Thiên tai bao gồm bão, mưa, lũ lụt, lũ quét… gây ra rất nhiều thiệt hại về người và tài sản cho người dân. Trong khi phải chiến đấu với những điều kiện thiên nhiên tàn khốc này, chúng ta cũng có thể bị ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Tiếp xúc với những tác nhân gây bệnh có trong dòng nước lũ khiến chúng ta có thể mắc các bệnh truyền nhiễm như: Tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, viêm da, cảm cúm, viêm đường hô hấp…
Do đó, người dân cần thực hiện những biện pháp phòng chống bệnh dịch mùa mưa lũ sau đây:
1. Vệ sinh môi trường phòng ngừa dịch bệnh
Mưa lũ kéo theo nhiều dịch bệnh về tiêu hóa…
Cần thiết phải thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lớn, lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Cần thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
Người dân cần chủ động đảm bảo vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống; dọn dẹp tàn dư của bão lũ, rửa trôi bùn đất, gom và xử lý rác bẩn; thau rửa và khử trùng bể nước, giếng nước, nước sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương.
Nhà cửa, nơi làm việc sau khi dọn dẹp sạch sẽ cần xông thảo dược để khử ẩm thấp, vi sinh vật, mùi hôi. Sử dụng các loại thảo dược thơm như bồ kết, quế, hồi, sả, bạch chỉ, đinh hương, vỏ bưởi… để đốt hoặc đun nước xông. Để tiện ích hơn có thể dùng nụ trầm, tinh dầu để xông nhà.
2. Vệ sinh cá nhân
Trước hết cần đảm bảo an toàn tính mạng, tránh bão lũ ở nơi an toàn. Sau khi cơn bão đi qua hay nước lũ đã rút, cần phải vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
Thau rửa, khử trùng nước sinh hoạt, tắm rửa sạch sẽ. Quần áo, chăn gối, dụng cụ vệ sinh cá nhân bị ngập không thể làm sạch nên loại bỏ đi.
3. Vệ sinh, an toàn thực phẩm
Trong cơn bão lũ cũng như sau khi bão lũ đi qua, việc đảm bảo được lương thực, thực phẩm cũng là điều hết sức khó khăn, đặc biệt là những nơi bị cô lập, ở vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, cần cố gắng đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm để phòng các bệnh lây nhiễm đường tiêu hóa.
– Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.
– Thực hiện ăn chín uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
Ngoài việc đảm bảo vệ sinh, cần kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như: Tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, viêm da, cảm cúm, viêm đường hô hấp…
Không chỉ phòng các bệnh truyền nhiễm, trong mùa mưa, bão, lũ chúng ta cũng cần phải phòng chống các vấn đề về sức khỏe khác như chấn thương, đuối nước, điện giật, rắn rết cắn…