1. Khi nào người bệnh nhiễm Cryptosporidium nên tập thể dục?
Bệnh do Cryptosporidium là bệnh nhiễm trùng gây ra bởi ký sinh trùng đơn bào Cryptosporidium. Khi ký sinh trùng này xâm nhập vào cơ thể, chúng di chuyển đến ruột non, ký sinh tại thành ruột, cuối cùng theo phân đào thải ra ngoài.
Các triệu chứng bệnh thường khởi phát đột ngột, tiêu chảy phân toàn nước không kiểm soát, đau quặn bụng, buồn nôn, nôn, chán ăn, sốt, khó chịu. Lúc này, người bệnh cần nghỉ ngơi hoàn toàn cho đến khi khỏe hẳn. Ở hầu hết những người khỏe mạnh, bệnh do Cryptosporidium dẫn đến tiêu chảy cấp và thường tự khỏi trong vòng 1 hoặc 2 tuần.
Việc tập thể dục khi đang bị tiêu chảy sẽ gây hại sức khỏe bởi vận động sẽ làm tăng nhu động ruột khiến cho bệnh nặng hơn. Bên cạnh đó, tiêu chảy gây mất nước, tập thể dục sẽ đổ mồ hôi, càng làm cơ thể mất nước trầm trọng. Do đó, khi nhu động ruột trở lại bình thường, nước tiểu có màu vàng nhạt – dấu hiệu cho thấy cơ thể không còn bị mất nước nữa, người bệnh có thể tập thể dục trở lại.
Tập thể dục sau tiêu chảy sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như:
– Điều hòa nhu động ruột: Tập thể dục tăng cường cơ bắp ở đường tiêu hóa, giúp cải thiện các cơn co thắt ruột, điều hòa nhu động ruột bình thường.
– Cải thiện sức khỏe hệ vi sinh vật: Tập thể dục làm tăng sự đa dạng của hệ vi sinh vật đường ruột, cải thiện sự phát triển của các loài vi khuẩn có lợi. Cải thiện sức khỏe của hệ vi sinh vật đường ruột giúp cơ thể bạn cân bằng nội môi và có tác dụng có lợi cho tiêu hóa, hệ miễn dịch, sự trao đổi chất và sức khỏe não bộ…
– Tăng cường hệ thống miễn dịch: Có tới 70% hệ thống miễn dịch nằm ở ruột. Nếu sức khỏe đường ruột bị tổn hại, sẽ khiến bạn dễ mắc phải nhiều tình trạng tiêu hóa và các vấn đề sức khỏe nói chung. Tập thể dục tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm.
2. Một số bài tập phù hợp với người bệnh sau tiêu chảy
Đối với người bệnh vừa phục hồi sau tiêu chảy, nên tập các bài tập thể dục cường độ nhẹ nhàng, ít gây vất vả hơn cho tim, phổi, khớp và hệ tiêu hóa. Ví dụ như:
– Đi bộ: Đi bộ cải thiện tiêu hóa và mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe. Bạn nên chọn những cung đường vắng vẻ, ít xe cộ qua lại, có không khí trong lành để đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày. Vừa đi bộ, vừa hít thở sâu giúp thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng ở cơ bụng xung quanh ruột.
– Yoga: Các tư thế yoga có thể thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Bạn có thể tập các tư thế yoga cơ bản như tư thế con bò – con mèo, tư thế rắn hổ mang, tư thế ngọn núi, tư thế chiến binh… Nếu bạn chưa từng tập yoga trước đây, tốt nhất nên bắt đầu làm quen với bộ môn này bằng cách tham gia một lớp học với sự hướng dẫn của huấn luyện viên chuyên nghiệp. Việc này sẽ giúp bạn nắm được những kỹ thuật cơ bản trong yoga, tránh tập sai tư thế gây chấn thương.
– Đạp xe: Đạp xe có thể cải thiện tiêu hóa. Không những thế, đạp xe còn giúp giảm mỡ bụng, tốt cho tim mạch.
3. Những lưu ý khi luyện tập
– Người bệnh sau khi bị tiêu chảy có thể còn cảm thấy mệt, do đó, nên tập các bài cường độ thấp với thời gian ngắn, rồi từ từ tăng dần thời gian và tốc độ cho đạt tối thiểu 150 phút mỗi tuần, tương đương 30 phút mỗi ngày trong 5 ngày/tuần.
– Trong quá trình tập luyện, hãy lắng nghe cơ thể. Nếu cảm thấy mệt, sức khỏe không ổn… nên ngừng tập.
– Khi tập luyện cường độ cao, cơ thể bạn sẽ tăng lưu lượng máu đến các cơ đang co bóp để cung cấp oxy. Điều này làm giảm lưu lượng máu đến đường tiêu hóa, có thể ngăn cản sự hấp thụ nước ở ruột kết và dẫn đến tiêu chảy và làm cho bệnh thêm trầm trọng.
– Đối với những người có vấn đề về tiêu hóa nói chung và tiêu chảy nói riêng, tập thể dục cường độ cao có thể gây hại nhiều hơn là có lợi. Bởi vậy, nên tránh các bài tập cường độ cao như chạy bộ, luyện tập cường độ cao ngắt quãng…