Theo các chuyên gia dân số, bên cạnh những tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, sau hơn 20 năm thi hành, Pháp lệnh Dân số có một số hạn chế, tồn tại để đáp ứng yêu cầu của công tác dân số trong tình hình mới.
Chính vì vậy cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho công tác dân số. Thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng về công tác dân số, trực tiếp nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế – xã hội.
Bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, phù hợp với các cam kết chính trị mà Việt Nam đưa ra tại các diễn đàn quốc tế; tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện hành; tính tương thích với các Điều ước quốc tế liên quan đến dân số mà Việt Nam là thành viên. Bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền cơ bản của công dân; lồng ghép giới trong xây dựng Luật; thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác dân số.
Bộ Y tế cho biết, xây dựng Luật Dân số nhằm tạo cơ sở pháp lý cao nhất để giải quyết toàn diện công tác dân số cả về quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân số và chất lượng dân số; đáp ứng yêu cầu chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Luật Dân số được xây dựng theo những quan điểm chỉ đạo sau đây:
Một là, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác dân số, trực tiếp nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.
Hai là, bảo đảm phù hợp với các quy định của Hiến pháp; tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện hành40; tương thích với các Điều ước quốc tế liên quan đến dân số mà Việt Nam là thành viên; phù hợp với các cam kết chính trị mà Việt Nam đưa ra tại các diễn đàn quốc tế; góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quản lý xã hội bằng pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Ba là, bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền cơ bản của công dân; góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, các quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến công tác dân số; thực hiện tốt quản lý nhà nước đối với công tác dân số.
Bốn là, phát huy và kế thừa các bài học kinh nghiệm, kết hợp với kiến thức, xu thế phát triển của khoa học công nghệ hiện đại; phù hợp với các giá trị văn hóa dân tộc và con người Việt Nam; tham khảo kinh nghiệm quốc tế vận dụng phù hợp vào điều kiện Việt Nam.
Năm là, bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện; dự báo, dự liệu để điều chỉnh những quan hệ xã hội nảy sinh liên quan đến công tác dân số; kế thừa những quy định của Pháp lệnh Dân số còn phù hợp; khắc phục tối đa những tồn tại, hạn chế để điều chỉnh toàn diện các vấn đề dân số.
Những mục tiêu giải quyết khi xây dựng Luật Dân số
Các nội dung khi xây dựng Luật Dân số cần đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết số 21-NQ/TW, đó là giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế – xã hội.
Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Các chính sách sau tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, đề xuất trình Chính phủ bao gồm: (1) Chính sách “Duy trì mức sinh thay thế”; (2) Chính sách “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”; (3) Chính sách “Thích ứng với già hóa dân số, dân số già”; (4) Chính sách “Phân bố dân số hợp lý”; (5) Chính sách “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”; (6) Chính sách “Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội”.