1. Đông y có chữa được chấn thương lách không?
Theo quan điểm của y học hiện đại, chấn thương lách là một trường hợp cấp cứu y tế, do đó Đông y không thể chữa được cho người bị chấn thương lách. Các loại thuốc Đông y có thể hỗ trợ điều trị sau khi người bị chấn thương lách được phẫu thuật.
2. Chấn thương lách có nguy hiểm không?
Chấn thương lách thường gây chảy máu trong ổ bụng, mức độ chảy máu tùy thuộc vào cơ chế chấn thương và độ vỡ nặng nhẹ có thể gây tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
3. Chấn thương lách có chữa khỏi được không?
Trong điều trị, các bác sĩ sẽ cân nhắc tránh cắt lách nếu có thể, đặc biệt là ở bệnh nhân cao tuổi, trẻ em và bệnh nhân có bệnh ác tính về huyết học, để tránh dẫn đến nguy cơ bị nhiễm trùng do vi khuẩn, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết nặng sau cắt lách.
Hiện nay, nhiều chấn thương lách mức độ thấp và mức độ nặng đều có thể được xử trí không cần phẫu thuật. Các bệnh nhân ổn định huyết động không có các chỉ định khác cho phẫu thuật mở bụng có thể được theo dõi qua dấu hiệu sinh tồn và mức hematocrit (Hct) liên tiếp. Nhu cầu truyền máu tương thích với điều trị không phẫu thuật, đặc biệt khi có các tổn thương khác đi kèm (ví dụ, gãy xương dài). Tuy nhiên, phải có một ngưỡng truyền máu đã xác định trước (thường là 2 đơn vị đối với các tổn thương lách đơn độc), vượt quá ngưỡng đó cần phải tiến hành phẫu thuật để giảm tỷ lệ tử vong.
4. Cách chăm sóc bị chấn thương lách sau phẫu thuật tại nhà
Sau quá trình phẫu thuật lách, bệnh nhân nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Vì sau quá trình phẫu thuật và sử dụng thuốc, cơ thể người bệnh thường rất yếu ớt, thường xuyên mệt mỏi.
Sau khoảng thời gian nghỉ ngơi và nằm quá lâu (khoảng 4 – 5 tuần đầu tiên trong quá trình điều trị), bệnh nhân nên hoạt động lại từ từ, vận động nhẹ nhàng.
Sau phẫu thuật lách, bệnh nhân cũng cần nắm kĩ chế độ ăn uống cho giai đoạn hồi phục. Theo các bác sĩ chuyên khoa, không có một chế độ ăn uống nhất định đặc biệt nào dành cho người bị chấn thương lách, tuy nhiên bệnh nhân cần lưu ý chọn loại thực phẩm có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng.
Bệnh nhân cần hạn chế ăn các loại thịt đỏ, sản phẩm sữa có chứa nhiều chất béo. Thay vào đó nên tăng cường ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc. Bông cải xanh và rau bina là những thực phẩm rất giàu chất chống oxy hóa, có thể giúp loại bỏ oxy hóa trong máu, đồng thời bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật. Ngoài ra, chế độ ăn của người chấn thương lách cũng không thể thiếu các loại cá béo, điển hình là cá hồi, cá thu, cá mòi,…
Giảm khẩu phần ăn mỗi bữa và ăn thường xuyên hơn trong ngày để ngăn ngừa đầy hơi, khó chịu ở đường tiêu hóa. Từ từ tăng khẩu phần bữa ăn đồng thời giảm tần suất tiêu thụ khi cần thiết để ngăn chặn cảm giác thèm ăn.
5. Chi phí điều trị chấn thương lách
Để được cấp cứu, điều trị kịp thời chấn thương lách, có thể đến các bệnh viện đa khoa, khoa Ngoại. Chi phí cấp cứu và điều trị chấn thương lách phụ thuộc và từng mức độ chấn thương. Người bệnh có bảo hiểm y tế được thanh toán theo quy định; những người lựa chọn khám chữa bệnh, điều trị tự nguyện theo giá dịch vụ được công khai tại mỗi cơ sở y tế.
Theo Thông tư 22 /2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế quy định giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm áp dụng cho các hạng bệnh viện bảo hiểm y tế, trong đó có giá dịch vụ phẫu thuật, thủ thuật theo chuyên khoa. Cụ thể, phẫu thuật cắt lách chưa bao gồm khóa kẹp mạch máu, dao siêu âm hoặc dao hàn mô hoặc dao hàn mạch là 4.644.000 đồng; Phẫu thuật nội soi cắt lách chưa bao gồm máy cắt nối tự động và ghim khâu máy, dao siêu âm hoặc dao hàn mô hoặc dao hàn mạch, kẹp khóa mạch máu là 4.575.000 đồng.
Xem thêm: