1. Tác hại của táo bón đối với trẻ nhỏ
Đại tiện là cơ chế sinh lý để cơ thể bài tiết các chất cặn bã và chất độc. Nếu thường xuyên táo bón có thể dẫn đến các vấn đề bệnh lý khác nhau ở trẻ nhỏ như hay bị nóng trong, dễ bồn chồn, cáu gắt, ngủ không ngon giấc, da sạm đen…
Lâu ngày thậm chí táo bón còn dẫn đến những bệnh lý nguy hiểm khác ở trẻ nhỏ như bệnh lý đại tràng, tắc ruột, cơ thể nhiễm độc… Chính vì vậy các bậc phụ huynh không nên chủ quan nếu trẻ có triệu chứng táo bón, tốt nhất nên tìm các phương pháp hỗ trợ trẻ khi triệu chứng còn nhẹ.
2. Biện pháp cải thiện và ngăn ngừa biến chứng do táo bón
2.1 Xoa bụng: Đây là phương pháp đơn giản nhất để điều trị và dự phòng táo bón ở trẻ nhỏ.
Cách thực hiện:
– Đặt tay phải lên bụng, lòng bàn tay hướng vào rốn, tay trái đặt chồng lên tay phải, hai tay hơi ấn nhẹ, đồng thời xoa bụng theo chiều kim đồng hồ.
– Xoa bụng theo chiều kim đồng hồ có thể hỗ trợ tăng nhu động ruột, tạo ra kích thích truyền đến não làm tăng cảm giác muốn đi đại tiện ở trẻ.
Có thể dùng một tay nhẹ nhàng ấn lên bụng, bắt đầu từ rốn rồi vẽ vòng tròn từ nhỏ đến lớn ra ngoài. Hoặc có thể đặt bàn tay với các ngón tay hơi ấn xuống, vừa ấn vừa đẩy dọc từ vùng thượng vị, dưới các xương sườn đến hết vùng bụng dưới.
– Thời gian thực hiện mỗi lần từ 5-10 phút phút, dùng lực thích hợp, từ nhẹ đến mạnh, làm đến khi cảm thấy bụng hơi ấm lên.
Danh y Tôn Tư Mạo có câu “bụng nên thường xuyên xoa, có thể trừ vạn bệnh”. Thường xuyên xoa bụng không chỉ nâng cao nhu động ruột, kiện tỳ dưỡng vị mà còn thông kinh lạc, điều hòa khí huyết.
Lưu ý xoa bụng không nên thực hiện ngay sau khi trẻ ăn no.
Xoa bụng là biện pháp thường được thực hiện để phòng ngừa táo bón cho trẻ.
2.2 Nắn lưng: Theo Đông y, lưng là nơi có nhiều vị trí huyệt đạo liên quan trực tiếp đến chức năng tiêu hóa và bài tiết của cơ thể. Vì thế xoa bóp lưng cũng là cách để kích thích những vị trí huyệt này, hỗ trợ điều trị táo bón ở trẻ nhỏ.
Cách thực hiện:
– Trẻ nằm sấp, dùng ngón tay cái và các ngón khác của cả hai tay phối hợp dùng lực, ấn nhẹ nhàng cơ hai bên cột sống của trẻ (ngón cái ở sau, ba ngón kia ở trước, ba ngón di chuyển về sau, ngón cái đẩy về trước), bắt đầu từ xương cụt.
– Từ từ đẩy ngón cái lên đến cổ gáy là xong một lượt.
– Thực hiện một lần mỗi ngày, mỗi lần ba đến năm lượt.
Ngoài tác dụng thông tiện, nắn lựng còn giúp thanh nhiệt, tả hỏa, điều trị nhiều chứng bệnh khác ở trẻ em như chứng tiêu hóa kém, tăng cường sự thèm ăn của trẻ; nâng cao chức năng tạng phủ của trẻ, cải thiện khả năng miễn dịch; điều chỉnh chức năng não bộ, giúp cải thiện giấc ngủ. Chính vì vậy đây là một động tác xoa bóp được nhiều chuyên gia khuyên làm hằng ngày đối với trẻ em.
Bên cạnh xoa bụng, cha mẹ có thể thực hiện nắn lưng để phòng ngừa táo bón cho trẻ.
Bên cạnh các phương pháp xoa bóp kể trên, để hỗ trợ điều trị táo bón ở trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh nên xây dựng cho trẻ một chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học.
Cần ăn đủ rau xanh, củ, quả hàng ngày, uống đủ nước, tăng cường vận động, hạn chế ăn đồ ngọt, đồ dầu mỡ, thức ăn nhanh…
Và đặc biệt là nên tập cho bé thói quen đại tiện đều đặn, đúng giờ.
Mời bạn xem tiếp video:
Bị táo bón nên ăn 5 thực phẩm này để cải thiện tiêu hóa | SKĐS