1. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng đối với người mắc chứng ám ảnh sợ hãi
Theo các chuyên gia y tế, việc điều trị và quản lý chứng ám ảnh sợ hãi rất quan trọng để cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa các tác động tiêu cực. Vì vậy, người bệnh nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ các bác sĩ, chuyên gia tâm lý hoặc sức khỏe tâm thần để được tư vấn cách kiểm soát bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Ngoài việc dùng thuốc kết hợp với trị liệu tâm lý thì người bệnh nên áp dụng một số biện pháp tự chăm sóc để hỗ trợ quá trình điều trị như: Tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên; Thực hành các kỹ thuật thư giãn như yoga hoặc thiền; Ngủ đủ giấc; Ở bên cạnh người thân, gia đình; Có chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng; Tránh xa rượu bia, chất kích thích vì nó có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng lo âu.
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bị ám ảnh sợ hãi. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể giúp:
Giảm các triệu chứng lo âu, hoảng sợ: Một số chất dinh dưỡng như vitamin B, magie, omega-3 có thể giúp giảm căng thẳng, lo lắng, cải thiện tâm trạng.
Giúp người bệnh ngủ ngon hơn: Mất ngủ là một triệu chứng phổ biến của chứng ám ảnh sợ hãi. Một số loại thực phẩm giúp thúc đẩy giấc ngủ, cải thiện chất lượng giấc ngủ như sữa ấm, chuối và ngũ cốc nguyên hạt.
Giảm mệt mỏi: Chế độ dinh dưỡng đầy đủ giúp người bệnh có nhiều năng lượng hơn, giảm cảm giác mệt mỏi.
Tăng cường hệ miễn dịch: Một chế độ ăn uống lành mạnh giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, tăng cường hệ miễn dịch. Điều này giúp người bệnh có khả năng chống chọi với các triệu chứng lo âu tốt hơn.
2. Những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể người bị ám ảnh sợ hãi
Thực phẩm giàu vitamin nhóm B
Bao gồm vitamin B1 (giúp điều hòa chức năng hệ thần kinh, giảm căng thẳng, lo âu); Vitamin B6 (tham gia vào quá trình chuyển hóa serotonin giúp cải thiện tâm trạng); Vitamin B12 (bảo vệ hệ thần kinh, giảm nguy cơ trầm cảm).
Nguồn thực phẩm giàu vitamin B bao gồm: Thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, rau có lá màu xanh đậm…
Thực phẩm giàu magie
Magie là chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể, giúp thư giãn cơ bắp, giảm căng thẳng, lo âu. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, magie được sử dụng để điều tiết đường huyết, giúp các mạch máu mềm mại. Magie cũng giúp ngăn ngừa việc thừa canxi trong cơ thể, ngăn các động mạch khỏi tình trạng xơ cứng do thừa canxi. Việc bổ sung magie có thể giúp giảm stress và lo âu.
Magie có trong các thực phẩm như: hải sản, thịt, các loại rau lá màu xanh đậm, ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ, vừng, lạc, các loại hạt…
Thực phẩm giàu omega-3
Acid béo omega-3 là chất dinh dưỡng thiết yếu có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe và đặc biệt quan trọng cho chức năng của não. Bổ sung omega-3 giúp giảm viêm, cải thiện tâm trạng, giảm lo âu, trầm cảm.
Omega-3 có nhiều trong thực phẩm như: các loại cá béo (cá cơm, cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi…); thực phẩm thực vật như: quả óc chó, một số loại hạt, dầu thực vật.
Thực phẩm chứa tryptophan
Người bị chứng ám ảnh sợ hãi nên bổ sung thực phẩm chứa tryptophan. Tryptophan là tiền chất của serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh còn được gọi là “hormone hạnh phúc”. Bổ sung tryptophan tốt cho hoạt động của hệ thần kinh, giúp ngăn ngừa mệt mỏi, trầm cảm, đau đầu, mất ngủ, cải thiện tâm trạng, giảm lo âu.
Nguồn thực phẩm giàu tryptophan bao gồm: Gạo lứt, trứng gà, cá, sữa, chuối, hạnh nhân, hạt điều, lạc, hạt bí ngô, hạt hướng dương…
3. Người bị ám ảnh sợ hãi nên tránh thực phẩm gì?
Rượu, bia
Đây là loại đồ uống hàng đầu người bị ám ảnh sợ hãi nên tránh. Mặc dù ban đầu uống rượu, bia dễ khiến bạn cảm thấy thư giãn nhưng sau đó làm các triệu chứng lo âu và mất ngủ nặng thêm.
Mất ngủ khiến người mắc chứng ám ảnh sợ hãi dễ bị ốm hơn vì hệ thống miễn dịch không hoạt động ở mức cao nhất và là nguyên nhân làm trầm trọng thêm hầu hết các rối loạn sức khỏe tâm thần…
Thực phẩm chứa nhiều caffeine
Caffeine là chất kích thích có thể làm tăng nhịp tim, huyết áp, gây ra cảm giác bồn chồn, lo lắng. Các thực phẩm chứa nhiều caffeine bao gồm: cà phê, trà đặc, nước tăng lực…
Đồ ăn chứa nhiều đường
Đường có thể làm tăng lượng đường trong máu một cách nhanh chóng, dẫn đến sự thay đổi tâm trạng đột ngột và làm tăng cảm giác lo lắng. Người bị rối loạn lo âu nên hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều đường như: nước ngọt, bánh kẹo, kem, bánh ngọt… Tránh xa các nguồn đường rõ ràng cũng như đường ẩn trong thực phẩm đóng gói, đóng hộp.
Thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều chất béo bão hòa, natri và chất phụ gia ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần. Nghiên cứu đã phát hiện ra những người ăn chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, nhiều chất béo và đường có nhiều khả năng bị lo lắng hơn những người theo chế độ ăn giàu carbohydrate phức tạp, protein nạc, trái cây, rau quả.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, aspartame được sử dụng trong nhiều chất làm ngọt nhân tạo có thể góp phần ức chế quá trình tổng hợp, giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh gây ra lo lắng và các vấn đề tâm trạng khác.
Nghiên cứu mới được công bố của Trường Y tế công cộng Harvard TH Chan đã đánh giá mối liên hệ giữa thực phẩm chế biến sẵn với bệnh trầm cảm. Kết quả cho thấy, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là những thực phẩm có chứa chất làm ngọt nhân tạo có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, phát hiện này cho thấy mọi người, đặc biệt là những người đang gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần nên hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn bất cứ khi nào có thể.
Xem thêm: