5 yếu tố dinh dưỡng quan trọng với người bệnh ung thư

1. Lợi ích của dinh dưỡng tốt

Bệnh ung thư và quá trình điều trị sẽ ảnh hưởng đến cách cơ thể dung nạp, hấp thụ một số loại thực phẩm và chất dinh dưỡng.

TS.BS. Phạm Thị Việt Hương, chuyên khoa ung thư, Bệnh viện Quốc tế Vinmec cho biết: Đáp ứng đủ dinh dưỡng khi điều trị ung thư sẽ mang lại lợi ích như duy trì được sức khỏe để theo đuổi quá trình điều trị, hạn chế được độc tính và tác dụng phụ của thuốc hóa trị, xạ trị, nhanh chóng làm lành vết mổ, phục hồi sức khỏe nhanh sau phẫu thuật, cải thiện tâm trạng người bệnh.

5 yếu tố dinh dưỡng quan trọng với người bệnh ung thư- Ảnh 1.

Người bệnh ung thư cần cung cấp đủ chất dinh dưỡng.

Cụ thể chế độ ăn uống lành mạnh mang lại những lợi ích quan trọng cho bệnh nhân ung thư như:

  • Người bệnh cảm thấy tốt hơn.
  • Cung cấp sức đề kháng và năng lượng cần thiết.
  • Giúp duy trì trọng lượng cơ thể để lưu trữ chất dinh dưỡng.
  • Cho phép cơ thể chịu đựng tốt hơn các tác dụng phụ của điều trị.
  • Giảm nguy cơ nhiễm trùng (giúp duy trì khả năng miễn dịch).
  • Chữa lành và phục hồi nhanh hơn.

Ăn uống lành mạnh có nghĩa là phải bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng như carbohydrate, chất béo, protein, vitamin, khoáng chất và chủ yếu là nước vào chế độ ăn. Điều quan trọng người bệnh cần nhớ là mình ăn vì sức khỏe chứ không phải ăn để lấp đầy dạ dày.

2. Một số yếu tố dinh dưỡng quan trọng trong chế độ ăn cho người bệnh ung thư

GS.TS. Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng; Phụ trách Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K; Trưởng bộ môn Dinh dưỡng An toàn thực phẩm (Trường Đại học Y Hà Nội) cho biết: Mỗi người bệnh có thể trạng khác nhau, quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể hay tiêu hao năng lượng cũng khác nhau, đặc biệt là với bệnh ung thư, do đó bệnh nhân ung thư nên đến gặp bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ dinh dưỡng để thiết lập cho mình chế độ ăn phù hợp, hiệu quả.

Chế độ ăn của bệnh nhân ung thư hay bất cứ trường hợp nào khác đều cần phải đảm bảo sự cân bằng và đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng.

Chất dinh dưỡng

Ý nghĩa của chất dinh dưỡng

Nguồn thực phẩm

1. Protein

Protein cần thiết cho sự phát triển, sửa chữa và duy trì hệ thống miễn dịch của cơ thể. Sau khi điều trị ung thư, dù là phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị đều cần thêm protein để giúp cơ thể chữa lành và chống lại nhiễm trùng.

Cá, gia cầm, thịt, trứng, các sản phẩm từ sữa ít béo, các loại hạt, đậu lăng và thực phẩm từ đậu nành…

2. Chất béo lành mạnh

Mặc dù chất béo lành mạnh chỉ là một phần nhỏ trong kim tự tháp thực phẩm nhưng nó đóng vai trò quan trọng trong dinh dưỡng. Chất béo là nguồn năng lượng rất dồi dào. Cơ thể sẽ phân hủy chất béo để dự trữ năng lượng, giữ nhiệt cho cơ thể và vận chuyển một số vitamin…

Dầu thực vật, dầu đậu phộng, ngô, hạt lanh, sữa, phô mai, bơ…

3.Carbohydrate

Carbohydrate là nhiên liệu cho cơ thể. Chúng là nguồn năng lượng thiết yếu nhất. Nó không chỉ giúp ích cho hoạt động thể chất mà còn giúp các cơ quan hoạt động bình thường.

Trái cây, rau và ngũ cốc, bánh mì, khoai tây, ngũ cốc, ngô, các loại đâu như đậu Hà Lan…

4. Nước

Nước rất quan trọng đối với hoạt động của tế bào. Cơ thể có thể mất nhiều chất lỏng trong quá trình điều trị ung thư do nôn mửa hoặc tiêu chảy và bị mất nước (không đủ chất lỏng trong cơ thể). Nếu nước mất cân bằng trong cơ thể, các khoáng chất và vitamin khác cũng mất cân bằng một cách nguy hiểm. Ngoài nước trong thực phẩm, ít nhất phải tiêu thụ thêm 2-3 lít mỗi ngày.

5. Vitamin và khoáng chất bố sung

Mặc dù cần một lượng nhỏ, vitamin và khoáng chất vẫn cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể. Hầu hết các vitamin và khoáng chất đều có trong thực phẩm tự nhiên, tuy nhiên, chúng cũng có sẵn dưới dạng viên bổ sung và sirô. Trong suốt quá trình điều trị, bác sĩ có thể kê đơn thêm vitamin nếu chế độ ăn không đáp ứng để tăng cường hệ miễn dịch.

3. Lời khuyên để chuyển sang chế độ ăn uống lành mạnh

Ung thư và các phương pháp điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của người bệnh như chán ăn, thay đổi vị giác hoặc khứu giác, buồn nôn, nôn. Sự căng thẳng, lo lắng, các loại thuốc khác và phương pháp điều trị như xạ trị có thể gây mất vị giác tạm thời, trong khi hóa trị có thể làm cho thực phẩm có mùi vị khác nhau…

Vì vậy nếu gặp tình trạng buồn nôn và nôn mửa do hóa trị và xạ trị gây ra hãy thông báo cho bác sĩ khi có triệu chứng buồn nôn đầu tiên vì thuốc chống nôn có thể phù hợp.

5 yếu tố dinh dưỡng quan trọng với người bệnh ung thư- Ảnh 2.

Trái cây nhiều màu sắc có lợi cho sức khỏe.

Lưu ý về chế độ ăn

GS.TS. Lê Thị Hương cho biết, dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong chăm sóc người bệnh ung thư. Người bệnh đang điều trị không cần kiêng khem nghiêm ngặt nhưng nên lưu ý một số điều dưới dây:

  • Ăn ít nhưng đủ dinh dưỡng, giàu năng lượng và giàu đạm.
  • Bổ sung thêm các sản phẩm giàu dinh dưỡng (sữa dinh dưỡng).
  • Kiểm soát được lượng thức ăn mà người bệnh ăn vào.
  • Nên uống nước trước hoặc sau bữa ăn 30 phút. Tránh uống nước trong khi ăn vì điều này có thể làm giảm sự ngon miệng.
  • Không nên ăn uống đồ có đường, nước ngọt, thức ăn nhiều chất béo.
  • Thường xuyên thay đổi cách chế biến và màu sắc của thức ăn để tăng sự hấp dẫn. Tránh ngửi mùi thức ăn khi đang chế biến.
  • Giữ vệ sinh răng, miệng.
  • Nếu không ăn được thức ăn thông thường thì chuyển sang chế độ ăn nhỏ, mềm, nhuyễn (cháo, súp…)
  • Khi người bệnh không ăn được hoặc chế độ ăn uống thông thường không đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng thì phải có các phương pháp hỗ trợ nuôi dưỡng hoặc nuôi dưỡng thay thế.

Tham khảo chế độ ăn lành mạnh

  • Tăng lượng trái cây và rau quả, ưu tiên chế độ ăn cầu vồng (kết hợp các loại trái cây, rau củ quả với nhiều màu sắc khác nhau) hàng ngày hoặc hàng tuần.
  • Ăn nhẹ bằng các thực phẩm lành mạnh, chẳng hạn như trái cây, rau, quả hạch, các loại hạt. Thay đổi bữa ăn nhẹ là một cách đơn giản để hướng tới việc ăn uống lành mạnh.
  • Giảm lượng thịt đỏ và thịt chế biến sẵn bằng cách chọn cá, hải sản hoặc thịt gia cầm; hạn chế ăn thịt đỏ thường xuyên hơn. Có rất nhiều lựa chọn tuyệt vời về protein từ thực vật như ăn đậu, đậu lăng, đậu Hà Lan và đậu phụ một vài lần mỗi tuần.
  • Chọn ngũ cốc nguyên hạt hoặc carbohydrate nguyên chất khác thay vì carbohydrate đã qua chế biến trong bữa ăn. Hãy thử mì spaghetti bí hoặc mì chay thay vì mì ống. Chuyển sang gạo lứt hoặc quinoa thay vì gạo trắng.
  • Ăn salad, bổ sung thêm các loại hạt, hạt hoặc đậu làm nguồn protein; Ăn trái cây để tráng miệng.
Chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư thực quảnChế độ ăn cho bệnh nhân ung thư thực quản

SKĐS – Dinh dưỡng trong và sau điều trị là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị cho bệnh nhân ung thư thực quản.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Làm sao để phát hiện sớm ung thư gan?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *