hưởng tới sức khỏe?
1. Nguyên tắc trong chế độ ăn của người bị bệnh đái tháo đường
Có 3 nguyên tắc cần nhớ trong chế độ ăn của người bị bệnh đái tháo đường:
- Giảm chất glucid (chất đường bột).
- Tăng vừa phải lượng protid (đạm) và lipid (béo) để bù lại năng lượng do giảm glucid. Tuy nhiên, không nên tăng quá nhiều vì sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hóa.
- Tăng cường sử dụng thức ăn có nhiều vitamin, muối khoáng, yếu tố vi lượng, chất xơ như rau, củ, quả ít ngọt.
2. Biết tỷ lệ carb khuyến nghị
Lượng carb nên tiêu thụ mỗi ngày là khác nhau ở mỗi người bệnh đái tháo đường. Trung bình người bệnh đái tháo đường nên nhận 1/2 calo đến từ carbs mỗi ngày. Điều này có nghĩa là nếu bạn nạp vào 1.800 calo mỗi ngày để duy trì cân nặng hợp lý thì 800-900 calo sẽ đến từ carbohydrate. Mỗi gam carbohydrate chứa 4 calo, vì vậy bạn sẽ cần khoảng 200-225 gam carbs mỗi ngày.
Mục tiêu chính của việc đếm lượng carb là giữ cho lượng đường trong máu ổn định bằng cách chia đều tổng lượng carbohydrate hàng ngày cho phép của bạn cho các bữa ăn.
Nếu có thể hãy mang theo bảng tính carbs. Biết được tỷ lệ carb hàng ngày sẽ giúp kiểm soát tốt lượng đường trong máu quanh năm chứ không chỉ trong những ngày nghỉ lễ Tết.
3. Không bỏ bữa
Dù Tết có bận rộn đến đâu, người bệnh đái tháo đường cũng không nên bỏ bữa hay dồn bữa, vì đây là một trong những mẹo đơn giản nhất để duy trì sự ổn định đường huyết, tránh gây ra các biến chứng hạ đường huyết hay tăng đường huyết. Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ hoặc không ăn quá no và phải đầy đủ dinh dưỡng.
4. Biết mình đang ăn gì
Không ăn bánh kẹo, mứt vào lúc đói, thay vào đó nên ăn ngũ cốc nguyên hạt, sữa không đường.
Nếu không phải ăn tại nhà mình mà ăn tại nhà bạn bè thì hãy hỏi chủ nhà về nguyên liệu của món ăn có tốt cho mình không vì không phải lúc nào bạn cũng có thể nhìn thấy những gì trong một món ăn.
Hạn chế đồ ăn chiên xào, chứa nhiều dầu mỡ, chất béo và đồ nếp (bánh chưng, bánh tét, xôi, canh móng giò…). Tăng cường chất xơ như rau xanh, hoa quả chứa ít đường (cam, bưởi, nho,…).
Có nhiều món chứa nhiều chất béo và đồ nếp như bơ, sữa, bánh chưng, xôi và thậm chí có thể là đường hoặc là nhiều muối. Tiêu thụ nhiều chất béo và đường ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, khó kiểm soát đường huyết hơn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, một trong những biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường. Lượng muối dư thừa là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp. Rất nhiều thực phẩm đóng gói sẵn như các loại xúc xích, thịt nguội, giò, chả, dưa, cà, kiệu muối chua… có hàm lượng muối cao. Điều này sau đó có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác.
5. Không sử dụng rượu bia và chất kích thích
Tuyệt đối không uống rượu, bia, hút thuốc lá, nước uống có ga và các chất kích thích khác có hại cho sức khỏe và là “kẻ thù” của người bệnh đái tháo đường. Rượu, bia và các chất kích thích có thể gây tăng hoặc hạ đường huyết do ngăn cản quá trình tổng hợp glycogen và ảnh hưởng đến chức năng gan, gây rối loạn chuyển hóa.
Tuy nhiên, trong dịp Tết nếu muốn uống một chút rượu, người bệnh nên ăn thức ăn có tinh bột khi uống rượu để tránh hạ đường máu. Không bao giờ được uống rượu nếu không ăn. Sau khi uống khoảng 1 giờ, nên tự kiểm tra đường máu để biết mình có nguy cơ bị tăng hay hạ đường máu không, từ đó sẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp. Trong ngày đó, cũng nên thử đường máu nhiều lần hơn mọi ngày. Ngoài ra, bệnh nhân uống rượu phải theo dõi huyết áp đều đặn, nếu thấy tăng thì nên ngừng uống.
Không nên uống rượu và thuốc hạ đường máu cùng lúc. Nếu có dùng một số loại thuốc đặc biệt theo yêu cầu của bác sĩ, phải ngừng uống rượu hoàn toàn. Nếu đang tiêm insulin và trong ngày có uống rượu, phải thử đường máu trước khi đi ngủ, nếu kết quả dưới 6 mmol/l thì nên ăn thêm. Nếu không thử được, nên ăn thêm thức ăn có ít tinh bột để tránh nguy cơ hạ đường máu vào lúc nửa đêm.
Bên cạnh chế độ ăn uống, người bệnh đái tháo đường cần tiêm insulin, uống thuốc đủ, đúng giờ theo hướng dẫn của bác sĩ, nếu sợ quên hãy đặt lịch nhắc uống thuốc trên điện thoại; để tất cả thuốc cần thiết đủ dùng trong ít nhất một ngày vào một chiếc túi và luôn mang theo khi ra khỏi nhà.
Nên mang theo bên mình máy đo đường huyết để đo đường huyết thường xuyên. Nên sắp xếp lịch đi chơi điều độ, đi ngủ đúng giờ, thức đúng giấc, không ngồi lâu quá 30 phút. Đều đặn tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, nên tập trước khi ra ngoài, nó sẽ cải thiện độ nhạy insulin của bạn và giúp bạn quản lý lượng đường trong máu dễ dàng hơn vào buổi chiều/đêm. Hoặc cũng có thể đi dạo vào sau bữa tối, điều này không chỉ giúp tiêu hóa mà còn giúp cải thiện lượng đường trong máu.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Biến chứng của bệnh đái tháo đường