1. Vì sao phụ nữ béo phì dễ bị vô sinh?
Béo phì không chỉ là vấn đề về ngoại hình mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Nó không chỉ ảnh hưởng đến cơ hội thụ thai tự nhiên mà còn ảnh hưởng đến phản ứng với phương pháp điều trị vô sinh, làm tăng nguy cơ sảy thai, dị tật bẩm sinh, biến chứng thai kỳ cùng với các nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe lâu dài của cả mẹ và trẻ sơ sinh.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã xem xét thiết lập mối liên hệ giữa trọng lượng cơ thể dư thừa và tình trạng vô sinh ở cả nam lẫn nữ. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tình trạng thừa cân hoặc béo phì có thể ảnh hưởng đến việc thụ thai tự nhiên ở phụ nữ theo nhiều cách:
Tình trạng béo phì ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có thể gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều, làm gián đoạn chu kỳ rụng trứng hàng tháng.
Phụ nữ béo phì có khả năng kháng insulin cao hơn và nhiều người có mức hormone nam gọi là androgen cao hơn – những yếu tố có thể ảnh hưởng đến rụng trứng (không rụng trứng).
Ngay cả ở những phụ nữ có kinh nguyệt đều đặn, béo phì vẫn có nguy cơ gây ra các vấn đề về khả năng sinh sản do mất cân bằng nội tiết tố. Có một số bằng chứng cho thấy rằng mô mỡ dư thừa trong cơ thể sẽ cản trở quá trình sản xuất hormone và protein liên quan đến sinh sản.
PCOS (hội chứng buồng trứng đa nang) là nguyên nhân gây vô sinh ở phụ nữ. Nếu phụ nữ bị PCOS và thừa cân, điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng thụ thai tự nhiên của họ. Mặt khác, vì PCOS dẫn đến tăng cân, vấn đề vô sinh có thể trở nên trầm trọng hơn ngay cả ở những phụ nữ có cân nặng khỏe mạnh.
Béo phì còn có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, gây ảnh hưởng đến kết quả của IVF và các hình thức công nghệ hỗ trợ sinh sản khác.
2. Cân nặng càng lớn thì khả năng có thai càng khó
Theo ThS.BS Lê Quang Dương, chuyên gia sức khỏe sinh sản, béo phì đã được xác định là một trong những nguyên nhân chính gây ra vô sinh ở cả nam và nữ giới. Phụ nữ có cân nặng quá mức dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt cho sức khỏe và ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản. Quá trình này phức tạp và đa yếu tố.
Cân nặng dư thừa và mỡ bụng càng lớn thì khả năng khó thụ thai càng lớn. Hormon leptin do tế bào mỡ sản xuất cao hơn ở phụ nữ béo phì và nồng độ leptin tăng cao có liên quan đến khả năng sinh sản giảm. Phụ nữ có chỉ số BMI trên 27 gặp khó khăn trong việc thụ thai gấp ba lần so với những phụ nữ khác.
Càng nhiều mỡ bụng thì khả năng kháng insulin càng cao. Điều này có nghĩa là cơ thể sẽ sản xuất nhiều insulin hơn để giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường. Tình trạng kháng insulin cao và béo phì có thể làm tăng hormone androgen.
Theo Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ, một trong những cách dễ nhất để xác định bạn bị thiếu cân hay thừa cân là tính chỉ số khối cơ thể (BMI). BMI bình thường là từ 19 đến 24. BMI từ 25 đến 29 được coi là thừa cân. BMI trên 30 được coi là béo phì. Vì vậy, phụ nữ cần cố gắng duy trì cân nặng khỏe mạnh bình thường để tăng cơ hội mang thai.
Hiệp hội Sinh sản Anh cũng khuyến cáo phụ nữ nên hướng đến mục tiêu đạt được BMI bình thường trước khi bắt đầu bất kỳ hình thức điều trị vô sinh nào. Phụ nữ nên được hỗ trợ các biện pháp để giảm cân bao gồm: hỗ trợ tâm lý, tư vấn chế độ ăn uống, tham gia các lớp tập thể dục… Ngay cả khi giảm cân vừa phải từ 5-10% trọng lượng cơ thể cũng có thể đủ để phục hồi khả năng sinh sản và cải thiện các dấu hiệu chuyển hóa.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Béo phì tiền mãn kinh, nguy cơ chị em rất dễ mắc phải.