1. Tầm quan trọng của chế độ ăn đối với người bị nấm da đầu
Theo BS. Phan Bích Hằng, Đại học Y Hà Nội, nấm da đầu là bệnh nhiễm nấm của da đầu, lông mày, lông mi, do các chủng nấm sợi gây nên. Bệnh thường gặp nhiều ở trẻ em hơn là người lớn, do lây nhiễm nấm từ động vật nuôi như chó, mèo, thỏ…
Biểu hiện lâm sàng của nấm da đầu là rụng tóc một phần hoặc toàn thể, nếu không được điều trị có thể để lại biến chứng như rụng tóc kèm theo vảy da, đôi khi có nhiễm trùng nông bề mặt như chốc hoặc thay đổi sắc tố da vùng da đầu, gây ngứa, mất thẩm mỹ và sự tự tin.
Việc điều trị nấm da đầu tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Tùy chủng nấm gây bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc chống nấm phù hợp; sử dụng dầu gội chống nấm để giảm số lượng bào tử và ngăn ngừa nhiễm trùng quay trở lại.
Theo BSCKII Vũ Thị Phương Thảo, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, nấm da đầu dễ phát triển khi thời tiết nóng ẩm tạo điệu kiện thuận lợi cho vi nấm phát triển do đó, việc giữ da đầu khô ráo, tránh ẩm ướt, vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng có thể giúp bạn tránh nhiễm trùng nấm da đầu. Ăn uống lành mạnh và cân bằng. Giữ đủ nước cho cơ thể. Tránh tiêu thụ quá nhiều đường, tinh bột và rượu…
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa nấm da đầu. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc chống nấm, giữ vệ sinh thì chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể và hỗ trợ quá trình hồi phục, giúp da đầu khỏe mạnh hơn và ngăn ngừa tái phát.
Khi cơ thể được cung cấp đủ dinh dưỡng, hệ miễn dịch sẽ khỏe mạnh hơn để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh, bao gồm cả nấm, giúp da đầu phục hồi nhanh chóng sau khi bị tổn thương do nấm. Các nguồn thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa giúp nuôi dưỡng da đầu và tăng cường hàng rào bảo vệ tự nhiên.
2. Các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người bệnh nấm da đầu
Người bị bệnh nấm da đầu nên thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất, cân bằng. Nên bổ sung các chất dinh dưỡng cụ thể giúp bảo vệ da đầu và nang tóc bao gồm:
Protein
Bổ sung protein rất cần thiết để xây dựng, sửa chữa, tái tạo các tế bào da bị tổn thương và cải thiện sự phát triển của nang tóc. Nguồn thực phẩm giàu protein bao gồm: thịt nạc, cá, trứng, các sản phẩm từ sữa, các loại đậu, các loại hạt…
Các vitamin A, C, E
Vitamin A cần thiết cho việc duy trì niêm mạc da khỏe mạnh, hỗ trợ quá trình tái tạo tế bào da. Vitamin C tăng cường hệ miễn dịch, thúc đẩy quá trình sản sinh collagen và lành vết thương. Vitamin E có đặc tính chống oxy hóa mạnh, bảo vệ tế bào khỏi tổn thương.
Thực phẩm giàu vitamin A bao gồm: khoai lang, cà rốt, rau bina và cải xoăn. Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: trái cây họ cam quýt, dâu tây, ớt chuông và bông cải xanh. Vitamin E có nhiều trong hạnh nhân, hạt hướng dương, rau bina và quả bơ.
Biotin
Biotin có lợi cho sức khỏe da đầu và tóc vì nó giúp hỗ trợ quá trình tổng hợp protein cũng như cấu trúc của keratin, một loại protein tạo nên tóc, da và móng.
Biotin có thể cải thiện sức khỏe da đầu bằng cách giảm khô, bong tróc và ngứa, những yếu tố có thể gây rụng tóc. Nó cũng giúp điều chỉnh sản xuất bã nhờn, dưỡng ẩm da đầu, ngăn ngừa tóc khô và gãy.
Nguồn thực phẩm giàu biotin bao gồm: lòng đỏ trứng, ngũ cốc, các loại hạt, súp lơ, nấm, đậu nành, chuối, bơ…
Acid béo omega-3
Nghiên cứu cho thấy, omega-3 đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa viêm nhiễm. Khi cơ thể phân hủy omega-3, nó sẽ sử dụng chúng để tạo ra các hợp chất chống viêm và chất chống oxy hóa. Vì vậy, nó giúp giảm viêm và bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại.
Omega-3 được tìm thấy trong các tế bào lót da đầu, cung cấp dầu giúp giữ ẩm cho da đầu và tóc, giảm kích ứng da đầu và kích thích mọc tóc.
Chất béo omega-3 có nhiều trong thực phẩm như: cá béo, các loại hạt và dầu thực vật.
3. Những lưu ý khi xây dựng chế độ ăn cho người bệnh nấm da đầu
Chọn thực phẩm giúp tăng cường sức khỏe da đầu và tóc
- Thịt nạc: Thịt ức gà, thịt lợn nạc, thịt bò
- Cá béo: Cá hồi, cá thu, cá cơm, cá mòi, cá trích
- Trứng: Trứng gà, trứng vịt, lòng đỏ trứng
- Sản phẩm từ sữa: Sữa chua Hy Lạp, phô mai tươi và phô mai ít béo
- Các loại đậu: Đậu lăng, đậu gà, đậu đen
- Các loại hạt: Hạnh nhân, quả óc chó, hạt chia, hạt lanh
Ăn nhiều rau xanh, trái cây hơn
Các loại sinh tố, nước ép trái cây và rau củ cung cấp chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe tổng thể, tăng cường sức đề kháng chống lại tác nhân gây nấm da đầu.
Luôn duy trì đủ nước
Uống đủ nước giúp cơ thể đào thải độc tố, duy trì độ ẩm cho da đầu và giảm thiểu tình trạng khô da, rụng tóc.
Thực phẩm cần hạn chế
Hạn chế thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, đồ uống có gas, rượu, bia, thuốc lá… Những thực phẩm này có thể làm tăng tình trạng viêm, gây kích ứng da và rụng tóc.
Tránh chế độ ăn kiêng khắc nghiệt
Giảm cân nhanh hoặc áp dụng chế độ ăn kiêng khắc nghiệt có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin và rụng tóc. Để giảm cân an toàn cần kết hợp nhiều biện pháp bao gồm điều chỉnh lối sống, tập luyện và thực hiện chế độ ăn uống một cách khoa học.
Xem thêm: