Tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ dưới 24 tháng tuổi
Ngày 1/8/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định 2246/QĐ-BYT về Tài liệu chuyên môn Hướng dẫn khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi.
Căn cứ Thông tư số 23/2017/TT-BYT ngày 15/5/2017 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ theo độ tuổi cho trẻ em; tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng; ngày 06/7/2023, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2796/QĐ-BYT về “Hướng dẫn khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi” nhằm hướng dẫn cho cán bộ y tế thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em tại trạm y tế xã/phường/thị trấn.
Tài liệu Hướng dẫn khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi là công cụ hướng dẫn nhân viên y tế tuyến cơ sở khám sàng lọc các bất thường về thể chất, tinh thần và sự phát triển toàn diện cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi tại trạm y tế xã/phường/thị trấn.
Tuy nhiên, sau quá trình triển khai thực tế và phản hồi của các địa phương cho thấy một số nội dung hướng dẫn cần được cập nhật, chỉnh sửa, ngắn gọn, phù hợp, nhằm giúp cho địa phương triển khai hiệu quả hơn. Do vậy, Bộ Y tế đã tiến hành rà soát, chỉnh sửa, cập nhật “Hướng dẫn khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi”.
Tài liệu hướng dẫn được biên soạn căn cứ vào hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với sự tham gia của các bệnh viện đầu ngành về nhi khoa, các bệnh viện được phân công chỉ đạo tuyến về nhi khoa, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), Tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam (Save the Children). Trong quá trình soạn thảo, hướng dẫn đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cán bộ y tế từ thực tiễn triển khai của Sở Y tế/Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/Bệnh viện nhi, sản nhi, Bệnh viện đa khoa các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các địa phương đã triển khai hoạt động khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Hướng dẫn khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi thuộc “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản” sẽ góp phần thay đổi nhận thức và cách thức hoạt động của nhân viên y tế tuyến cơ sở trong việc tiếp cận công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, góp phần tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em ngay từ giai đoạn sớm và ngay từ nền tảng chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Tài liệu hướng dẫn khám sức khỏe định kỳ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi là công cụ hướng dẫn cho các cán bộ y tế tuyến cơ sở khám, sàng lọc sức khỏe cho trẻ từ ngoài độ tuổi sơ sinh đến 24 tháng tuổi.
Cấu trúc của tài liệu gồm 2 Chương, các bảng biểu và các Phụ lục. Chương I là hướng dẫn tổ chức một buổi khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi. Chương II là hướng dẫn khám và tư vấn. Cung cấp những kiến thức cơ bản về sự phát triển thể chất, tinh thần vận động và sự phát triển toàn diện của trẻ để giúp cán bộ y tế các nội dung chuyên môn phục vụ cho việc khám và đánh giá tình trạng sức khỏe của trẻ sau khi khám.
Mục đích của hướng dẫn này là để cán bộ y tế đánh giá sự phát triển toàn diện của trẻ em dưới 24 tháng tuổi, phát hiện các trường hợp bất thường về thể chất, tinh thần và sự phát triển toàn diện cho trẻ em, từ đó có hướng xử trí hoặc can thiệp kịp thời nhằm giảm nguy cơ và gánh nặng bệnh tật.
Hướng dẫn chi tiết khám và tư vấn
Để khám và tư vấn, cán bộ y tế sẽ lập hồ sơ khám, ghi các thông tin về hành chính vào Hồ sơ sức khỏe (nếu khám lần đầu). Ghi các thông tin về hành chính vào Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em (nếu có và khám lần đầu). Cân trọng lượng, đo chiều cao, vòng đầu và chu vi vòng cánh tay. Điền biểu đồ tăng trưởng của trẻ (trong Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em). Ghi vào Phiếu khám theo độ tuổi (các thông số trong phần đánh giá về dinh dưỡng).
Hướng dẫn cha/mẹ/người chăm sóc trẻ và chuyển Phiếu khám sang bàn số 2. Hỏi tiền sử bệnh, dinh dưỡng của trẻ và gia đình, thăm khám sức khỏe trẻ để đánh giá dấu hiệu sinh tồn, đánh giá dinh dưỡng, quan sát và đánh giá sự phát triển tinh thần, vận động, đánh giá và tư vấn tiêm chủng, thăm khám toàn thân và bộ phận, khám phát triển dị tật, bệnh lý.
Cán bộ y tế kết luận về tình trạng sức khỏe tổng thể sau khi khám. Xem lại kết quả đánh giá về dinh dưỡng của trẻ trong Phiếu khám. Tư vấn cho trẻ suy dinh dưỡng (nếu trẻ bị suy dinh dưỡng). Hỏi về chế độ nuôi dưỡng trẻ. Nếu bà mẹ nuôi dưỡng trẻ không hợp lý cần tư vấn cho cha/mẹ/người chăm sóc trẻ về nuôi con bằng sữa mẹ và cho trẻ ăn bổ sung.
Tư vấn về tình trạng sức khỏe (nếu có), tiêm chủng, phát triển trẻ toàn diện (sử dụng thẻ tư vấn), hướng dẫn cách thực hiện và theo dõi. Ghi kết quả khám vào Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em và hoàn thiện hồ sơ sức khỏe. Tư vấn, đảm bảo cha/mẹ/người chăm sóc trẻ đã hiểu đúng các tư vấn của bác sĩ/y sĩ khám. Chuyển trẻ đến đơn vị khám bệnh, chữa bệnh phù hợp (nếu cần thiết).
Về công tác chuẩn bị: Lập kế hoạch và thông tin về buổi khám: Trạm Y tế lập kế hoạch khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em trên địa bàn hằng quý, gửi Trung tâm y tế huyện và UBND xã . Nếu cần hỗ trợ nhân lực từ Trung tâm y tế huyện, Trạm Y tế xã cần nêu rõ trong kế hoạch. Đồng thời, phối hợp với chính quyền, đoàn thể xã/thôn thực hiện truyền thông đến cộng đồng về tầm quan trọng và mục đích của khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em. Trạm Y tế thông báo đến cha mẹ của từng trẻ 2-3 ngày trước khi buổi khám được tổ chức (Mẫu tờ thông tin về khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi ).
Không mời quá 30 trẻ trong một buổi khám để đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Căn cứ tình hình thực tiễn, địa phương triển khai buổi khám sức khỏe định kỳ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi riêng hoặc kết hợp trong buổi tiêm chủng mở rộng.
Về hướng dẫn về nhân lực: Bố trí nhân lực cho một ekip khám như sau: 1 bác sĩ, 2 nhân viên y tế (điều dưỡng, hộ sinh hoặc nhân viên y tế công cộng). Các nhân viên tham gia khám phải được tập huấn hoặc được phổ biến về nội dung khám sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn này. Có thể huy động sinh viên tình nguyện của trường đào tạo nhân lực y tế trên địa bàn; Y tế thôn, bản; Cô đỡ thôn, bản… để hỗ trợ công tác đón tiếp, hướng dẫn cha mẹ đưa trẻ đến các bàn khám… Căn cứ tình hình thực tiễn về nhân lực y tế và số lượng trẻ đến khám, trạm y tế bố trí 1 ekip khám hoặc nhiều hơn trong một buổi khám…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Những yếu tố nào khiến chúng ta gặp tình trạng lão suy sớm hơn? | SKĐS