Quy mô dân số nước ta đã đạt hơn 100 triệu người
Bộ Y tế cho biết, nhờ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; sự vào cuộc, tích cực tham gia, phối hợp, nỗ lực triển khai công tác dân số của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức quốc tế, công tác dân số nước ta trong những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng.
Năm 2006, nước ta đã đạt mức sinh thay thế và giữ được mức sinh xung quanh mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; duy trì mức độ gia tăng dân số phù hợp hằng năm; quy mô dân số đạt hơn 100 triệu người.
Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, tạo ra những lợi thế to lớn cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội; phân bố dân số đã hợp lý hơn; chất lượng nguồn nhân lực, chỉ số phát triển con người ngày càng được cải thiện; tuổi thọ bình quân người Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Qua 20 năm thực hiện, Pháp lệnh Dân số đã bộc lộ những hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra
Pháp lệnh Dân số được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2003, sửa đổi Điều 10 năm 2008.
Pháp lệnh Dân số đã có nhiều tác động tích cực trong việc điều chỉnh các vấn đề dân số; khắc phục được tình trạng tản mạn, phân tán điều chỉnh dân số ở nhiều văn bản trước đó; tạo cơ sở pháp lý quan trọng thực hiện công tác dân số; góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác dân số.
Tuy nhiên, qua 20 năm thực hiện, Pháp lệnh Dân số đã bộc lộ những hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra.
Các vấn đề dân số và kinh tế, xã hội hiện nay đã có những thay đổi khác biệt so với thời điểm ban hành Pháp lệnh – Tại thời điểm ban hành Pháp lệnh Dân số, Việt Nam chưa đạt mức sinh thay thế (đạt từ năm 2006); vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh chưa nổi lên và ở mức nghiêm trọng (bắt đầu từ những năm 2006-2007); chưa xuất hiện cơ cấu dân số vàng (từ năm 2007) và bước vào giai đoạn già hóa dân số (từ năm 2011)…
Bên cạnh đó, nhiều văn bản pháp luật mới được ban hành, đòi hỏi phải thay đổi quan điểm, mục tiêu, biện pháp điều chỉnh các vấn đề dân số và bảo đảm cho các quy định về dân số phù hợp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành như: Quy định cấm “Di cư và cư trú trái pháp luật” (Khoản 4 Điều 7) đã được Luật Cư trú quy định tại Điều 7. Quy định cấm “Nhân bản vô tính người” (Khoản 6 Điều 7) đã được Luật Hôn nhân và Gia đình quy định tại điểm g Khoản 2 Điều 5. Quy định “Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình” (Điều 10 Pháp lệnh Dân số 2003 đã được Pháp lệnh Dân số 2008 sửa đổi) không còn phù hợp với Hiến pháp 2003.
Quy định “Tuyên truyền và tư vấn về kế hoạch hóa gia đình” (Điều 11) không còn phù hợp khi chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.
Các quy định về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số chưa đáp ứng yêu cầu giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về dân số.
Quy định “Quy hoạch, kế hoạch phát triển dân số” (Điều 26) đã được quy định trong Luật Quy hoạch.
Quy định “Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về dân số” (Khoản 2 Điều 34) hiện không còn chủ thể thực hiện.
Quy định “Đăng ký dân số và hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Điều 35) đã được Luật Cư trú quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 32…
Theo Bộ Y tế, cần phải thay đổi để khắc phục một số hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Dân số, đó là: còn nhiều nội dung chưa phù hợp khi thể chế hóa quan điểm của Đảng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân số, chất lượng dân số; thiếu quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm và cơ chế thực hiện của các chủ thể trong thực hiện các biện pháp công tác dân số; thiếu quy định cụ thể về chính sách ưu tiên, đối tượng ưu tiên, mức ưu tiên, biện pháp thực hiện đối với một số đối tượng đặc thù trong sử dụng các dịch vụ dân số; đối với vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn trong việc thực hiện các biện pháp công tác dân số…
Cần thiết phải xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số để thực hiện toàn diện, đồng bộ công tác dân số trong tình hình mới
Bộ Y tế cho biết, từ năm 2010, Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, nguồn vốn quốc tế viện trợ cho công tác dân số bị cắt giảm mạnh.
Sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ làm thay đổi phương thức quản lý về công tác dân số.
Yêu cầu đội ngũ làm công tác dân số ngày càng chuyên nghiệp và hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn để đáp ứng thực hiện mục tiêu chính sách dân số.
Để đáp ứng đủ các điều kiện về nguồn lực thực hiện toàn diện, đồng bộ công tác dân số trong tình hình mới cần quy định trong Luật Dân số các nội dung về huy động nguồn lực xã hội để thực hiện toàn diện công tác dân số; ngân sách nhà nước cần được đảm bảo để duy trì mức sinh thay thế, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đối với những đối tượng đặc thù; mở rộng diện bao phủ các dịch vụ như tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, sinh con; tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; chăm sóc người cao tuổi…; có chính sách đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ người làm công tác dân số, đặc biệt người làm công tác dân số tại cơ sở.
Theo Bộ Y tế cần thiết phải xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số nhằm tạo cơ sở pháp lý cao nhất để thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, trực tiếp là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 21-NQ/TW; có các biện pháp giải quyết xu hướng già hóa dân số trong thời gian tới, tận dụng lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước; hướng đến năm 2045 Việt Nam là nước có dân số chất lượng tốt, lực lượng lao động đông đảo, thu nhập cao… nâng cao vai trò, vị trí của Việt Nam trên thế giới.
Đồng thời, Luật Dân số cũng khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành; đáp ứng đủ các điều kiện về nguồn lực để thực hiện toàn diện công tác dân số trong tình hình mới.