Ngày 29/8, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế – đã làm trưởng đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM).
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, WHO đã đưa ra cảnh báo về tình trạng gia tăng đột biến ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát tại nhiều khu vực đặc biệt là nhóm người chưa được tiêm phòng đầy đủ. Tính riêng 3 tháng đầu năm đã có gần 57.000 ca mắc. Một số quốc gia như Anh, Pháp…đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với dịch sởi.
5 nguyên nhân gây bùng phát dịch sởi
Tính từ đầu năm tới ngày 25/8, TPHCM đã có 525 ca sốt phát ban nghi sởi. Trong đó, có 209 ca dương tính (39,8%), 164 ca không lấy mẫu (31,2%), 02 ca có kết quả xét nghiệm không xác định (0,4%), 23 ca chưa có kết quả (4,4%) và 127 ca âm tính (24,2%).
Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1, từ đầu năm tới nay bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị nội trú cho 368 ca bệnh sởi. Trong đó, có 42 ca phải điều trị tại khoa Hồi sức Nhiễm. Số ca sởi đang gia tăng ở một số tỉnh, thành phố và đặc biệt tại TPHCM.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, có 5 nguyên nhân khiến dịch sởi bùng phát. Theo đó, nguyên nhân đầu tiên là do khoảng trống tiêm chủng các bệnh lưu hành trong thời gian đại dịch COVID-19.
Nguyên nhân thứ hai là do tất cả các nước đều tập trung ứng phó với đại dịch COVID-19 nên đã ảnh hưởng đến nguồn lực kiểm soát các dịch bệnh khác.
Nguyên nhân thứ ba là hệ quả phong tỏa hạn chế đi lại thời gian COVID-19 đã khiến khả năng miễn dịch của con người đối với các bệnh lây nhiễm thông thường giảm xuống.
Thứ tư là xu hướng hội nhập hợp tác quốc tế sau dịch COVID-19 ngày càng tăng, đặc biệt là quá trình đô thị hóa. Cuối cùng là ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tình trạng kháng thuốc kháng sinh, thiếu hụt thuốc, vật tư và khó khăn trong nghiên cứu, phát triển các loại vaccine, thuốc và các phác đồ điều trị.
“Tình hình dịch sởi đang ngày càng trở nên khó khăn, thách thức cho cả nước, đặc biệt là cho TPHCM và các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố trong việc ứng phó dịch bệnh, điều trị cho các bệnh nhân sinh sống trên địa bàn và các tỉnh thành lân cận chuyển tới”, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương nhận định.
Chỉ tiêm đủ 2 mũi vaccine
Theo báo cáo của TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, trong số 42 ca sởi nặng cần điều trị tại khoa Hồi sức Nhiễm của bệnh viện, tỉ lệ chích ngừa đủ 2 mũi vaccine ở những bệnh nhi này là 0%.
TS.BS Hoàng Minh Đức – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế – cho biết, sau 3 ngày tiêm vaccine sẽ bắt đầu có miễn dịch, sau 7 ngày tiêm cơ thể đã có đủ miễn dịch bảo vệ và sau 42-56 ngày tiêm vaccine cơ thể đã đạt được kháng thể cao nhất. Vậy nên, TPHCM tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine rất phù hợp. Tuy nhiên, Sở Y tế TPHCM cần cân nhắc các đối tượng tiêm trong chiến dịch tiêm này.
“TPHCM triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi không kể lịch sử tiêm chủng trước đó. Tuy nhiên, các chuyên gia của Hội đồng Tiêm chủng và Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo chỉ tiêm đủ 2 mũi vaccine. Bên cạnh đó, cho tới nay nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào về việc tiêm vaccine mũi thứ 3. Đồng thời, Bộ Y tế cũng quy định chỉ tiêm 2 mũi vaccine sởi, không cho phép tiêm mũi thứ 3. Vậy nên, Sở Y tế TPHCM cần cân nhắc khi tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine, không tổ chức tiêm đại trà, thực hiện theo quy định của Bộ Y tế và khuyến cáo của WHO”, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nói.
Đồng quan điểm với Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế, TTND. BS Bạch Văn Cam – Cố vấn cao cấp của Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, để phòng chống dịch sởi thì vaccine là quan trọng nhất, đặc biệt là trong giai đoạn ca sởi đang tăng như hiện nay. Việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine để tăng miễn dịch cộng đồng là rất cần thiết. Tuy nhiên, tất cả các y văn đều cho rằng, tiêm 2 mũi vaccine là tốt nhất và không cần tiêm thêm.
TTND.BS Bạch Văn Cam chia sẻ: “Để tránh tình trạng tiêm đại trà không kể lịch sử tiêm chủng trong chiến dịch tiêm vaccine sởi sắp tới, TPHCM nên lập bảng câu hỏi cho tất cả người dân từ trẻ em cho tới người lớn. Trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi thì không tiêm thêm. Trường hợp mới tiêm 1 mũi hoặc không rõ lịch sử tiêm thì sẽ tiến hành tiêm, tránh tình trạng tiêm mũi thứ 3”.
Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho hay: “Hiện nay trên thế giới có rất nhiều loại vaccine sởi khác nhau, Tổ chức Y tế Thế giới có khuyến cáo, nếu trường hợp cần thiết và được cấp phép tiêm mũi bổ sung thì nên tiêm mũi bổ sung. Tuy nhiên, loại vaccine chúng ta đang dùng chỉ cấp phép 2 mũi tiêm. Vậy nên, trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi rồi thì không cần tiêm thêm mũi thứ 3”.
Tuyệt đối không để dịch chồng dịch
Qua báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao Bệnh viện Nhi đồng 1 khi đã có kế hoạch, phương án phòng chống dịch ngay từ đầu năm. Ngay khi ghi nhận số ca mắc sởi tăng nhanh và nhiều, TPHCM đã chủ động công bố dịch để chủ động huy động nguồn lực chống dịch, chủ động phân luồng, cách ly, thu dung điều trị dịch bệnh, hạn chế ca tử vong.
Để phòng chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Bệnh viện Nhi đồng 1 cùng các bệnh viện trên địa bàn TPHCM phối hợp với Sở Y tế TPHCM tiếp tục tăng cường công tác thu dung, điều trị bệnh nhi mắc bệnh sởi, giảm các trường hợp chuyển nặng và tử vong. Đồng thời, kiểm soát lây nhiễm chéo trong bệnh viện bằng cách phân luồng, lọc bệnh hợp lý, tuyệt đối không để dịch chồng dịch.
Tiến hành tiêm vaccine cho trẻ, trong giai đoạn này cần ưu tiên tiêm vaccine sởi cho trẻ 1 – 5 tuổi. Trong thời gian tới có thể mở rộng đối tượng tiêm cho những trẻ đến 10 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine. Đồng thời, tổ chức tiêm vaccine cho nhân viên y tế có nguy cơ và thường xuyên tiếp xúc với trẻ mắc bệnh.
Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện thường xuyên trao đổi, thông tin các trường hợp bệnh với CDC và với các tỉnh, thành phố có bệnh nhân sinh sống để kiểm tra dịch tễ. Ngay khi tiếp nhận các ca bệnh, các cơ sở y tế cần trao đổi thông tin với địa phương liên quan để phòng chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Sở Y tế TPHCM xem xét điều phối, cung cấp vitamin A liều cao cho các cơ sở y tế để các cơ sở điều trị bệnh. Tiếp tục đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để phòng chống dịch. Đặc biệt, các bệnh viện cần chủ động liên hệ và báo cáo kịp thời với Sở Y tế, Cục Quản lý Dược trong trường hợp cần các thông tin liên quan đến các loại thuốc được cấp phép hoặc trường hợp cần cung cấp thuốc kịp thời để điều trị cho bệnh nhân.
Ngoài ra, TPHCM cần tiếp tục công tác truyền thông cho người dân, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế trong công tác phòng chống dịch để người dân chủ động phòng chống dịch và phối hợp với bệnh viện phòng chống dịch.
Tăng cường đào tạo cho các tỉnh, các cơ sở tuyến dưới đặc biệt là các phòng khám tư nhân trong công tác điều trị, đảm bảo điều trị tốt, chuyển viện phù hợp, an toàn, không để xảy ra tình trạng quá tải bệnh viện.