Từ lâu, bánh trung thu đã trở thành món quà không thể thiếu trong mỗi dịp trăng rằm tháng Tám, gửi gắm những lời chúc tốt đẹp đến người thân, bạn bè. Trung Thu là dịp để sum vầy và tận hưởng không khí gia đình ấm áp. Hãy để bánh trung thu là một phần của niềm vui đó, nhưng đừng để sự ngon miệng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
Bánh trung thu, dù là bánh dẻo hay bánh nướng, đều được làm từ các thành phần chính như bột mì, đường, dầu mỡ, trứng và nhân bánh đa dạng như đậu xanh, hạt sen, thịt… Chính vì thế, bánh trung thu cung cấp một lượng năng lượng đáng kể từ đường và chất béo. Chỉ 1/2 chiếc bánh trung thu nhân trứng đậu xanh (loại 1 trứng) cũng có năng lượng tương đương gần 5 lon nước ngọt (loại 330ml) hoặc 2,5 miệng bát cơm tẻ rồi!
Dù là món ngon truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Trung Thu, nhưng bánh trung thu cũng tiềm ẩn những tác động không tốt cho sức khỏe nếu chúng ta tiêu thụ lượng quá nhiều. Calo dư thừa từ bánh sẽ nhanh chóng tích tụ thành mỡ, khiến cân nặng tăng không kiểm soát. Đường trong bánh Trung thu thường là đường tinh luyện, do đó được hấp thụ nhanh vào máu, gây tăng đột biến đường huyết. Hàm lượng dầu mỡ và đường cao trong bánh có thể gây ra sự khó tiêu, đầy bụng. Đặc biệt, đối với người có bệnh tiểu đường, béo phì hoặc có nguy cơ mắc bệnh, việc lựa chọn bánh trung thu cần đặc biệt cẩn trọng và nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Hãy ưu tiên các loại bánh có hạt, ngũ cốc nguyên cám, hoặc các loại bánh ít đường, ít calo. Nên coi bánh trung thu như một món ăn nhẹ sau bữa chính, ăn với lượng vừa phải, không nên ăn quá nhiều một lần. Khi ăn nên kết hợp với các loại thực phẩm khác như trái cây để cân bằng dinh dưỡng và uống nhiều nước để hỗ trợ tiêu hóa.
Cũng như nhiều loại bánh ngọt khác, quá trình chế biến, sản xuất, và bảo quản bánh trung thu có thể tiềm ẩn những nguy cơ về an toàn thực phẩm. Trong quá trình sản xuất bánh trung thu, có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm, bao gồm vi khuẩn như E.coli, Staphylococcus aureus, nấm mốc như Aspergillus, Penicillium, và các chất hóa học như chất bảo quản, phẩm màu không rõ nguồn gốc và/hoặc sử dụng vượt liều cho phép. Những nguy cơ này thường xuất phát từ việc vệ sinh an toàn thực phẩm kém trong quá trình sản xuất, sử dụng nguyên liệu không đảm bảo, dụng cụ chế biến không sạch sẽ, người chế biến không đảm bảo vệ sinh, hoặc sử dụng chất phụ gia quá mức để tăng thời hạn sử dụng, cải thiện màu sắc và hương vị.
Xu hướng tìm đến bánh Trung thu làm bằng phương pháp thủ công (handmade), bán qua các mạng xã hội, đang ngày càng phổ biến, xuất phát từ tâm lý muốn tránh tiêu thụ các chất bảo quản hóa học trong sản phẩm công nghiệp. Tuy nhiên, đằng sau sự hấp dẫn và tâm lý “sạch”, “tự nhiên” của những chiếc bánh tự làm này là những rủi ro tiềm ẩn về an toàn thực phẩm. Nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thậm chí là hộ cá nhân, có thể nhập các nguyên liệu không rõ xuất xứ từ các chợ, không cung cấp đầy đủ các thông tin về sản phẩm như nhãn mác, điều kiện bảo quản, ngày sản xuất, hạn sử dụng. Đặc biệt đối với bánh dẻo, do không qua xử lý nhiệt sau khi đúc từ khuôn bánh và thường được bảo quản ở nhiệt độ thường, bánh dẻo có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật cao hơn so với bánh nướng.
Để đảm bảo an toàn và tận hưởng trọn vẹn hương vị bánh trung thu, hãy ưu tiên lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, nhãn mác đầy đủ thông tin về nhà sản xuất, thành phần và hạn sử dụng. Khi mở bánh, hãy kiểm tra bao bì xem có bị rách, móp méo hay không, đồng thời kiểm tra mùi vị của bánh để đảm bảo không có mùi hoặc màu sắc lạ. Bảo quản bánh theo hướng dẫn của nhà sản xuất, thường là nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và chỉ nên tiêu thụ bánh khi còn hạn sử dụng để đảm bảo hương vị và chất lượng tốt nhất.
Bánh trung thu là một phần không thể thiếu của Tết Trung thu, mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe, chúng ta vẫn cần lựa chọn sản phẩm bảo đảm an toàn, có nguồn gốc ró ràng, thưởng thức bánh trung thu một cách lành mạnh, khoa học.
TS. Nguyễn Quốc Anh – Phó trưởng Khoa Vi sinh thực phẩm & Sinh học phân tử – Viện Dinh dưỡng