Những thông tin trên được PGS.TS Lê Văn Truyền – nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp dược học đưa ra tại tọa đàm “Công nghiệp dược Việt Nam và hành trình tham gia toàn cầu hoá” diễn ra tối 31/7 ở Hà Nội.
Cơ sở vật chất – kỹ thuật – công nghệ của ngành dược Việt Nam còn thấp
Thông tin tại buổi tọa đàm PGS.TS Lê Văn Truyền cho biết, ngành dược Việt Nam đang được xem là ngành công nghiệp mũi nhọn cần tập trung nguồn lực để đẩy mạnh phát triển.
Cụ thể, ngày 9/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1165/QĐ-TTg, phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu phát triển ngành dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo cho người dân tiếp cận thuốc với mức chi phí hợp lý.
Cùng với đó là nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong sản xuất thuốc, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công, chuyển giao công nghệ; chủ động sản xuất thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, vaccine và sinh phẩm y tế, nguyên liệu làm thuốc; sản xuất biệt dược gốc từ nguồn dược liệu trong nước… đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và nâng cao giá trị xuất khẩu, hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Từ đó, nâng cao giá trị sản lượng của ngành dược với tổng giá trị công nghiệp dược đạt 20 tỷ USD vào năm 2045.
Các chuyên gia tham dự hội thảo đều nhấn mạnh việc xây dựng ngành dược Việt Nam phát triển, trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của nước ta.
Tham luận tại tọa đàm trong phiên thứ nhất với chủ đề “Giải pháp cho ngành công nghiệp Dược Việt Nam trong hành trình tham gia toàn cầu hoá“, PGS.TS Lê Văn Truyền cho biết, ngành công nghiệp dược của nước ta đang có tốc độ tăng trưởng cao trong 10 năm qua với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm cao (7,3%) và trong bối cảnh GDP của Việt Nam đang đứng thứ 3 ở trong khối Đông Nam Á.
Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thẳng thắn chỉ ra 5 thách thức đối với phát triển công nghiệp dược tại Việt Nam, cụ thể:
Thách thức đầu tiên mà ngành công nghiệp dược trong nước đang phải đối mặt đó là cơ sở vật chất – kỹ thuật – công nghệ còn thấp. Việt Nam mới chỉ có 17/250 nhà máy đạt GMP tiên tiến (EU, PIC/S, JAPAN, TGA…). Hơn 200 nhà máy đạt WHO GMP nhưng không có nhà máy nào được WHO tiền thẩm định (WHO pre-qualification).
Thứ hai, Việt Nam chưa có các khu công nghiệp dược – sinh học tập trung với một hệ sinh thái bao gồm trung tâm nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm tương đương sinh học – sinh khả dụng, thử nghiệm lâm sàng, kiểm nghiệm, nhà máy sản xuất dược phẩm, nhà máy sản xuất bao bì đóng gói, các trung tâm cung cấp dịch vụ liên quan, đặc thù cho công nghiệp dược phẩm…
Thứ ba, về năng lực tài chính, đa số các công ty dược phẩm trong nước có quy mô còn nhỏ, doanh số thấp và chưa có các tập đoàn dược phẩm quy mô quốc gia, nguồn lực tài chính để đầu tư mới rất hạn chế.
“Trong 10 công ty dược có doanh thu cao tại Việt Nam, chỉ có 3 đơn vị của Việt Nam”- PGS.TS Lê Văn Truyền dẫn chứng.
Thứ tư, sự thay đổi cấu trúc thị trường dược phẩm từ thuốc hóa dược sang thuốc sinh học, sinh học tương tự trong các thập kỷ tới sẽ diễn ra rất mạnh mẽ. Thị phần thuốc sinh học, sinh học tương tự sẽ chiếm khoảng 40% thị trường dược phẩm toàn cầu và Đông Nam Á do già hóa dân số và chuyển đổi mô hình bệnh tật.
Thứ năm, chuyển đổi số cũng là những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp dược ở Việt Nam hiện nay trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Đứng trước những thách thức này, PGS.TS Lê Văn Truyền cho rằng cần có chính sách đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất và nâng cao năng lực sản xuất của các nhà máy dược phẩm hiện có; đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp dược để xây dựng và phát triển nhà máy mới, đặc biệt các nhà máy sản xuất thuốc sinh học/sinh học tương tự….
Cùng với đó, theo ông mỗi doanh nghiệp cần xem xét, điều chỉnh, thay đổi chiến lược phát triển trung và dài hạn để phù hợp với đường lối của Nhà nước, môi trường kinh doanh quốc tế, khu vực và trong nước; từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của công nghiệp dược Việt Nam.
Làm gì để thu hút các tập đoàn dược phẩm và công nghệ sinh học đến đầu tư?
Trong phiên thứ hai của tọa đàm với chủ đề “Việt Nam, điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế – góc nhìn từ người trong cuộc“, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực dược và đại diện hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã chỉ ra những tiềm năng vượt trội của Việt Nam, giúp cạnh tranh hơn so với những nước khác trong khu vực để có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, phiên thảo luận cũng giúp các doanh nghiệp dược hiểu rõ hơn về Khu công nghiệp Dược sinh học tại tỉnh Thái Bình. Dự án này đang được liên danh các nhà đầu tư gồm Quỹ Makara Capital Partners Pte,.Ltd, Sakae Corporate Advisory Pte,.Ltd và Công ty cổ phần Newtechco Group quan tâm nghiên cứu.
Theo bà Võ Thị Tuấn Anh – Chủ tịch Newtechco Group, đây sẽ là một khu công nghiệp Dược sinh học quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ đầu tiên tại Việt Nam. Hiện các thủ tục thực hiện dự án đang được triển khai khẩn trương, đảm bảo tuân thủ các quy định, dự kiến năm 2025 có thể khởi công và xúc tiến đầu tư.
Dự án này không chỉ thu hút các hãng Dược phẩm, thiết bị y tế về Việt Nam sản xuất còn là cơ hội để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát minh, các sản phẩm sinh – dược phẩm, hướng đến xuất khẩu với giá trị cao. Đặc biệt, người dân cũng sẽ được hưởng những thành quả khoa học công nghệ và tiếp cận dịch vụ y tế tốt với chi phí thấp.
“Là thị trường mới nổi, có nguồn nhân lực trẻ và chính sách thu hút đầu tư tốt, Việt Nam ngày càng thu hút các nhà sản xuất quốc tế, trong đó có cả những tập đoàn dược phẩm lớn. Thế nhưng, để thu hút được những tập đoàn dược phẩm và công nghệ sinh học đến đầu tư thì cần phải có khu công nghiệp chuyên ngành hiện đại, đồng bộ theo hướng đạt chuẩn xanh trên thế giới”- bà Tuấn Anh nói.
Dự án Khu công nghiệp Dược sinh học tại Thái Bình là một trong hai dự án đầu tiên của cả nước được triển khai theo Quyết định 376/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Liên quan đến việc thực hiện dự án này, năm ngoái Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã ký kết bản ghi nhớ hỗ trợ hợp tác “Phát triển ngành công nghiệp dược – sinh học Việt Nam” giữa Cục Quản lý Dược và Liên danh Quỹ đầu tư Makara Capital Partners Sakae Corporate Advisory (Singapore) và Newwtechco Group.
Ngành dược Việt Nam hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm theo công nghệ hóa dược – thực hiện nghiên cứu phát triển sản phẩm dược từ các hợp chất hóa học và hóa tổng hợp. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực này là rất lớn…
Trong khi đó, việc nghiên cứu sản xuất và thu hoạt chất dược từ chiết xuất hoặc cải biến các hệ thống sống (động vật, thực vật và vi sinh vật) hay còn gọi là dược sinh học chưa thực sự phát triển tại Việt Nam…