1. Nguyên nhân gây loạn sản cổ tử cung
1.1 Loạn sản cổ tử cung là gì?
Loạn sản cổ tử cung còn được gọi là tân sinh trong biểu mô cổ tử cung (CIN – Cervical Intraepithelial Neoplasia). “Trong biểu mô” có nghĩa là các tế bào bất thường hiện diện trên bề mặt biểu mô cổ tử cung và chưa xâm lấn qua lớp bề mặt đó. Từ “tân sinh” dùng để chỉ sự phát triển của các tế bào bất thường.
Loạn sản cổ tử cung là quá trình tế bào tại cổ tử cung bị biến đổi, dưới tác động của một tác nhân viêm nhiễm, sự thay đổi môi trường âm đạo hoặc do nhiễm dai dẳng Human Papilloma Virus (HPV) – virus gây u nhú ở người ở biểu mô cổ tử cung. Ở phụ nữ, nguy cơ nhiễm HPV dai dẳng tăng lên có liên quan đến: Bắt đầu hoạt động tình dục sớm; Có nhiều bạn tình; Quan hệ tình dục với bạn tình đã từng có nhiều bạn tình…
Sự biến đổi của các tế bào tại cổ tử cung có thể lành tính hoặc biến đổi sang giai đoạn nghịch sản hay giai đoạn tiền ung thư. Loạn sản cổ tử cung thường gặp ở phụ nữ dưới 30 tuổi nhưng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi.
1.2 Nguyên nhân gây loạn sản cổ tử cung
Nhiễm HPV là một bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến và thường khỏi trong vòng 8 đến 24 tháng sau khi tiếp xúc. Nhiễm trùng HPV dai dẳng dẫn đến chứng loạn sản, nếu không được điều trị có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung. Quá trình này thường diễn ra chậm và diễn ra trong vài năm. Do sự tiến triển chậm của bệnh nhiễm trùng có thể xác định và điều trị được, nên có thể thực hiện sàng lọc định kỳ bằng xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung và/hoặc xét nghiệm HPV tùy thuộc vào độ tuổi và tiền căn của người bệnh.
Nguyên nhân chủ yếu gây loạn sản cổ tử cung là do nhiễm virus HPV dai dẳng. Ngoài ra một số yếu tố làm tăng nguy cơ loạn sản cổ tử cung đó là:
Đời sống tình dục thiếu lành mạnh, không an toàn, quan hệ sớm trước 18 tuổi hoặc có nhiều bạn tình cùng lúc;
Mắc bệnh liên quan đến suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV/AIDS, cấy ghép nội tạng hay đang dùng thuốc ức chế miễn dịch);
Hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc. Bởi thuốc lá làm suy yếu hệ miễn dịch.
Theo kết quả nghiên cứu từ rất nhiều phụ nữ mắc chứng loạn sản cổ tử cung, người ta đã tìm thấy virus HPV tại đây. Trên thực tế, tình trạng nhiễm HPV khá phổ biến ở phụ nữ và nam giới. Hầu hết trường hợp, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ loại bỏ HPV và làm sạch tình trạng nhiễm trùng một cách tự nhiên. Tuy nhiên, virus này thường ảnh hưởng đến những phụ nữ quan hệ tình dục dưới 20 tuổi. Ở một số phụ nữ thì tình trạng nhiễm trùng vẫn tồn tại dai dẳng và dẫn đến chứng loạn sản cổ tử cung.
Virus HPV thường lây truyền từ người sang người qua quan hệ tình dục. Việc quan hệ tình dục theo đường hậu môn hoặc đường miệng đều có thể bị lây virus. Ngoài ra, virus cũng có thể lây truyền qua đường tiếp xúc da, niêm mạc với người mang virus.
Thêm vào đó, những phụ nữ nhiễm virus HPV mạn tính, phụ nữ nghiện thuốc lá có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung và tử vong cao gấp hai lần, do hút thuốc gây suy yếu hệ miễn dịch.
2. Triệu chứng bệnh loạn sản cổ tử cung
Giai đoạn sớm của bệnh loạn sản cổ tử cung không gây ra triệu chứng rõ rệt. Vào giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân có xuất hiện một vài triệu chứng nhưng rất mơ hồ, biểu hiện chủ yếu là ra máu âm đạo bất thường như: ra máu giữa chu kỳ kinh, chảy máu sau khi quan hệ tình dục, chảy máu sau thụt rửa âm đạo, ra máu sau một thời gian mãn kinh. Một số dấu hiệu khác có thể thấy như: đau bụng vùng tiểu khung, đau khi giao hợp, ra nhiều khí hư màu trắng đục và hôi…
Loạn sản thường được phát hiện thông qua xét nghiệm PAP. Do đó phụ nữ cần thực hiện thường xuyên xét nghiệm này để phát hiện ra những thay đổi trong tế bào cổ tử cung trong những lần khám phụ khoa định kỳ. Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo nên làm xét nghiệm HPV để chẩn đoán sự tồn tại của virus HPV trong cổ tử cung. Vì HPV nhóm nguy cơ cao như type 16 và 18 sẽ làm tăng nguy cơ loạn sản cổ tử cung tiến triển sang ung thư cổ tử cung nhanh hơn.
Thông thường bệnh loạn sản cổ tử cung được chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn loạn sản nhẹ (CIN I): Các tế bào bất bình thường được giới hạn nằm ở 1/3 ngoài lớp tế bào cổ tử cung, bao gồm các tế bào đã bị biến đổi do bị nhiễm HPV. Giai đoạn CIN I thường gặp ở phụ nữ độ tuổi từ 25 đến 35 tuổi. Khoảng 45% các trường hợp bị loạn sản nhẹ không cần điều trị và các tế bào bất thường sẽ dần trở lại bình thường sau đó.
Giai đoạn loạn sản mức độ vừa phải (CIN II): Các tế bào bất thường đã chiếm một nửa lớp tế bào cổ tử cung.
Giai đoạn loạn sản nặng (CIN III): thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 40 tuổi. Toàn bộ lớp tế bào biểu mô cổ tử cung đều là tế bào loạn sản, nhưng những tế bào này chưa xuyên qua lớp tế bào đáy để xâm nhập vào các tổ chức dưới biểu mô của cổ tử cung. Loại tổn thương này còn được gọi là ung thư tại chỗ. Ở giai đoạn này, nếu không điều trị kịp thời, các tế bào loạn sản nặng có khả năng cao sẽ xuyên qua lớp tế bào đáy của cổ tử cung và lan sang các cơ quan và tổ chức khác tại cổ tử cung. Quá trình lan sang các tổ chức, cơ quan khác thường phải trải qua nhiều tháng hoặc nhiều năm và được gọi là ung thư cổ tử cung xâm lấn.
3. Loạn sản cổ tử cung có dẫn tới ung thư không?
Khi tế bào ở cổ tử cung dưới tác động của viêm nhiễm hoặc do virus HPV bị biến đổi bất thường thì sẽ dẫn đến tình trạng loạn sản cổ tử cung. Thực tế, các tế bào bị loạn sản trông rất giống với tế bào ung thư, nhưng lại không được xem là tế bào ác tính. Do các tế bào loạn sản này vẫn nằm trong lớp biểu mô ở bề mặt cổ tử cung, không xâm lấn vào các tổ chức khỏe mạnh khác ở cổ tử cung.
Tuy nhiên, loạn sản tế bào cổ tử cung chính là giai đoạn phát triển sớm nhất của các tế bào bất thường, chúng có khả năng tiến triển trở thành tế bào ung thư ác tính. Loạn sản cổ tử cung theo thời gian có thể trở thành ung thư cổ tử cung với nguy cơ biến chứng cao và đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của người bệnh. Diễn tiến từ loạn sản cổ tử cung đến ung thư cần mất một khoảng thời gian từ 10 – 15 năm.
4. Điều trị loạn sản cổ tử cung
4.1 Các biện pháp chẩn đoán bệnh loạn sản cổ tử cung
Xét nghiệm PAP: Tầm soát ung thư bằng xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (PAP smear) là xét nghiệm đơn giản, chi phí thấp và hiệu quả để tầm soát loạn sản và bất thường ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm. Xét nghiệm được khuyến cáo áp dụng cho phụ nữ đã lập gia đình hoặc đã có quan hệ tình dục. Bác sĩ sẽ dùng một que gỗ chuyên dụng phết lấy tế bào cổ ngoài và cổ trong của tử cung, sau đó các mẫu tế bào này được xử trí và soi dưới kính hiển vi. Nếu có tế bào bất thường, sẽ được làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn như sinh thiết cổ tử cung, xét nghiệm virus HPV.
Soi cổ tử cung: Khám cổ tử cung phát hiện tế bào bất thường để có thể tiến hành sinh thiết.
Nạo cổ tử cung: Một thủ thuật kiểm tra các tế bào bất thường trong cổ tử cung.
Phẫu thuật nạo chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP): được thực hiện để loại trừ ung thư xâm lấn. Trong quá trình thực hiện, lấy một mảnh mô hình nón để kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Trong quá trình LEEP, cắt các mô không bình thường bằng một vòng dây điện khí mỏng, điện áp thấp.
Thử nghiệm DNA HPV: Điều này có thể xác định được các chủng HPV gây ra ung thư cổ tử cung.
4.2 Điều trị
Khi bị loạn sản cổ tử cung có nhiễm HPV, bệnh nhân cần được soi cổ tử cung để xác định có tổn thương bất thường ở cổ tử cung hay không và tiến hành sinh thiết để chẩn đoán xác định có tế bào ung thư cổ tử cung hay không. Nếu có ung thư cổ tử cung thì tùy vào từng giai đoạn mà có hướng điều trị phù hợp.
Đối với trường hợp loạn sản lành tính, việc lựa chọn hình thức điều trị loạn sản cổ tử cung sẽ phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh. Có 3 giai đoạn loạn sản cổ tử cung, cụ thể như sau:
Giai đoạn CIN I – loạn sản nhẹ: ở giai đoạn này các tế bào bất thường và bị biến đổi do nhiễm HPV mới chỉ chiếm một số lượng nhỏ ở cổ tử cung. Đa phần các trường hợp mắc bệnh giai đoạn 1 chỉ cần điều trị khỏi viêm nhiễm vì các tế bào có thể trở lại bình thường sau đó.
Giai đoạn CIN II – loạn sản mức độ vừa: một nửa lớp tế bào cổ tử cung đã bị biến đổi bất thường. Biện pháp điều trị thường được chỉ định ở giai đoạn 2 đó là áp lạnh hoặc sử dụng đốt điện hoặc cắt LEEP cổ tử cung để loại bỏ các tế bào loạn sản cổ tử cung.
Giai đoạn CIN III – loạn sản mức độ nặng: tế bào loạn sản đã chiếm đóng toàn bộ lớp tế bào biểu mô ở cổ tử cung. Nhưng chúng vẫn chưa thâm nhập sâu qua lớp tế bào đáy nên vẫn bảo tồn được các tổ chức dưới biểu mô ở cơ quan này. Đây còn được cho là tổn thương ung thư tại chỗ. Phương pháp điều trị trong giai đoạn 3 này thường là khoét chóp cổ tử cung hoặc cắt tử cung nếu không còn nhu cầu có con.
Trong trường hợp loạn sản nặng và kéo dài, tiến hành điều trị nhằm phá hủy hoặc cắt bỏ đi các tế bào bất thường là hết sức cần thiết, vì nguy cơ tiến triển thành ung thư cổ tử cung trong trường hợp loạn sản nặng là rất cao. Để tiến hành điều trị, một vùng mô nhỏ hình nón chứa các tế bào bất thường sẽ được cắt bỏ khỏi cổ tử cung. Phương pháp phẫu thuật này được tiến hành qua âm đạo và dưới tác dụng của thuốc gây tê tại chỗ, thời gian tiến hành phẫu thuật từ 5 – 10 phút. Trong trường hợp nặng hơn, các tế bào bất thường bị méo mó dữ dội, một vùng hình nón lớn hơn của cổ tử cung sẽ bị cắt bỏ dưới tác dụng của thuốc gây mê. Đối với phụ nữ lớn tuổi với tổn thương loạn sản ở giai đoạn CIN III thì nên cắt tử cung hoàn toàn và hai phần phụ (2 buồng trứng, vòi trứng).
Sau khi điều trị, bệnh nhân có thể gặp tình trạng tiết dịch có lẫn máu trong vài tuần, nhưng các tế bào cổ tử cung sẽ dần dần trở lại bình thường. 3 tháng sau khi điều trị, bệnh nhân phải tiến hành kính phết và soi âm đạo để đảm bảo không xảy ra bất thường gì sau khi điều trị. Sau đó là các xét nghiệm kính phết 6 tháng 1 lần, dài hơn là phết hàng năm cho đến khi có ý kiến chỉ định của bác sĩ.
4.3 Loạn sản cổ tử cung có chữa khỏi được không?
Thực tế lâm sàng cho thấy, việc loại bỏ hoặc phá hủy các tế bào bất thường giúp chữa khỏi chứng loạn sản cổ tử cung trong khoảng 90% các trường hợp. Loạn sản cổ tử cung hiếm khi tiến triển thành ung thư. Khi tình trạng loạn sản tiến triển sang ung thư sẽ diễn ra rất chậm nên việc thăm khám định kỳ giúp các bác sĩ có thời gian can thiệp tốt hơn.
Sau khi điều trị, chứng loạn sản cổ tử cung có thể bị tái lại. Những người bị loạn sản cổ tử cung nặng, nhiễm HPV nguy cơ cao hoặc tình trạng không được điều trị có thể tiến triển thành ung thư cổ tử cung.
5. Chế độ sinh hoạt và cách phòng ngừa loạn sản cổ tử cung
Việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của loạn sản cổ tử cung.
Kết hợp chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng phù hợp cho người bị loạn sản cổ tử cung có thể giúp hỗ trợ quá trình điều trị và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Chế độ sinh hoạt:
Tập thể dục: Thực hiện tập thể dục, thể thao đều đặn. Đi bộ, chạy bộ, bơi lội hoặc tham gia hoạt động vận động khác có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và hỗ trợ quá trình điều trị.
Kiểm tra định kỳ: Điều quan trọng là tuân thủ lịch kiểm tra định kỳ và theo dõi sự phát triển của loạn sản cổ tử cung.
Chế độ dinh dưỡng:
Dinh dưỡng cân bằng: Tập trung vào việc ăn một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng và cân bằng, bao gồm nhiều rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ và các nguồn protein chất lượng như thịt gà, cá, đậu, hạt và các sản phẩm từ sữa. Hạn chế tiêu thụ thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh và thức ăn chứa nhiều đường.
Vitamin và khoáng chất: Đảm bảo cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Các nguồn vitamin C, vitamin E, beta-carotene và axit folic có thể hỗ trợ sức khỏe tổng thể và hệ miễn dịch. Nên tăng cường sử dụng thực phẩm giàu vitamin như: cam, dứa, cà chua, cà rốt, hạt chia và các nguồn thực phẩm giàu axit folic như rau xanh lá, đậu, lúa mạch, và các loại hạt.
Hạn chế hút thuốc lá và đồ uống có cồn: Thuốc lá và đồ uống có cồn có thể tăng nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe và ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh loạn sản cổ tử cung.
Cách phòng ngừa loạn sản cổ tử cung
Bạn có thể giảm nguy cơ mắc loạn sản cổ tử cung bằng cách thực hiện các bước sau:
- Tiêm vaccine phòng HPV trong độ tuổi từ 9 đến 45.
- Không hút thuốc lá. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc loạn sản cổ tử cung và ung thư nghiêm trọng hơn.
- Không quan hệ tình dục cho đến khi bạn từ 18 tuổi trở lên.
- Quan hệ tình dục an toàn (sử dụng bao cao su).
- Thực hiện chế độ một vợ một chồng.