Đây là những thông tin được GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh tại buổi làm việc ngày 21/8 giữa Bộ Y tế và Hội Liên Hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam về đề xuất chính sách đưa chi phí khám sáng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được BHYT chi trả.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn và bà Đỗ Thị Thu Thảo – Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam đồng chủ trì buổi làm việc.
Khoảng 2.600 phụ nữ Việt tử vong vì ung thư cổ tử cung mỗi năm
Thông tin tại buổi làm việc cho thấy, theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới trong Chiến lược Toàn cầu nhằm đẩy nhanh việc loại bỏ bệnh ung thư cổ tử cung như một vấn đề về sức khỏe cộng đồng công bố năm 2020, việc xóa bỏ ung thư cổ tử cung sẽ góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs): về nghèo đói đa chiều, về cuộc sống khỏe mạnh, về bình đẳng giới và về giảm bất bình đẳng.
Theo các chuyên gia y tế, hàng năm trên thế giới có khoảng 604.000 ca mắc mới và 342.000 phụ nữ chết vì căn bệnh này. Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư được chẩn đoán phổ biến nhất ở 23 quốc gia và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở 36 quốc gia. Tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư cổ tử cung cao nhất ở khu vực Cận Sahara, Nam Mỹ, Đông Á, Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ – trẻ em Đinh Anh Tuấn thông tin, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng hơn 5.000 phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung và khoảng 2.600 người tử vong vì căn bệnh này.
Bệnh có thể phát triển qua nhiều năm, vì vậy bệnh phần lớn được thấy ở độ tuổi 40-70, nhưng cũng có thể thấy ở tuổi 20. So với các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ khác thì ung thư cổ tử cung là bệnh có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán sớm, khả năng khỏi bệnh cao, nếu bệnh tiến triển giai đoạn muộn điều trị khó khăn, tiên lượng xấu, bệnh có thể sàng lọc để phát hiện sớm.
Tiên lượng bệnh nhân ung thư cổ tử cung phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn I trên 90%, giai đoạn II từ 60% đến 80%, giai đoạn III khoảng 50% và giai đoạn IV dưới 30%.
Nhiễm virus gây u nhú ở người (HPV) là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư cổ tử cung và một số bệnh khác như ung thư hậu môn, bộ phận sinh dục và ung thư hầu miệng. Hiện nay chưa có thuốc điều trị nhiễm HPV đặc hiệu nên thường dẫn đến nhiễm HPV dai dẳng hoặc tái diễn và đó chính là nguy cơ tiến triển thành ung thư cổ tử cung. Trong khi đó, chi phí điều trị ung thư cổ tử cung rất tốn kém.
“Vì đối tượng mắc chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên bệnh ung thư cổ tử cung không chỉ ảnh hưởng đối với sức khỏe, tính mạng của người bệnh mà còn ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trẻ em. Đồng thời làm suy giảm lực lượng lao động rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”- ông Đinh Anh Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng bày tỏ nhất trí với đề xuất của Hội LHPN Việt Nam về việc mở rộng quyền lợi để người tham gia BHYT có thể được hưởng các dịch vụ sàng lọc, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung nhằm đạt mục tiêu 90% trẻ em gái được tiêm vaccine sớm, 70% phụ nữ từ 45 – 65 tuổi được sàng lọc ung thư cổ tử cung, 90% các tổn thương của ung thư được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tiến tới loại trừ căn bệnh ung thư cổ tử cung tại Việt Nam.
“Có thể chi phí ban đầu của Quỹ BHYT sẽ tăng nhưng sẽ giảm gánh nặng cho phí điều trị, chăm sóc phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung sau này. Việc này sẽ mang lại lợi ích cho không chỉ sức khỏe của phụ nữ mà còn cho cả an sinh xã hội” – Vụ trưởng Đinh Anh Tuấn nói.
Đề xuất chính sách đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được BHYT chi trả là hợp lý
Bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam, chia sẻ, hiện nay ung thư cổ tử cung là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan ngại vì có ảnh hưởng đến phúc lợi, sức khỏe và đời sống tinh thần của phụ nữ và toàn bộ dân số.
Còn bà Trương Thị Thu Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình-Xã hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam nêu quan điểm: Thực tế đã khẳng định nhu cầu sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ là cấp thiết và mong muốn đưa dịch vụ này vào BHYT nhằm giảm gánh nặng chi phí cho người phụ nữ, gia đình và xã hội. Tác động kinh tế khi đề xuất đưa các nội dung sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục BHYT chi trả về lâu dài là không đáng kể vì tổng chi phí khám sàng lọc thấp hơn rất nhiều so với chi phí điều trị.
“Từ năm 2021, chúng tôi đa có các hội thảo, hội nghị lắng nghe ý kiến của chị em làm công tác Hội Phụ nữ các cấp về vấn đề này và tất thảy mong muốn của chị em đều mong muốn đưa chi phí khám sáng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được BHYT chi trả” – bà Thủy nói.
Phát biểu kết luận, GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, trên cơ sở thực của tình hình bệnh ung thư cổ tử cung (có tỷ lệ mắc cao, đây cũng là loại ung thư điển hình của hiệu quả trong phòng bệnh và sàng lọc – tiêm vaccine và test xét nghiệm phát hiện sớm) và ý kiến của các chuyên gia cho thấy đề xuất chính sách đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được BHYT chi trả là hợp lý.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Với hệ thống y tế rộng khắp, mạng lưới khám chữa bệnh hoàn toàn đủ năng lực làm việc này. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy nhờ sàng lọc, phát hiện sớm bệnh này nên hiện ung thư cổ tử cung đã được loại ra khỏi danh sách các bệnh ung thư có tỷ lệ mắc cao.
“Chúng ta cùng đồng hành vì sức khỏe chị em. Để làm được điều này công tác tuyên truyền hết sức quan trọng để cơ quan chức năng hiểu và ủng hộ về mặt chính sách; cũng như để chị em thấy được ý nghĩa của tầm soát, phát hiện sớm” – GS.TS Trần Văn Thuấn nói.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn giao Viện Chiến lược phối hợp với Vụ BHYT có đánh giá tổng quan, chính xác hơn và theo độ tuổi để đưa ra các số liệu thuyết phục về tác động đến Quỹ BHYT khi áp dụng chính sách này. Đồng thời phải đưa ra được hiệu quả rõ ràng của việc tầm soát, xét nghiệm phát hiện sớm. “Khi phân tích, đánh giá phải có cái nhìn tổng thể cả về sức khỏe và hiệu quả xã hội, hiệu quả kinh tế” – Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng đề nghị sau cuộc họp này, hai bên cần có sự phối hợp chặt chẽ từ nay đến trước tháng 10/2024 phân công rõ những công việc 2 bên cần làm cho chính sách này, trên tinh thần lan tỏa và phù hợp với thực tiễn.
Lãnh đạo Vụ BHYT, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Viện Chiến lược và Chính sách Y tế phát biểu.