1. Quy tắc “lỏng trước – đặc sau” để chăm sóc da hiệu quả
“Lỏng trước đặc sau” là một quy tắc chăm sóc da rất cơ bản ai cũng cần biết. Theo đó nên sử dụng các sản phẩm theo quy tắc:
– Toner (nước cân bằng) thường được dùng trước tiên (trừ khi dùng tinh chất kích hoạt cho da).
– Thoa serum.
– Thoa kem dưỡng khác.
Trường hợp kết hợp 2 loại tinh chất trong một quy trình, cũng nên thoa loại lỏng hơn trước rồi mới đến loại đặc sau. Cố gắng chỉ dùng một loại serum có chứa chất chống oxy hóa vitamin C để bảo vệ da và kích thích sản sinh collagen.
Quy tắc này dành cho các bạn mới tập skincare. Khi chưa rành các hoạt chất thì chỉ cần sử dụng theo thứ tự “lỏng trước đặc sau”. Trong đó sản phẩm dạng xịt là lỏng nhất, sau đó đến dạng nước, đặc hơn một chút là serum, đặc hơn chút nữa là lotion, rồi mới đến gel, cream và cuối cùng là dạng oil.
Cần lưu ý có thời gian nghỉ giữa các bước thoa các sản phẩm. Tối thiểu phải dành ra khoảng 2 phút để nghỉ giữa các bước để sản phẩm dưỡng da sẽ thấm đều và không bị bết vón. Nếu buổi sáng không có nhiều thời gian, nên rút gọn các bước dưỡng da thay vì dồn dập thoa loại này tới loại kia. Hoặc bạn có thể tranh thủ thời gian nghỉ này để làm các việc khác. Ví dụ sau khi rửa mặt thì thoa serum, sau đó thay quần áo. Thay quần áo xong thoa kem dưỡng ẩm rồi chải tóc. Chải tóc xong rồi thoa kem chống nắng…
Mặc dù các bước thứ tự như trên, nhưng nếu da nhạy cảm, dễ bị kích ứng với hoạt chất trong serum, có thể đảo ngược thứ tự dưỡng da.
Ví dụ như thoa một lớp kem dưỡng thật mỏng trước, vỗ nhẹ cho kem thấm đều rồi mới thoa serum. Cách này có thể áp dụng với các loại serum chống lão hóa. Tuy nhiên chỉ nên làm trong thời gian ngắn để da thích ứng dần với serum. Sau đó cần trở lại đúng quy trình. Trường hợp da vẫn nhạy cảm thì nên đổi sang loại serum khác. Khi đã thoa kem dưỡng ẩm nhưng da vẫn khô, có thể thoa thêm dầu dưỡng ở bước sau cùng.
Lưu ý, khi thời tiết oi bức thì không sử dụng sản phẩm gốc dầu lên toàn bộ da mặt mà chỉ thoa ở những vị trí dễ bị khô, bong tróc như xung quanh mũi hay gò má, trán… để tránh bị mụn.
2. Quy tắc gốc nước trước – gốc dầu sau
Các serum là sản phẩm dưỡng da gốc nước. Trong khi đó dầu dưỡng da là sản phẩm gốc dầu. Cả thành phần gốc nước và gốc dầu đều có chức năng riêng trong việc dưỡng da, không loại nào là cần thiết hơn loại nào. Quan trọng là quy trình cũng như cách sử dụng ra sao để đạt hiệu quả.
Nước cùng với collagen và elastin trong lớp hạ bì tạo độ đàn hồi và cảm giác căng mọng cho làn da. Dầu có trong lớp biểu bì là hàng rào bảo vệ da. Các loại dầu ở dạng lipid, acid béo và ceramide tạo nên một lớp rào giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước, hỗ trợ khóa ẩm, mang lại cảm giác mềm mại và mịn màng cho làn da.
Bổ sung cả sản phẩm gốc nước như serum và dầu dưỡng da, ở hàm lượng phù hợp, sẽ giúp làn da của bạn thêm khỏe mạnh. Nếu chỉ sử dụng sản phẩm cấp nước và loại bỏ dầu trên da, thì làn da sẽ mất đi một thành phần quan trọng cần thiết bảo vệ da.
Tuy nhiên khi sử dụng cần phải dùng sản phẩm có gốc nước trước sau đó mới đến gốc dầu để quá trình thẩm thấu tốt hơn và giữ độ ẩm cho da. Nếu dùng ngược lại, sản phẩm gốc dầu sẽ như màng chắn, ngăn những sản phẩm bôi sau thẩm thấu sâu vào da.
3. Độ pH thấp trước – pH cao sau
Theo các nghiên cứu, độ pH lý tưởng nhất cho làn da nằm ở ngưỡng 5,5. Đây là độ pH giúp làn da rạng rỡ, khỏe mạnh và có khả năng ngăn ngừa các vi khuẩn hiệu quả nhất. Với độ pH này, màng acid mantle trên da sẽ hoạt động mạnh mẽ, tiêu diệt những nhân tố có hại từ ngoài môi trường. Từ đó hạn chế hình thành mụn, giúp bề mặt da sáng khỏe, căng mịn.
Các sản phẩm chăm sóc da thường có độ pH từ 4.5 đến 6.2. Khi lựa chọn mỹ phẩm có độ pH quá cao đều không có lợi. Độ pH trong mỹ phẩm quá thấp sẽ khiến da tiết dầu, lỗ chân lông to và thường xuyên nổi mụn. Ngược lại, độ pH trong mỹ phẩm vượt quá mức cân bằng khiến da dễ bị kích ứng, lão hóa da sớm, da khô ráp… Hơn nữa, khi lớp màng bảo vệ da bị phá vỡ cũng khiến cho việc sử dụng các sản phẩm dưỡng da không đạt hiệu quả tối ưu.
Các mỹ phẩm, tùy thuộc vào công dụng, thành phần của sản phẩm sẽ có độ pH khác nhau. Dựa vào đó, sẽ có cách lựa chọn độ pH tương ứng với độ pH sinh lý của da và hạn chế được tối đa kích ứng. Với người có quy trình chăm sóc da sử dụng nhiều sản phẩm cần theo nguyên tắc: Sản phẩm có độ pH thấp sử dụng trước, pH cao thì sử dụng sau.
Ví dụ:
- Vitamin C dạng LAA sẽ có pH 3-3.5, phái sinh là 6-7
- BHA và AHA có pH dưới 4
- Azelaic Acid, Arbutin và Nia là khoảng 5-6
- Retinoids là 5-8
- HA và các hoạt chất dưỡng ẩm, phục hồi là 6-7
Bạn có thể thực hiện thứ tự skincare thông thường theo các bước: BHA/AHA – vitamin C – Serum Nia – Retinoids – Dưỡng ẩm. Trường hợp da dễ bị kích ứng, có thể thoa HA trước rồi mới thoa vitamin C – Retinol để giảm kích ứng. Sau khi da quen dần nên thoa theo đúng thứ tự.
4. Treatment trước và dưỡng ẩm sau
Treatment trong skincare là một phương pháp điều trị các vấn đề trên da như tàn nhang, nám sạm, mụn, da xỉn màu, lỗ chân lông to, lão hóa da… Quy trình này thường sử dụng những sản phẩm đặc trị theo hướng dẫn của bác sĩ da liễu hoặc chuyên gia chăm sóc da, được khuyên dùng những người có chuyên môn.
Phương pháp treatment này là một bước skincare hay dưỡng da nâng cao. Các sản phẩm sử dụng cần có như vitamin và acid AHA/BHA, retinol… để kích thích tế bào thúc đẩy điều trị da tích cực hơn.
Trong chu trình skincare này thì thoa kem dưỡng ẩm luôn là bước cuối cùng. Bởi nếu thoa kem dưỡng ẩm trước sẽ tạo lớp màng dày khiến những chất bôi nhằm treatment khó mà thẩm thấu được và hiệu quả điều trị sẽ giảm. Tuy nhiên, với người mới bắt đầu sử dụng retinol/tretinoin, có thể đảo ngược dùng kem dưỡng ẩm trước (hoặc trộn retinol/tretinoin với kem dưỡng ẩm để giảm kích ứng). Sau khi da quen dần thì quay về quy trình chuẩn.
Mời độc giả xem thêm video:
Viên uống trắng da, chống nắng có hại gan thận?